Theo phóng sự này, từ nhiều tháng qua, lính đánh thuê Nga đã bí mật đến Syria tham chiến, hợp tác chặt chẽ với quân đội Nga và quân chính phủ Damascus.
Tác giả bài phóng sự đã gặp một nhân chứng trong cuộc tên là Vitaly, bí danh Prizer, 44 tuổi. Thời gian trong ngũ, Vitaly đã chiến đấu trong lực lượng đặc nhiệm trực thuộc cơ quan an ninh Nga FSB.
Sau khi rời quân đội Nga, anh tiếp tục cuộc đời binh nghiệp thứ 2 của mình trên cương vị lính đánh thuê. Vitaly đã đến chiến đấu ở Irak, tại vịnh Aden, ở Ấn Độ Dương, trong nhiều nhiệm vụ khác nhau theo từng hợp đồng.
Theo tác giả bài viết, người đàn ông bí mật này là một trong số hàng nghìn chiến binh Nga "vô hình", được thuê bởi một số công ty quân sự tư nhân (gọi là các "Tcheveka") ở Nga, với quy chế hoạt động vẫn còn chưa rõ.
Ảnh hưởng cũng như số lượng của các các công ty này tăng tỷ lệ với mức độ can dự của Moskva vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Một khu phố ở tây nam Aleppo tháng 08/2016.
Trước đây, vai trò của họ giới hạn trong cuộc chiến chống hải tặc, nhưng phạm vi hoạt động giờ đã mở rộng khắp nơi, từ Trung Đông sang châu Phi. Gần đây, hoạt động của họ đã được ghi nhận tại vùng đông nam Ukraine, nơi có một phần nằm dưới sự kiểm soát của quân ly khai thân Nga.
Bài phóng sự cho biết, tại Syria, chỉ có các nhân viên tình báo quân đội Nga, những sĩ quan huấn luyện hay phi công mới chính thức tham chiến bên cạnh quân đội của Tổng thống al Assad. Song từ nhiều tháng nay, nhiều binh sĩ thuộc một nhóm có tên gọi "Wagner" đã bí mật tiến hành các chiến dịch quân sự trên bộ và cộng tác chặt chẽ với quân đội Nga.
Đội quân này do một nhà tài phiệt Nga cung cấp tài chính và có thể đã tham gia giải phóng thành phố Palmyra. Nhiều lính của nhóm có thể đã thiệt mạng trên chiến trường Syria. Theo thông tin của trang mạng Fontanka.ru, Wagner dường như nằm dưới sự chỉ huy của cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga, Dmitri Outkine.
Một chi tiết khác cho thấy nhóm quân này còn trực thuộc đơn vị đặc biệt của tình báo Nga, có căn cứ ở miền nam nước Nga.
Một lính đánh thuê (được cho là của Nga) đứng trước chiếc xe bọc thép tự chế.
Bài phóng sự dