Khi núi lửa Kilauea phun trào trên đảo Big Island của Hawaii vào năm 2018, các nhà khoa học đã xác định được dòng nham thạch chảy ra có nhiệt độ lên đến 1100 độ C. Mức nhiệt này còn cao hơn cả bề mặt của Sao Kim, đủ sức nung chảy nhiều loại đá khác nhau, và cũng tương đương với các lò đốt chất thải hiện nay (thường hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ 1000 - 1200 độ C).
Thế nhưng, tại sao chúng ta không thể lợi dụng sức nóng này để thiêu sạch các loại rác thải thường ngày của con người? Tại sao chúng ta không thể đổ rác xuống núi lửa và giải quyết rất nhiều vấn đề môi trường nhức nhối hiện nay?
Tại sao chúng ta không thể lợi dung sức nóng của nham thạch núi lửa để tiêu hủy rác thải?
Không phải loại dung nham nào cũng có nhiệt độ giống nhau. Vụ phun trào tại Hawaii nêu trên đây đã tạo ra dung nham có tên là bazan. Nó nóng hơn và lỏng hơn bất kỳ loại nham thạch trong các núi lửa khác, như dung nham đa-xít (dacite) phun trào từ núi St. Helens tại Washington, Hoa Kỳ chẳng hạn. Trong khoảng thời gian từ năm 2004 - 2008, ngọn núi này đã tạo ra 1 mái vòm dung nham khổng lồ, nhưng nhiệt độ bề mặt của nó lại chỉ rơi vào khoảng hơn 700 độ C mà thôi.
Ngoài yếu tố về nhiệt độ ra, còn rất nhiều lý do khác cho thấy vì sao chúng ta không thể tiêu hủy rác thải bằng núi lửa. Thứ nhất, mặc dù mức nhiệt 1100 độ C có thể nung chảy nhiều loại vật liệu khác nhau, bao gồm thức ăn thừa, giấy, nhựa, thủy tinh và một số loại kim loại, nhưng dung nham vẫn phải chịu đầu hàng trước những chất liệu cứng đầu hơn như thép, niken và sắt.
Thứ hai, trên thế giới hiện nay, không có nhiều núi lửa sở hữu hồ dung nham đủ lớn, đủ nóng để chúng ta có thể thoải mái đổ rác vào đó. Trong số hàng nghìn miệng núi lửa, giới khoa học mới chỉ phát hiện ra 8 ngọn núi có hồ dung nham vẫn đang hoạt động mà thôi, bao gồm núi Kilauea, núi Erebus ở Nam Cực và núi Nyiragongo ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong khi đó, hầu hết những núi lửa đang hoạt động hiện nay đều có miệng núi lửa chứa đầy đá và dung nham nguội (như núi Helens) hoặc chứa nước (như hồ Crater).
Trên thế giới hiện nay chỉ có 8 hồ dung nham vẫn còn hoạt động.
Thứ ba, việc trực tiếp đổ rác thải vào hồ dung nham đang hoạt động là 1 việc làm vô cùng mạo hiểm. Các hồ dung nham thường được bao phủ bởi 1 lớp vỏ dung nham nguội lạnh. Nhưng ngay bên dưới lớp vỏ đó, nham thạch lại tồn tại dưới dạng nóng chảy và nguy hiểm. Nếu đất đá hay bất cứ vật liệu gì rơi lên bề mặt của hồ dung nham, lớp vỏ bao bọc bên trên sẽ bị phá vỡ, tác động mạnh đến dòng nham thạch bên dưới và có thể gây ra 1 vụ nổ lớn.
Điều này đã từng xảy ra tại núi Kilauea vào năm 2015. Những khối đá khổng lồ trên vành miệng núi lửa khi rơi vào hồ dung nham bên dưới đã gây ra 1 vụ phun trào nghiêm trọng, liên tục bắn nham thạch và những tảng đá nóng ra phía bên ngoài. Vì vậy, bất cứ ai có ý định ném rác thải vào bên trong miệng núi lửa, họ sẽ phải lập tức bỏ chạy ngay sau đó và né tránh những khối dung nham nóng chảy bắn về phía mình.
Khí thải độc hại từ vụ phun trào núi lửa La Palma gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực xung quanh.
Giả sử, khi công nghệ phát triển đến 1 mức độ nhất định giúp chúng ta có thể đổ rác vào hồ dung nham 1 cách an toàn, điều gì sẽ xảy ra với đống rác thải đó? Khi nhựa, rác và kim loại cháy, chúng sẽ tạo ra rất nhiều khí độc, hòa lẫn với những khí độc thải ra từ núi lửa như lưu huỳnh, clo, CO2 và xả thẳng vào môi trường.
Khí lưu huỳnh có thể gây ra hiện tượng sương mù axit, có thể phá hủy thực vật và khiến con người cảm thấy khó thở nếu hít phải. Việc trộn lẫn những loại khí núi lửa vốn đẽ nguy hiểm này với các loại khí thải khác từ việc thiêu đốt rác sẽ gây ra hậu quả khôn lường, tác động cực kỳ tiêu cực đến những sinh vật sống xung quanh khu vực núi lửa đó.
Cuối cùng, nhiều người bản địa thường quan niệm những ngọn núi lửa trong khu vực họ sinh sống là nơi linh thiêng. Ví dụ như miệng núi lửa Halema’uma’u tại Kilauea được xem là quê hương của Pele, nữ thần lửa tại Hawaii. Việc vứt rác xuống hồ dung nham sẽ bị xem là 1 sự xúc phạm rất lớn đối với nền văn hóa của họ.
Theo Inverse