Ông Donald Trump cảnh báo, một cuộc tấn công "liều lĩnh" Idlib của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng đồng minh Nga và Iran sẽ là "sai lầm nhân đạo nghiêm trọng, có thể giết chết hàng trăm nghìn người". "Điều đó sẽ làm cho thế giới và Mỹ rất, rất tức giận" - Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Trước đó vài tháng, ông Donald Trump báo hiệu rằng ông đã chán việc Mỹ can dự ở Syria. Hồi tháng Tư, ông bắt đầu nói về việc rút quân Mỹ về nước, và tuần trước ông tuyên bố hủy khoản 230 triệu USD để phục hồi tổn thất chiến tranh.
Chưa rõ việc can thiệp vào Idlib chỉ là một lời tweet bốc đồng hay đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược ở Syria.
Một mặt, bình luận của ông Donald Trump tương tự như cách ông phản ứng với cuộc tấn công vũ khí hóa học mà Mỹ lấy làm cớ để 2 lần tấn công tên lửa Syria. Giới chức Mỹ đe dọa có hành động "rất mạnh" nếu chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học để lấy lại Idlib từ tay phiến quân.
Trong những trường hợp đó, ông Trump phản ứng cảm tính trước hình ảnh những đứa trẻ bị ngạt khí độc. Ông cũng háo hức hành động tốt hơn người tiền nhiệm Barack Obama - người bị chỉ trích vì đặt ra lằn ranh đỏ ở Syria về sử dụng vũ khí hóa học, nhưng không thực hiện cam kết.
Nhưng mặt khác, một số chuyên gia về Syria nhìn thấy vấn đề chiến lược hơn trong cuộc chơi này.
"Cuộc khủng hoảng ở Idlib là tình thế tiến thoái lưỡng nan quái quỷ với chính quyền Tổng thống Trump, và cách thức Mỹ đáp trả sẽ quyết định thành bại của chính sách mới về Syria" - BBC dẫn lời nhà phân tích quân sự Trung Đông Nicholas Heras nhận định.
Vấn đề nan giải là Idlib là nơi trú ngụ của khoảng 3 triệu người, mà hơn 1/3 số đó đã bỏ chạy khỏi cuộc chiến đến những nơi khác ở Syria và không còn nơi nào để đi nữa.
Idlib cũng là hang ổ của các nhóm đối lập vũ trang, chủ yếu là các chiến binh Hồi giáo, mạnh nhất trong số đó là các tay súng có liên kết với al-Qaeda.
Nga muốn diệt trừ những kẻ khủng bố này, nên đã phát động tấn công vào các căn cứ không quân gần đó. Mỹ cũng muốn làm như vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ một số lực lượng nổi dậy ở Idlib, sợ rằng một cuộc tấn công tổng lực sẽ gây ra làn sóng người di cư khổng lồ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ và Châu Âu cũng chung lo lắng.
Các quan chức cao cấp như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford, vì vậy thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt được thỏa hiệp về chiến dịch chống khủng bố.
Ông Heras nhận định, sức mạnh của không quân Nga có thể đảm bảo chiến thắng cho Syria, nhưng cho rằng những lời cảnh báo của ông Donald Trump là một phần trong nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh cho Thổ Nhĩ Kỳ.