Syria – “trường học lớn” của Quân đội Nga

TUẤN SƠN |

Sau 2 năm mở chiến dịch chống khủng bố tại Syria, Quân đội Nga đã học được những bài học đáng giá về khả năng tác chiến hiện đại, bất đối xứng trong môi trường đô thị, cũng như nhiều kinh nghiệm chiến trường quý báu không thể có được thông qua tập trận.

Tổng cộng đã có hơn 50.000 lượt binh sĩ Nga tới Syria tham chiến. Họ đã học được bài học quý báu khi tác chiến với vũ khí tấn công chính xác; sử dụng rộng rãi phương tiện không người lái; áp dụng phương thức tác chiến bất đối xứng trong đô thị, cũng như hoạt động quân sự dài ngày ở nước ngoài.

Không quân, lục quân phối hợp tác chiến

Trước hết, Syria chính là “trường học lớn” cho Không quân Nga. Trung bình mỗi phi công Nga tham gia gần 100 nhiệm vụ chiến đấu tại Syria.

Quốc gia Cận Đông này cũng là chiến trường đầu tiên của tuần dương hạm tên lửa mang máy bay Admiral Kuznetsov; là nơi Không quân chiến lược Nga được thử nghiệm khả năng chiến đấu của các dòng tên lửa hành trình tầm siêu xa.

Syria – “trường học lớn” của Quân đội Nga - Ảnh 1.

Syria – “trường học lớn” của Quân đội Nga - Ảnh 2.

Rất nhiều loại vũ khí hiện đại và chiến thuật quân sự mới đã được Quân đội Nga "thử lửa" tại Syria. Ảnh: TASS.

Hơn thế nữa, lực lượng không quân và lục quân Nga trên chiến trường đã có thêm cơ hội phối hợp với nhau trên chiến trường thực tế. Lực lượng tác chiến mặt đất có thể tương tác với máy bay chiến đấu hoạt động trên không để chỉ thị mục tiêu theo mốc thời gian thực.

Lực lượng quân sự Nga tham chiến ở Syria cũng sử dụng rộng rãi các loại phương tiện bay không người lái cho các nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ tấn công mục tiêu theo phương thức đạt hiệu quả cao nhất.

Đánh giá về kết quả chiến đấu lực lượng Quân đội Nga tham chiến tại Syria, cựu Tư lệnh Không quân Nga, Nikolai Antoshkin đánh giá, đây là chiến dịch quân sự ở nước ngoài quy mô nhất trong lịch sử Quân đội Nga hiện đại.

“Hàng loạt chiến thuật mới được sử dụng để đạt được kết quả tác chiến cao nhất. Cụ thể nhất là việc, lực lượng tác chiến Nga sử dụng thiết bị bay không người lái để xác định và chỉ thị mục tiêu. Các máy bay tham chiến ở Syria đều là phương tiện mới và hiện đại.

Ngoài ra, cũng phải lưu ý tới khả năng đảm bảo hậu cần của Quân đội Nga cho một chiến dịch quân sự quy mô ở nước ngoài. Quân đội Nga đã chứng minh được việc có thể nhanh chóng thiết lập căn cứ, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài”, tướng Nikolai Antoshkin nhấn mạnh.

Bài học lớn cho tác chiến đô thị

Chiến dịch quân sự tại Syria đã dạy cho Quân đội Nga những bài học đáng quý về tác chiến đô thị hiện đại.

Các chỉ huy quân sự được trực tiếp hoạch định chiến lược để tấn công vào vị trí ẩn náu của các nhóm khủng bố trong đô thị với thiệt hại tối thiểu cho dân thường và các công trình dân sự, cũng như việc các đơn vị tác chiến trực tiếp có “cơ hội” đối mặt với những mối nguy cơ thực tế trong tác chiến đô thị.

Chính từ những bài học từ chiến trường Syria, giáo trình mới về tác chiến đô thị đã được biên soạn cho binh sĩ Nga.

Syria – “trường học lớn” của Quân đội Nga - Ảnh 3.

Đặc nhiệm Nga tham chiến tại thành phố Aleppo. Ảnh: SANA.

“Trong năm qua (2017), tôi và nhiều người khác đã tham chiến tại Syria. Rất nhiều kinh nghiệm và bài học chiến trường đã được rút ra tại đây. Cũng nhờ chiến trường Syria, nhiều tài liệu huấn luyện quân sự của Nga đã được điều chỉnh, phù hợp với thực tế hơn”, chuyên gia Alexander Novkin đánh giá.

Tại các đô thị tại Syria, các đơn vị đặc nhiệm Nga đã có cơ hội áp dụng lại chiến thuật tác chiến đô thị đã được đúc rút từ thời Chiến tranh Vệ quốc. Chuyên gia A.

Novkin nhận định, việc sử dụng các đơn vị đặc nhiệm được trang bị tốt và huấn luyện bài bản chống lại phiến quân ẩn nấp trong đô thị là chiến thuật cực kỳ hợp lý để giảm thương vong cho binh sĩ, cũng như dân thường.

“Chiến thuật sử dụng lực lượng tinh nhuệ đánh chiếm các đầu cầu trong đô thị để mở đường cho lực lượng chiến đấu vào tiếp quản đã được áp dụng từ thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Khi gặp hỏa điểm khó tiêu diệt, các đơn vị hỏa lực hỗ trợ như máy bay sẽ được yêu cầu để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch”, Trung tá Alexander Pushchechnikov, Phó chỉ huy trưởng Đại đội Công binh số 1 hoạt động ở Syria, cho biết.

Kinh nghiệm tổ chức hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã chứng minh sự thay đổi về mặt chiến lược của Moscow trong tương lai. Với sự xuất hiện của các mối đe dọa mới, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, trong tương lai, Nga có thể tiếp tục tổ chức các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Để đảm bảo sự thành công của các chiến dịch quân sự như vậy không chỉ cần lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, mà còn phải tổ chức lực lượng hậu cần quy mô và tinh vi. Ở trường hợp Syria, Quân đội Nga đã sử dụng lực lượng hậu cần hải quân với tên gọi mạng lưới hậu cần Syria Express, cũng như thiết lập cầu tiếp vận hàng không.

Syria – “trường học lớn” của Quân đội Nga - Ảnh 4.

Tàu vận tải quân sự Nga trong mạng lưới Syria Express. Ảnh: TASS

Những kinh nghiệm về tổ chức một đội quân tinh gọn có tổ chức linh hoạt và khả năng tác chiến cao là một bài học hữu ích đối với quốc gia có đường biên giới và lãnh thổ rộng lớn như Nga.

Nhận diện được vấn đề này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng phải thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở các vùng lãnh thổ xa nơi lực lượng diễn tập đóng quân.

“Trong năm tới, trong cuộc tập trận Vostok-2018, Quân đội Nga sẽ diễn tập khả năng điều động một lực lượng quân sự lớn với đầy đủ trang bị tới khu vực cách vị trí đơn vị đóng quân vài ngàn km”, Tổng thống V. Putin tuyên bố trong một cuộc họp với giới chức Quân đội Nga mới đây.

Syria – “trường học lớn” của Quân đội Nga - Ảnh 5.

Kinh nghiệm từ chiến trường Syria được áp dụng vào các cuộc tập trận của Quân đội Nga để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Rian.

“Yêu cầu mới đối với Quân đội Nga là phải tinh gọn và có khả năng cơ động cao. Những yêu cầu sơ bộ cho việc này đã được thể hiện trong cuộc diễn tập quân sự của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra tại Tajikistan hồi tháng 11-2017.

Tôi cho rằng, quy mô của cuộc tập trận Vostok-2018 sẽ lớn hơn rất nhiều theo yêu cầu đặc biệt của Tổng thống Nga”, chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại