Tai hoạ mang tên lithium: Chuyện về vùng đất sở hữu mỏ “vàng trắng” lớn nhất thế giới nhưng nghèo xác xơ

Khánh Ly |

Những mong sự bùng nổ xe điện cũng như năng lượng xanh sẽ mang lại sự giàu có, người dân quốc gia này lại nơm nớp lo lắng về vết xe đổ trong quá khứ.

Vùng núi Potosí ở miền nam Bolivia là một trong những nơi giàu có nhất trong Đế chế Tây Ban Nha. Vào thế kỷ 16 và 17, hơn một nửa số bạc trên trên thế giới bắt nguồn từ một ngọn núi trong khu vực. Cảnh quan thoạt nhìn có vẻ cằn cỗi của Potosí kể từ đó đã mang lại rất nhiều khoáng sản quý báu khác, bao gồm nhôm, chì và kẽm.

Vào thế kỷ 19, một công ty của Anh đã xây dựng một tuyến đường sắt để vận chuyển khoáng sản từ Bolivia đến bờ biển Chile. Từ đó, khoáng sản được vận chuyển đến châu Âu. Potosí, nơi có giao lộ đường sắt nối thủ đô hành chính La Paz của Bolivia với Chile và Argentina, vẫn là một trung tâm giao thông quan trọng.

Tai hoạ mang tên lithium: Chuyện về vùng đất sở hữu mỏ “vàng trắng” lớn nhất thế giới nhưng nghèo xác xơ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, của cải tạo ra từ đất Potosí hàng thế kỷ lại chẳng đọng lại ở Bolivia được là bao. Potosí là vùng nghèo nhất của Bolivia, còn Bolivia là quốc gia nghèo thứ hai của Nam Mỹ.

Hơn 2/3 dân số Potosinos sống trong những ngôi nhà làm từ gạch hoặc đất bùn. Vào mùa mưa, khi đất sét đỏ chảy thành bùn, những con đường không trải nhựa trong khu vực trở nên sình lầy không thể đi qua.

Người dân nơi đây thiếu chăm sóc y tế và trẻ em không được đến trường đầy đủ. 1/4 số phụ nữ vẫn sinh con tại nhà. Gần 40% người lớn chỉ hoàn thành bậc tiểu học và 20% khác chưa từng đến trường.

Sự nghèo khó của Potosí càng đáng chú ý hơn khi nơi đây có mỏ chứa lithium lớn nhất thế giới. Lithium là một kim loại nhẹ và mềm, được sử dụng làm pin trong smartphone, máy tính và xe điện.

Khoáng chất này được phát hiện ở đồng muối Uyuni vào những năm 1970. Khi thế giới hướng đến các dạng năng lượng xanh hơn, khoáng chất này ngày càng bị săn lùng gắt gao.

Để tìm kiếm lợi nhuận từ nhu cầu gia tăng đó, năm 2013, chính phủ Bolivia đã mở một nhà máy sản xuất lithium trên một góc của cánh đồng muối. Khu đất trắng rắn chắc trải rộng 10.000 km vuông nằm trên đỉnh Andes và cao hơn thành phố Machu Picchu của quốc gia láng giềng Peru 1km.

Những cộng đồng sống gần đó, vốn đã là những người khá giả nhất Potosí, vẫn chưa nhận được lợi ích gì từ việc khai thác khoáng sản. Ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của họ lại khó khăn hơn ba giờ hết.

Du lịch, nguồn thu nhập của nhiều người, đã cạn kiệt trong đại dịch. Biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán khắc nghiệt. Kết quả là các ngành công nghiệp truyền thống như trồng diêm mạch và chăn nuôi lạc đà llama trở nên bấp bênh.

Một số người dân kiếm sống với nguồn thu nhập ít ỏi từ muối. Việc thu hoạch muối là một quá trình gian nan với một xe tải, một máy kéo và những người đàn ông cầm xẻng, mặc áo dài tay để tránh ánh nắng mặt trời gay gắt.

Tuy nhiên, trời không còn mưa nhiều như trước đây. Vì vậy, lớp tinh thể muối hình thành hàng năm không còn dày như trước. Người dân lo lắng rằng quá trình sản xuất lithium tiêu tốn lượng lớn nước sẽ khiến tình trạng thiếu nước ở khu vực trở nên trầm trọng hơn.

Tai hoạ mang tên lithium: Chuyện về vùng đất sở hữu mỏ “vàng trắng” lớn nhất thế giới nhưng nghèo xác xơ - Ảnh 2.

Nếu Potosí đang tìm cách thoát khỏi đói nghèo, thì ván cược tốt nhất là ngành công nghiệp lithium non trẻ của mình. Nhưng liệu nơi đây có thể tránh được việc bị khai thác, như đã từng xảy ra rất nhiều lần trước đây?

Donny Alí, 34 tuổi, một luật sư và chủ khách sạn ở Rio Grande, một thị trấn có khoảng 2.000 dân ở rìa phía nam của đồng muối, cho biết: "Chúng tôi muốn phát triển, nhưng chúng tôi không muốn lịch sử lặp lại".

Alí cho biết khi còn nhỏ, cha mẹ đã dạy ông "không được tin tưởng bất kỳ người nước ngoài nào nói về tài nguyên thiên nhiên của mình". Các công ty nước ngoài tham lam được chính phủ Bolivia cho phép đã phát triển nhanh chóng, khiến thị trấn của Alí nghèo nàn trong suốt nhiều thế kỷ.

Vào những năm 1990, các thành viên trong gia đình ông đã phản đối quyết định của chính phủ trao quyền khai thác độc quyền toàn bộ khu vực muối cho công ty LitCo của Canada. Một lần nữa, có vẻ như cộng đồng địa phương sẽ mất tất cả. Nhờ lên tiếng phản đối, hợp đồng cuối cùng đã bị thu hồi.

Alí và 7 anh chị em của ông là một trong những cư dân đầu tiên của Rio Grande đi học đại học. Ông cho biết anh em ông được đi học là nhờ mẹ. Bà bỏ học năm 7 tuổi và kiếm sống bằng nghề bán thức ăn đường phố. Bà đã thuyết phục được chồng mình, một nhân viên khuân vác đường sắt, chuyển cả gia đình đến Uyuni. Đây là một thị trấn lớn hơn ở phía bên kia của đồng muối. Không giống như Rio Grande, ở đó có một trường trung học.

Bảy anh chị em đều học đại học ở thành phố Sucre gần đó. Có thời điểm, 6 người trong số họ bị nhồi nhét trong những căn trọ. Mỗi tuần, họ được nhận một gói hàng chứa diêm mạch, bánh mì và thịt khô từ người thân ở Rio Grande, nơi các mặt hàng chủ lực rẻ hơn sẽ được gửi đến.

Tai hoạ mang tên lithium: Chuyện về vùng đất sở hữu mỏ “vàng trắng” lớn nhất thế giới nhưng nghèo xác xơ - Ảnh 3.

Đó là khoảng thời gian đầy hy vọng ở Potosí. Cựu Tổng thống Evo Morales điều hành Bolivia từ năm 2006 đến 2019 đã cấm các công ty nước ngoài kiểm soát cổ phần trong lĩnh vực khai khoáng. Thay vào đó, ông hứa sẽ giúp Bolivia tạo ra ngành công nghiệp lithium của riêng mình.

Vào năm 2013, khi nhà máy sản xuất lithium mở cửa ở ngoại ô Rio Grande, người dân vui mừng vì thị trấn của họ trở thành "tâm điểm của ngành công nghiệp vàng trắng".

Với tư cách là thành viên của hội đồng thị trấn khi ấy, Alí đã giúp đàm phán một thoả thuận với công ty lithium quốc doanh Yacimientos de Litio Bolivianos. Nhà máy sẽ được tiếp cận nguồn cung cấp nước từ ngôi làng để đổi lại việc người dân từ Rio Grande trở thành các tài xế xe tải vận chuyển lithium cacbonat và kali clorua.

Planta Llipi được mô tả là một khu phức hợp khổng lồ bao bọc bởi một hàng rào kim loại cao. Các tòa nhà nhà máy, nhà kho, phòng thí nghiệm và 160 vũng lắng đầy muối trắng xanh nằm cách nhau đủ xa để công nhân lái xe tải đi lại.

Khi nhà máy mở cửa, những người lạc quan tin rằng lithium sẽ giúp đưa Bolivia vào thế giới hiện đại, mang lại việc làm và phát triển khu vực.

Nhiều gia đình ở Rio Grande đã thành lập một hợp tác xã, mua xe tải với kỳ vọng lithium sắp bùng nổ. Họ nghĩ rằng họ cũng đang vận chuyển hàng hóa khác ngoài lithium, từ các mỏ bauxite và ulexite gần đó. (Bauxite, về cơ bản là bùn đỏ, được sử dụng trong hóa chất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Ulexite chứa boron, được sử dụng trong phân bón và sợi quang).

