Tắc tàu tuyến Bắc - Nam sau bão số 12: Tại sao kinh phí duy tu, gia cố đường sắt nhỏ giọt?

Nhiệt Băng |

Cứ mưa kéo dài hay bão là tắc tàu hỏa. Hết sạt lở đất đá đến sạt trượt mái taluy âm qua các ngọn đèo kề biển miền Trung - đó là thực tế diễn ra trong nhiều năm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam nhưng đằng sau đó là câu chuyện ì ạch về đầu tư hạ tầng đường sắt.

Sau 10 ngày hì hục thi công, đường sắt Bắc Nam tại km 1226+780 - 1226+825 (khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh, đoạn qua Đèo Cả, nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa) mới được thông tàu sau bão số 12.

Trong khi công tác khắc phục giai đoạn 2, bước 1 tại đây vẫn phải tiếp tục thì theo một thành viên Ban chỉ đạo khắc phục sự cố sụt trượt: "Một ngày chờ khắc phục là một ngày thiệt hại 5 tỉ đồng doanh thu vận tải đường sắt".

Thiệt hại đó nhẩm tính có thể bao gồm toàn bộ toa tàu chở hàng hóa ngưng trệ, chi phí chuyển tải hành khách bằng xe khách (trung bình 10-14 xe 50 chỗ ngồi) giữa 2 ga Giã - Tuy Hòa, chi phí thức ăn, nước uống phục vụ miễn phí hành khách...

Tắc tàu tuyến Bắc - Nam sau bão số 12: Tại sao kinh phí duy tu, gia cố đường sắt nhỏ giọt? - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt tại km 1226+780 - 1226+825 trước đây chưa được gia cố. Ảnh: N.B

Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Khôi - Trưởng ban Hạ tầng, kiêm Phó Trưởng ban PCLB Tổng Cty Đường sắt VN cho biết, trước kia, tại km 1226+780 - 1226+825 chưa được gia cố mà chỉ xây nền đắp cao, ở dưới xây kè chắn.

“Khi đắp nền thì đoạn này ổn định để chạy tàu, nhưng lúc bão số 12, sóng lên cao quá, vỗ lên đến 30m, nên kéo tuột mất ” - ông Khôi nói.

Nói về việc TCty Đường sắt VN có bố trí kinh phí để nâng cấp các đoạn đường sắt qua miền Trung có nguy cơ gặp sự cố khi xảy ra bão lũ hay không, ông Khôi cho biết: “Các khoản kinh phí quản lý bảo trì cũng chỉ duy tu nhỏ để sửa chữa, chứ thực tế không có kinh phí lớn để làm việc này”.

Ông Nguyễn Thành Trí - GĐ Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, thực tế việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tuyến đường sắt qua Phú Yên lâu nay như thế nào đơn vị không thể nắm được. “Khi có sự cố tắc đường sắt, chúng tôi chỉ biết phối hợp với họ xử lý việc vận tải hành khách” - ông Trí nói.

Đi qua các tuyến đường sắt Bắc - Nam qua miền Trung, hành khách dễ dàng nhận thấy hạ tầng rất cũ kỹ. Nhiều đoạn xuyên hầm do người Pháp xây dựng đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Bên trong hầm, nước chảy thấm ẩm.

Điều này cho thấy, việc nâng cấp đường sắt suốt thời gian dài vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều năm qua, sự cố tắc tàu do mưa bão thì vô kể.

Còn nhớ, tối 15.12 năm ngoái, chỉ một vụ sạt lở xảy ra, tuyến đường sắt Bắc Nam qua xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cũng bị gián đoạn nhiều giờ.

Trong khi đó, cùng thời điểm, tại đèo Rù Rì (Khánh Hòa), 2 vụ sạt lở đất đá làm chắn lấp xảy ra tại đây. Hạ tầng đường sắt buộc phải thay đổi để phục vụ, chứ không thể tiếp tục "ngủ yên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại