Nỗi sợ đầu tiên là sợ bị cấp trên đánh giá kém. Nếu bị cấp trên đánh giá kém, sẽ không được giao bệnh nhân cho điều trị, không được cho đi học, trình độ chuyên môn sẽ không phát triển được.
Cùng với nỗi sợ này là sợ làm phật lòng đàn anh và các thầy. Nếu phật lòng đàn anh hay các thầy, sẽ không ai dạy dỗ cho, chuyên môn sẽ chẳng khá lên được.
Chung nhóm với nỗi sợ này là sợ bị báo đăng sai chức danh. Có người phải chạy tới chạy lui đính chính với giám đốc, rằng báo đăng sai chứ tui không có nói tui là giám đốc. Vì người ta sợ ông giám đốc nghĩ rằng, chắc nó muốn lên thay mình đây.
Nỗi sợ tiếp theo là sợ bị bệnh nhân khiếu nại. Mỗi lần bệnh nhân khiếu nại, chưa biết đúng sai, nhưng ở Việt Nam, gần như mặc nhiên là bác sĩ sai, nhất là những bác sĩ có nhiều "đối thủ" cạnh tranh.
Mỗi lần có bệnh nhân khiếu nại, người bác sĩ cảm nhận được sự cô đơn một cách rất rõ nét. Đồng nghiệp ngó lơ, cấp trên sợ bị ảnh hưởng, lại sợ cấp trên nữa, nên bất kể đúng sai, kỷ luật liền. Bệnh nhân khác nghe nói bác sĩ bị kiện, bị kỷ luật thì nghi ngại. Bác sĩ chìm trong sự cô độc.
Cùng loại với nỗi sợ này là sợ bị đền. Bệnh nhân trốn viện không thanh toán viện phí: Đền. Bảo hiểm y tế xuất toán: Đền. Sự cố y khoa: Đền. Bệnh nhân khiếu kiện: Đền. Gần đây còn có loại đền đặc biệt, cứ mỗi khi bệnh nhân có vẻ chuẩn bị khiếu kiện: Đền luôn.
Một nỗi sợ nữa là sợ bị đánh, bị đâm, nhất là khi cấp cứu hoặc chữa bệnh nặng, khi người nhà hoặc bệnh nhân lớn tiếng. Nhiều bác sĩ sức vóc hơn người, đai đen, nhưng cũng rất sợ chuyện này.
Đơn giản chỉ là khi bệnh nhân đánh, đâm bác sĩ, thì đấy là họ bị bức xúc, hoặc do trạng thái bệnh lý. Còn bác sĩ mà tự vệ, thì bị gọi ngay là loại vô lương tâm, vi phạm y đức.
Một vụ người nhà bệnh nhân đe dọa các bác sĩ. Ảnh: CAND.
Đến đây chắc bạn sẽ hỏi: Tại sao bác sĩ toàn sợ chuyện gì đâu vậy? Thế về chuyên môn thì sao? Không có gì đáng sợ sao?
Có chứ. Bác sĩ sợ nhất những ca bệnh mà bệnh nhân tự chữa, tới khi "đường cùng" mới vô bệnh viện đòi bác sĩ phải chữa cho khỏi.
Bác sĩ sợ những người bệnh như vậy lắm. Giải thích thì họ không nghe, cứ nhất quyết phải chẩn bệnh giống như họ nghĩ thì họ mới chịu. Cho toa thuốc thì không chịu uống, hoặc uống một nửa, lúc nào thích thì uống.
Tới khi bệnh nặng, chữa không giảm hay nặng thêm, thì lại quay ra chê bai bác sĩ, hoặc cho là bác sĩ vô lương tâm, không chịu chữa.
Thế các bác sĩ không sợ gặp bệnh nặng, bệnh khó sao?
Cái đấy thì không rồi. Các bác sĩ không sợ bệnh nặng, bệnh khó. Họ chỉ sợ không được học hỏi đầy đủ để chuẩn bị cho việc gặp các ca đó.
Và quan trọng hơn, các bác sĩ sợ bệnh nhân và người nhà không hiểu rằng bệnh của họ khó chữa, mà cứ nhất mực cho rằng bác sĩ vòi vĩnh phong bì rồi suy diễn đủ thứ.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Thế các bác sĩ không sợ bị lây bệnh à?
Cái đấy thì có. Nhưng vì bệnh nhân, các bác sĩ có thể vượt qua nỗi sợ hãi.
Họ chỉ sợ khi lãnh đạo vì tiếc tiền mà không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, hoặc vì nhận thức kém mà cắt bớt hay không thực hiện các qui trình chuyên môn để phòng tránh lây nhiễm cho bác sĩ và những nhân viên y tế khác.
Các bác sĩ còn phải chịu đựng nhiều nỗi sợ khác, không thể kể hết được. Với bấy nhiêu nỗi sợ, có vẻ như cuộc sống của các bác sĩ luôn chìm ngập trong sợ hãi.
Chính vì vậy, có một thực tế là nhiều bác sĩ khuyên con cái mình thôi đừng học y khoa, đừng làm bác sĩ.