Tái lập Hạm đội 2, Mỹ ưu tiên cho cuộc cạnh tranh nước lớn

Huyền Hoa |

Hải quân Mỹ vừa ra thông báo đã chính thức đưa hạm đội hải quân hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh - Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ trở lại phục vụ vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và nhiều cường quốc khác trên thế giới như Nga, Trung Quốc đang bùng phát căng thẳng mới, trên nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang xoay chuyển liên tục, nhanh chóng với sự chạy đua về khoa học - kỹ thuật ngày càng tân tiến và những cạnh tranh về kinh tế, các cường quốc trên thế giới liên tục hoạch định và thay đổi chính sách đối ngoại - an ninh quốc gia của mình theo hướng bảo đảm lợi ích quốc gia tối ưu và tranh giành ảnh hưởng, vai trò chi phối trên toàn cầu.

Nếu như Trung Quốc có chiến lược “Vành đai và Con đường”; Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia có chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”; bản thân Mỹ tiếp tục chuyển hướng mạnh mẽ sang châu Á; Ấn Độ có “Hành động hướng Đông” nhắm tới hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; Nga có chiến lược tiến xuống phía Nam, quay trở lại Thái Bình Dương... các chiến lược này mở ra một tầm nhìn mới về ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ, trong đó coi cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, mà theo một tiết lộ từ Nhà Trắng, nó còn quan trọng hơn cuộc chiến chống khủng bố.

Điều này giải thích cho việc Mỹ cho hồi sinh hạm đội hải quân then chốt thời Chiến tranh Lạnh - Hạm đội 2 của Mỹ. Được thành lập năm 1950, Hạm đội 2 đảm trách hoạt động tại bờ Đông (phụ trách việc phòng vệ bờ biển phía Đông và Bắc Đại Tây Dương, với phiên, biên chế lên tới 126 hạm tàu; 4.500 máy bay và 90 ngàn quân), bị giải thể năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama, vì các lý do chi phí và cơ cấu tổ chức, nhằm có thêm ngân sách để bổ sung tàu chiến cho lực lượng hải quân.

Sau khi tái lập, Hạm đội 2 hoạt động tại Bắc Đại Tây Dương và hỗ trợ lực lượng hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải. Phó đô đốc Andrew Lewis, người được bổ nhiệm chức Tư lệnh Hạm đội 2 đã phát biểu, nhấn mạnh: Việc tái lập Hạm đội 2 nhằm chứng tỏ với các nước lớn khác rằng quân đội Mỹ có thể hoạt động ở vùng biển cận kề họ bất cứ lúc nào.

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ nhấn mạnh phương hướng phát triển quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới đây cũng như chỉ rõ đối thủ trực tiếp của nước Mỹ: Việc Washington tái lập Hạm đội 2 được đánh giá là một phần trong chiến lược tái định hướng của lực lượng vũ trang Mỹ, với trọng tâm nhằm đối phó với sự trỗi dậy của các đối thủ như Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Thông báo nối lại hoạt động của Hạm đội 2 được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga - Mỹ; Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp mới nhằm vào Moskva từ ngày 27-8 với kết luận Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ở Anh hồi tháng 3 vừa qua. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như vẫn chưa thấy hồi kết.

Quyết định trên, theo nhiều chuyên gia được xuất phát từ đánh giá hồi đầu năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về hai cường quốc mới nổi và cạnh tranh với Mỹ là Nga và Trung Quốc.

Theo ông James Mattis, trong thời gian gần đây, hoạt động tuần tra của hải quân Nga tại biển Baltic, Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực gia tăng với mật độ cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Trước diễn biến này, các chuyên gia nhận định các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ từ nay sẽ được triển khai thường xuyên hơn tới vùng biển xung quanh châu Âu.

Trang tin Nhà quan sát (Trung Quốc) dẫn lời ông John Richardson, Bộ trưởng tác chiến Hải quân Mỹ không ngần ngại chỉ rõ mục tiêu khi tái lập Hạm đội 2: Việc hải quân Mỹ chính thức đưa Hạm đội 2 quay trở lại hoạt động phản ánh sự thay đổi về chiến lược quân sự của Mỹ, cho thấy quân đội Mỹ đang chuyển trọng tâm từ cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông sang đối phó với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ là Nga và Trung Quốc.

Washington lâu nay vẫn quan ngại trước sự gia tăng sức mạnh hải quân của Nga, đặc biệt với hạm đội tàu ngầm của Moscow cũng như sự gia tăng hiện diện của các lực lượng Nga tại Đại Tây Dương. Chuyên gia quân sự Brian McGrath, khi trả lời phỏng vấn tờ Washington Post khẳng định: Sự hồi sinh của Hạm đội 2 là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ hành động mạnh hơn tại Đại Tây Dương.

Với sự trở lại của Hạm đội 2, hiện hải quân Mỹ có tất cả 7 hạm đội. Các hạm đội trong hải quân Mỹ đóng vai trò là bộ phận cung ứng lực lượng, không tiến hành các chiến dịch quân sự một cách độc lập mà đúng hơn là huấn luyện và duy trì các đơn vị hải quân để sau đó cung cấp thành phần lực lượng hải quân cho mỗi bộ tư lệnh tác chiến thống nhất.

Việc tái lập Hạm đội 2 sẽ tạo thế trận chiến lược và sách lược mới về chính trị và an ninh. Nhật báo Washington Post mới đây đăng bài phân tích của phóng viên Adam Taylor đề cập đến chiến lược quốc phòng mới của Washington với nhận định rằng chiến lược mới này mở ra một tầm nhìn mới về ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ, trong đó coi cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc còn quan trọng hơn cuộc chiến chống khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lý giải rằng nước Mỹ cần phải vượt qua “thời kỳ tụt dốc chiến lược”.

Trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, Bắc Kinh và Moskva được cho là những đối thủ chính, vì vậy xây dựng lực lượng mạnh để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc và Nga là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trước việc Mỹ tái lập Hạm đội 2, ông Alexei Saprakov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Liên bang Nga đã phát biểu, cho rằng: “việc Mỹ tái lập Hạm đội 2 đã đe dọa các cơ sở thông tin của hải quân Nga ở miền Bắc; vì vậy Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng để đảm bảo cho an ninh của khu vực Bắc Cực”. Thế giới dường như đang bất ổn hơn khi lực lượng quân sự các cường quốc ngày càng hùng mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại