Theo Geopoliticalfutures, khi các cuộc xung đột chấm dứt, các đồng minh một thời đôi khi bắt đầu nhìn nhau với thái độ nghi ngờ, đặc biệt khi các đồng minh này cùng nhau đánh bại một kẻ thù chung nhưng lại thiếu tầm nhìn chung sau khi cuộc chiến kết thúc. Ở Syria, đây chính là trường hợp của Nga và Iran, cả hai nước cùng hậu thuẫn Tổng thống Syria Assad trong cuộc chiến chống khủng bố IS và các nhóm phiến quân khác khỏi đất nước này.
Dù hậu thuẫn cho cùng một bên trong cuộc xung đột nhưng Nga và Iran có những mục tiêu riêng ở cả Syria và Trung Đông. Và khi ông Assad tiếp tục củng cố việc kiểm soát qua nhiều khu vực của đất nước, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Iran đang trở thành những đối thủ cạnh tranh hơn là các đối tác.
Những mục đích thật sự
Nga và Iran có những lý do khác nhau khi quyết định can dự vào cuộc xung đột ở Syria. Nga can dự vào cuộc xung đột vì cả lý do trong nước lẫn quốc tế. Nga muốn có được vị trí vững chắc ở Trung Đông và điều này sẽ gây thách thức cho vai trò của Mỹ. Nga cũng muốn bảo vệ căn cứ hải quân Tartus.
Về đối nội, nền kinh tế Nga đang gặp nhiều thách thức. Nga cần có động thái đánh lạc hướng và cuộc chiến Syria có thể mang đến giá trị này.
Quan trọng hơn, Moscow muốn đảm bảo rằng sự hỗn loạn ở Syria không đẩy toàn bộ khu vực vào cuộc chiến mà có thể đe dọa đến sự ổn định của các cường quốc trong khu vực (như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia).
Trong khi đó, mục tiêu của Iran ở Syria có phần rộng mở hơn Nga. Không chỉ duy trì sự cân bằng trong khu vực, Iran muốn mở rộng ảnh hưởng của riêng mình. Iran thậm chí gửi lực lượng mặt đất đến Syria trong hy vọng kết nối tốt hơn phạm vi ảnh hưởng của mình, trong đó có cả láng giềng Iraq. Iran muốn giành được đường đến trực tiếp Địa Trung Hải và việc tiếp cận với Lebanon dễ dàng.
Hơn nữa, Iran cũng muốn gây trở ngại cho đối thủ truyền kiếp là Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hoạt động ở Syria.
Hai quan điểm khác biệt của Nga và Iran đòi hỏi những chiến lược khác nhau. Nga tìm cách giành ảnh hưởng ở Syria bằng cách hỗ trợ chính quyền trung ương Syria do ông Assad đứng đầu. Nga cũng muốn đảm bảo rằng thể chế chính quyền Syria hiện tại phải tồn tại, biên giới quốc gia này cũng giữ nguyên, cân bằng khu vực phải được duy trì.
Nga cũng muốn Syria tiếp tục duy trì sự độc lập có thể và tránh phụ thuộc vào sự ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran vì lâu nay Syria và Iraq cùng hoạt động như những vùng đệm giữa Iran và Saudi Arabia cũng như Iran với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Iran lại có cách tiếp cận mạnh tay hơn khi đưa lực lượng Quds, huấn luyện và hỗ trợ lực lượng dân quân Syria đồng thời phát triển các quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo khu vực.
Trong suốt cuộc chiến, ông Assad sẵn sàng cho Iran hỗ trợ lực lượng dân quân của mình. Nhưng giờ cuộc chiến sắp đi đến hồi kết, ông Assad không muốn lực lượng dân quân có mối liên hệ gắn kết mạnh mẽ với Tehran hơn Damascus.
Tuy nhiên, Tehran sẽ không từ bỏ mối liên hệ của mình với dân quân Syria vì đây là phần thiết yếu trong chiến lược dùng ảnh hưởng với chính quyền ông Assad.
Dấu hiệu của sự rạn nứt
Tuy nhiên, cả Iran và Nga đều là những đồng minh của ông Assad trong cuộc chiến Syria. Nhưng gần đây, có một vài dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước này. Từ đầu năm 2019, có vài vụ đụng độ giữa lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và lực lượng do Nga hậu thuẫn.
Một vài vụ đụng độ nằm trong tầm kiểm soát của các trạm kiểm tra nơi có sự hiện diện của cả các nhóm quân Nga lẫn lực lượng do Iran hậu thuẫn. Một vài báo cáo cho thấy lực lượng Nga cũng can dự vào các vụ đụng độ.
Iran cũng cáo buộc Nga hợp tác với Israel cho phép Israel tấn công vào các mục tiêu người Iran ở Syria. Sau khi phòng không Syria bắn nhầm máy bay Nga trong một cuộc không kích của Israel năm ngoái, Nga đã chuyển hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 cho Syria nhằm để ngăn các cuộc tấn công của Isral. Nhưng các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp tục. Và tháng 3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thậm chí đã khẳng định rằng ông Putin tuyên bố rằng ông muốn Iran rời khỏi Syria.
Về phần mình, Syria dường như ngả về Nga hơn Iran, một phần bởi Iran đã ủng hộ thể chế quân sự phân quyền ở Syria, mà theo đó có thể gây thách thức cho chính quyền ông Assad.
Nga và Iran cùng nhau giúp đỡ một đồng minh chung và chiến thắng kẻ thù chung. Như một câu ngạn ngữ đã nói, kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi. Nhưng mối gắn kết này đã bị phá hủy khi kẻ thù không còn tồn tại. Trớ trêu thay, chiến thắng thường là bước đầu tiên khiến những đồng minh đảo chiều. Cuộc chiến Syria thực sự đã dựng nên những nước "cùng hội cùng thuyền" nhưng điều này không được dài lâu.