Ở Rio Grande, xây dựng cũng bùng nổ theo. Những ngôi nhà mới mọc lên. Một toà thị chính hiện đại với những ô cửa sổ lớn. Một trường học và một sân vận động cũng được xây mới. Alí đã xây dựng một khách sạn hai tầng ở một góc phố sầm uất và đặt tên là Lithium. Ông cũng mở một cửa hàng để những vị khách tương lai có thể mua đồ ăn nhẹ.

Nhưng việc biến lithium thành vàng lại là thách thức khó khăn chưa từng thấy.

Mặc dù hiệp hội các tài xế xe tải đã giúp Rio Grande trở nên sầm uất hơn so với các cộng đồng xung quanh cánh đồng muối, hợp đồng với công ty lithium của nhà nước lại sinh lợi ít hơn những gì các tài xế hy vọng.

Vài người trong số họ lái các xe tải chở lithium cacbonat giữa các tòa nhà bên trong nhà máy. Nhưng những người lái xe từ nơi khác thường được ưu ái cho các chuyến đi đến các thành phố lớn như La Paz và Santa Cruz, nơi mà kali clorua và cacbonat liti được xuất khẩu.

Các doanh nhân nước ngoài mà Alí kỳ vọng vẫn chưa đến. Nhà máy sản xuất 600 tấn lithium cacbonat vào năm 2021. Trong khi đó, Chile và Argentina sản xuất lần lượt 134.000 và 36.000 tấn. Việc khai thác lithium rất phức tạp, đặc biệt là ở Bolivia, vì hàm lượng magiê cao trong nước muối, và quan trọng hơn, do thiếu kỹ thuật địa phương.

Tai hoạ mang tên lithium: Chuyện về vùng đất sở hữu mỏ “vàng trắng” lớn nhất thế giới nhưng nghèo xác xơ - Ảnh 4.

Đó là một trong những lý do vì sao những công việc mà người dân địa phương hy vọng đã không thành hiện thực. Natalio Cayo, cựu thị trưởng của Chuvica, một ngôi làng gần đồng muối, nói rằng vào năm 2020, chính phủ yêu cầu ông lập một danh sách những người dân làng phù hợp với công việc của nhà máy. Song, những người ông giới thiệu vẫn chưa được liên lạc. Cayo nói thật là ngây thơ khi cho rằng lithium sẽ cung cấp việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Trong những năm gần đây, một nửa số người trong làng của ông đã rời đi để tìm việc làm. Trên những con đường đầy bụi, cỏ dại mọc lên từ những thùng xe bỏ hoang.

Rio Grande có một kế hoạch xây dựng trường trung học mới chuyên về hoá học, với hy vọng đào tạo một thế hệ mới làm việc trong ngành công nghiệp lithium. Tài xế xe tải Jonas, anh họ của Alí, cho biết anh ao ước được nhìn thấy hai cậu con trai của mình mặc áo khoác trắng trong phòng thí nghiệm. Anh nói: "Tôi chưa bao giờ có cơ hội học hành".

Nhưng việc xây dựng lực lượng lao động với các kỹ năng phù hợp cần rất nhiều thời gian. Đây là thực tế mà mà Tổng thống Bolivia Luis Arce thừa nhận từ năm 2020. Không giống như Tổng thống tiền nhiệm Morales, ông Arce muốn xây dựng quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài có thể giúp phát triển công nghệ để tăng cường sản xuất.

Donny Alí, giống như nhiều người khác ở Rio Grande, đã nảy ra ý tưởng đầu tư nước ngoài. Ông nói: "Thật là kiêu ngạo khi cho rằng chúng ta có thể công nghiệp hóa lithium từ con số không".

Năm 2021, Alí chuyển đến La Paz để làm việc về chính sách lithium cho bộ năng lượng quốc gia ở La Paz, sau khi chính phủ cúi đầu trước yêu cầu của địa phương về tiếng nói trong chính phủ liên bang. Nhưng chỉ một năm sau, ông nghỉ việc và chuyển về Rio Grande trong nỗi thất vọng vì sự lạc hậu.

Ông vẫn lo ngại rằng Bolivia có thể lặp lại sai lầm của quá khứ. Ông tin rằng các cộng đồng địa phương phải được tham khảo ý kiến trước khi bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết và họ xứng đáng được chia sẻ tiền bản quyền một cách công bằng. Trong khi đó, khách sạn Lithium của ông vẫn vắng tanh.

Theo The Economist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại