Tác giả "Mảnh đất lắm người nhiều ma" và giấc mơ về nông thôn sau vụ lạm thu Thanh Hoá

Hoàng Nguyên Vũ |

Từ vụ lạm thu ở Thanh Hoá, nhà văn Nguyễn Khắc Trường có dịp nhìn lại và đối sánh với những gì ông đã viết trong tác phẩm nổi tiếng của mình. Nhà văn cho rằng, "ma" ở một số vùng nông thôn bây giờ còn nhiều và xảo quyệt hơn xưa.

Ông Trường, ngoài tác phẩm nổi tiếng, thì còn được biết là một trí thức đi nhiều và hiểu sâu về nông thôn Việt Nam, nhất là những vùng quê Bắc Bộ.

Đọc câu chuyện ở Hậu Lộc, Thanh Hoá, ông không quá bức xúc vì ông hiểu, những gì trong trang viết của ông và thực tế vẫn còn gần nhau lắm. Nó không quá xa lạ để mang đến sự ngạc nhiên và ông cũng chẳng đặt câu hỏi tại sao bây giờ những điều này vẫn còn tồn tại.

Tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma và giấc mơ về nông thôn sau vụ lạm thu Thanh Hoá - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Xin đừng bắt dân "tự nguyện" nữa!

*Thưa nhà văn, vụ Thanh Hoá, bí thư huyện đã xin lỗi dân, và huyện nói là do xã. Xã thì nói do ông thôn. Thôn thì nói dân tự nguyện và được thống nhất. Cuối cùng, hình như dân mới là người… có lỗi!

Đổ lỗi, đây là chuyện thâm căn cố đế rồi. Suy cho cùng đó là "chất nông dân" với nhau ấy mà.

Có những người tinh ranh, tham lam nhưng lười biếng, muốn ăn hơn người ta.

Cho nên, khi được làm tí cán bộ có quyền có chức thì dở đủ mưu mẹo, đủ trò để ăn của bà con. Và khi bị phát hiện thì giở đủ trò để đối phó mà đổ lỗi là trò phổ biến nhất.

Nhiều anh cũng tinh ranh lắm, gần giống quan lại lý trưởng hồi xưa đấy mà, tinh ranh, hách dịch.

Có nơi bán đất của bà con, lấy tiền của dự án và không chia cho bất cứ ai, mấy anh ở xã nó ăn với nhau.

Khi tôi về hỏi trực tiếp những người nông dân ở đó thì họ nói, chúng tôi có biết gì đâu? Chúng tôi có được một đồng nào đâu?

Hay cái vụ ở Hoài Đức, cầm sổ đỏ của dân hàng chục năm. Rồi cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Và anh nọ đổ cho anh kia, một kịch bản lặp đi lặp lại.

Nếu còn đi các vùng nông thôn, hẳn các bạn cũng sẽ thấy nhiều cảnh tương tự. Hầu hết vùng nào không có chuyện nọ cũng có chuyện kia, không có vấn đề nọ cũng có vấn đề kia.

Và cứ thế, cuối cùng chẳng đi đến đâu, chẳng chết ai, sợ nhất là có kiểm điểm rồi đâu lại vào đấy. Đổ lỗi cho nhau vòng vèo như thế, bảo vệ che chắn cho nhau như thế nhưng cuối cùng trách nhiệm thì ai chịu?

Rồi lại chìm vào quên lãng. Cuối cùng người dân là người chịu thiệt nhất.

*Thưa bác, hồi viết "Mảnh đất lắm người nhiều ma", bác có nghĩ rằng những thực tại trong trang viết của mình sẽ chấm dứt và nông thôn Việt Nam sẽ thay đổi?

Rất khó. Ở nhiều nơi, chấm dứt kiểu này, nó lại sang một kiểu khác vì bản chất của một số "quan" vùng nông thôn đã vốn thế rồi. Hết cái này nó sẽ có mưu mẹo khác tinh vi hơn.

Chỉ có anh có quyền hành ở đó mới có thể nghĩ ra những điều mà không ai nghĩ ra được để ăn chặn của bà con.Nó cứ tồn tại như thế. Hết trò này sang trò khác. Quan tham về sau càng tinh vi hơn, đểu cáng hơn. Và cứ thế.

*Quay lại với việc lạm thu ở Hậu Lộc, Thanh Hoá, thực ra một số ý kiến đang nhân danh chính sách xây dựng nông thôn mới (trong đó có nói việc dân tự nguyện đóng góp), để biến tướng lạm thu.

Theo bác, làm thế nào để sự tự nguyện này của dân không bị những cái xấu, cái bất công ở địa phương thao túng?

Xin đừng bắt dân tự nguyện kiểu thế nữa. Họ đã chịu đựng bao nhiêu thứ thuế trên đầu trên cổ, từ đứa trẻ mới sinh ra cho đến những người sắp từ giã cõi đời.

Và nói thật luôn là không người dân nào tự nguyện kiểu như thế cả. Không người dân nào có thể tự nguyện đóng quá nhiều khoản khi mà người ta nghèo quá và nhiều khi lại không biết rằng, đóng thế này, nó sẽ đi về những đâu.

Người ta không hình dung được và nhiều cán bộ ở xa, ở cao càng khó có thể hình dung ra được các cấp cơ sở làm ăn như thế nào.

Đừng nhân danh nông thôn mới bắt người dân đóng góp hết việc này sang việc khác. Dĩ nhiên, đây đó những tham quan, cũng làm một tí đường, một tí trường trạm, nhà văn hoá này nọ, để người ta có nhìn thấy.

*Bác có chắc là bà con không hiểu được là tiền đóng góp về đâu?

Thì tôi ví dụ như Formosa chẳng hạn. Ông Võ Kim Cự có liên quan không? Liên quan nhiều đấy chứ. Thế mà vẫn khệ nệ ghế cao.

Khi bầu, có ai cho dân biết cụ thể là ông ấy đã làm những gì, lợi - hại ra sao?

Và dân cũng không hiểu được, tại sao một số quan chức lại có biệt thự to thế, xe sang nhà đẹp, con cái dù có năng lực hay không cũng được cơ cấu.

Càng nói, càng buồn.

Muốn xây dựng nông thôn mới phải hiểu cái mới, hiểu nông dân cần là cái gì!

* Là một người hiểu nông thôn, hiểu nông dân, theo bác cụm từ "nông thôn mới" và "xây dựng nông thôn mới", cần được nhìn nhận như thế nào?

Nông thôn mới là mang ánh sáng văn hoá, văn minh đến vùng nông thôn. Mang những kỹ thuật mới, khoa học công nghệ để phát triển nông thôn, giúp bà con sống đẹp, sống tốt trên chính đất của họ.

Bên cạnh đó, giảm các tệ nạn xã hội cho bà con sống yên. Các thế hệ con em nông thôn được lớn lên trong một môi trường văn hoá, có tình có nghĩa nhưng luôn đi về phía trước.

Chứ không phải bắt bà con đóng góp hết cái này cái nọ, hiến hết cái này cái nọ để cho anh cán bộ làm bậy, trong khi các công trình thì nhanh xuống cấp, ẩu tả.

Về bản chất, "nông thôn mới" là những cụm từ rất đẹp. Nhưng bây giờ, một bộ phận cán bộ cơ sở thoái hóa biến chất đang phá hỏng đi ý nghĩa đẹp đẽ của cụm từ này.

Xây dựng nông thôn mới, cần thiết lắm, đẹp lắm, hay lắm. Nhưng buồn là có anh ở cơ sở, gặp cụm từ này là bắt đầu nghĩ ngay đến những mưu mẹo.

*Rồi cuối cùng họ lại nói: "Đấy, bà con tự nguyện chứ chúng tôi có bắt đóng đâu"?

Thì thế. Không đóng thử xem, chết với họ ngay. Đi đâu xin con dấu có được cho dễ dàng không? Bà con còn lạ gì cái thói thù vặt nông dân, càng lên làm cán bộ thì càng dở thói hách dịch.

Cấp trên về hỏi, nhà báo về hỏi thì chối ngay: "Đấy, chúng tôi có bắt đâu". Đó là đểu cáng.

Được làm cán bộ xã, cán bộ huyện bây giờ không đùa đâu. Có nơi, cán bộ xã giờ cũng đi ô tô, chơi sang, ăn sang nhậu sang. Tiền đâu ra?

*Vâng, và được làm cán bộ xã, huyện, như trong tiểu thuyết của bác, thì cũng "không đùa đâu" ạ!

Thì tất nhiên ở đâu đó cũng giống như trong chuyện của tôi, cũng bè phái, cũng chạy chọt. Bầu bán cũng sát phạt, mưu mẹo cao cường lắm để trúng chức này, chức nọ.

Sợ nhất là cái cảnh: Một khoá 4-5 năm, anh này cấu kết với anh kia để trúng. Việc cho dân thì không lo, suốt ngày lo đấu đá ăn chặn. Nhóm nào càng mạnh thì sát phạt càng kinh. Nhóm yếu thế im miệng để cùng được lợi. Thiệt vẫn lại là bà con.

Nếu không bỏ được tính chất ấy, tư duy ấy, con người ấy, thì đòi hỏi nông thôn mới kiểu gì được?

Sẽ không bao giờ có nông thôn mới và cụm từ đó không bao giờ đẹp, khi mà người ta nhân danh nông thôn mới để bóc lột người dân cả.

Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì đúng, nhưng sợ nhất là người thừa hành lợi dụng trục lợi.

"Dân phải sống và giàu được trên mảnh đất của mình"

*Vậy, theo bác, bác sẽ mơ về một nông thôn như thế nào, là nông thôn mới thực sự? Và giấc mơ ấy nếu thành sự thật, có còn xa không, thưa bác?

Không chỉ mình tôi, mà bao người tử tế trên đất nước này, đều mơ một nông  thôn mới và đẹp thật sự.

Ở đó vẫn là đất, là ruộng, là người, là gia súc…, nhưng tất cả đều được chiếu sáng bởi ánh sáng của khoa học công nghệ. Dân phải sống và giàu được trên mảnh đất của mình.

Ở đó, không còn cảnh dân phải khóc vì dưa hấu không bán được, cà chua mang ra đi bón ruộng. Những niềm vui về bội thu của dân phải làm ấm đời sống của họ, chứ không phải bị biến thành nước mắt vì sản phẩm không có đầu ra.

Ở đó, vẫn là những cánh đồng bội thu, nhưng môi trường không bị đe doạ. Dân phủ xanh nơi mình sống và môi trường sống trong lành thực sự để con cháu có nơi để mơ về, để thèm khát. Dân sống ở đó cũng không bị bệnh tật quái ác gì cả.

Ở đó, không còn cảnh những "cường hào" của ngày hôm nay, nghĩ ra đủ mưu mẹo ăn chặn, lợi dụng chính sách của Đảng và nhà nước để nghĩ ra trò nọ trò kia vơ vét. Rồi dân phản ánh thì vùi dập, làm cho dân sống dở chết dở.

Và ở đó, không còn cảnh những dòng người tha hương vì không sống được trên chính mảnh đất của mình.

Tôi đã 70, gần hết một đời người rồi. Tôi chỉ mong khi mình nhắm mắt, nhìn thấy một phần những gì chúng tôi đã mơ.

Đó cũng là giấc mơ của những người Việt Nam chân chính. Và xin hãy vì một đất nước Việt Nam chân chính!

*Xin cảm ơn và chúc bác sẽ được nhìn thấy giấc mơ ấy thành hiện thực!



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại