1. Có nhiều lý do để người ta thuyết phục nhau rằng, bóng đá đang chết dần.
Brazil, đất nước mà nhiều siêu sao đã từng nói rằng: “Chỉ cần ra đường nhặt bừa một chú bé, đưa nó vào học viện đào tạo là thế giới có thêm… Maradona”, suốt nhiều năm qua không sản sinh ngôi sao nữa.
Italia, nền bóng đá giàu tư duy chiến thuật nhất lịch sử, là nơi sản sinh ra những sơ đồ chiến thuật khoa học nhất, giờ đây bát nháo. Serie A mùa này, Juventus khởi đầu tồi tệ, nhưng vẫn vô địch. Đó là hình ảnh đại diện cho sự thảm hại của bóng đá Italia.
Trung Quốc đổ tiền ra, sao bóng đá lũ lượt kéo về đầu quân.
Trung Quốc chỉ cần tiền đã có thể thu hút một lượng sao rất lớn lũ lượt kéo nhau gia nhập. Cầu thủ bây giờ bị kết tội không có chí tiến thủ, mà chỉ chạy theo đồng tiền.
FIFA, UEFA, những cơ quan điều hành bóng đá hàng đầu thì tham nhũng, ăn hối lộ. Chủ tịch bị cách chức, cấm hoạt động bóng đá.
EURO trở thành cái chợ lộn xộn, bát nháo vì người ta tăng thêm số lượng đội tham dự. Hà Lan vắng mặt, nhưng những đội tuyển rất yếu như Albania, Hungary, Bắc Ireland… thì lại góp mặt.
World Cup trong tương lai, vì các quan chức ăn hối lộ, sẽ phải thi đấu vào dịp… Giáng sinh, thay vì được gọi là những ngày Hè như nó vốn vậy. Thật thảm hại.
2. Sau trận đấu giữa Leicester và Everton trên sân King Power, bóng đá Anh nói riêng và thế giới nói chung được chứng kiến một thời khắc đặc biệt: Leicester nâng cao chức vô địch Premier League.
Lễ đăng quang của Leicester diễn ra theo cách đặc biệt nhất có thể. Có ca sỹ opera Andrea Bocelli biểu diễn 2 ca khúc tôn vinh Leicester.
Danh ca Bocelli và HLV Ranieri.
Người trao chức vô địch cho thày trò Claudio Ranieri cũng là một nhân vật cực kỳ đặc biệt: Bà Gladys Kenney, CĐV lớn tuổi nhất sở hữu tấm vé cả mùa của Leicester. Bà Gladys Kenney năm nay đã… 97 tuổi.
Rất nhiều người hâm mộ từ khắp thế giới sẽ quy tụ về Anh.
Tờ Telegraph kể câu chuyện về một cặp vợ chồng đã rời khỏi nước Anh 27 năm đã quyết định quay lại quê hương chỉ để chứng kiến thời khắc đội trưởng Wes Morgan của Leicester nâng cao chức vô địch.
Chúng ta nên cảm thấy may mắn vì được sống trong thời khắc này. Vì nó không chỉ đơn thuần là sự kiện mà theo cách gọi của giới chuyên môn: Trăm năm mới có một lần. Nó còn đại diện cho sự kỳ diệu của bóng đá.
Hóa ra bóng đá chưa chết. 11 cầu thủ đã đưa Leicester lên ngôi vô địch có thể coi là 11 món hàng thải từ các CLB khác nhau.
Riyad Mahrez từng bị từ chối nhận làm cầu thủ chuyên nghiệp vì thể hình quá nhỏ. Ngay Vardy cũng lận đận mãi mới được thi đấu tại Premier League.
Claudio Ranieri, kiến trúc sư cho công trình vĩ đại này chưa từng vô địch ở bất kỳ quốc gia nào. Ông bị người ta gọi là "Gã thợ hàn", hoàn toàn mang ý nghĩa giễu cợt một người đàn ông chỉ đi loay hoay sửa những thứ đã bị bỏ đi.
Nhưng Leicester đã vô địch giải đấu mà người ta nghĩ rằng ở đó, chẳng có gì có thể thắng nổi đồng tiền.
Man City và Chelsea đã ném ngót ngét 1 tỷ bảng để xây dựng đội hình. Liverpool cũng đã tiêu tốn 300 triệu bảng và thay nhiều đời HLV. Man United còn khủng khiếp hơn thế: họ đốt 200 triệu bảng chỉ để tạo nên một đội hình rồi sẽ bị vứt đi mùa bóng tới.
Bóng đá và tiền bạc, hai khái niệm tưởng như không bao giờ tách rời rốt cuộc đã bị Leicester khiến nó chẳng còn chút ý nghĩa nào.
Bóng đá thật sự rốt cuộc chưa chết. Thứ bóng đá mà chỉ cần có đam mê, có tài năng, rồi sẽ được thừa nhận sẽ được cả thế giới tôn vinh mãnh liệt trong thời khắc Leicester nâng cao ngai vàng Premier League tối nay.
Nhìn rộng ra toàn thế giới, ở đâu đó chúng ta vẫn đang có nhiều Leicester sống mãnh liệt. Atletico Madrid chính là một Leicester của Champions League.
Bằng nhiệt huyết của Diego Simeone, đội hình không có gì đặc biệt ấy đã tiến vào trận chung kết Champions League.
Atletico Madrid chính là một Leicester của Champions League.
Liverpool dưới thời Jurgen Klopp cũng là một Leicester. Kể từ khi tiếp quản cơ ngơi đổ nát của Brendan Rodgers, Klopp chưa tiêu của Liverpool một xu nào, chưa đề nghị mua bất kỳ cầu thủ nào, chưa phàn nàn về bất kỳ điều gì.
Ông lặng lẽ làm việc và Liverpool vừa có tên trong trận chung kết Europa League.
Rồi thế giới sẽ phải thay đổi cách nhìn về bóng đá. Bản thân NHM cũng thấy từ trong hành trình của Leicester, của Atletico hơi thở của quá khứ, của những gì thuần khiết nhất mà bóng đá mang lại cho CĐV.
Gary Neville nói rằng, chức vô địch của Leicester sẽ được nhắc đến trong suốt 40 năm tiếp theo. Và rất có thể, đây còn là thời khắc bản lề mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới của bóng đá.
Ở đó, người ta sẽ tìm những gì thuộc về căn nguyên của túc cầu thay vì chỉ chăm lo phát triển một vỏ bọc đẹp đẽ.
Đối với những CĐV yêu bóng đá, thật may mắn vì được sống trong thời khắc hoàng kim nhất của lịch sử túc cầu.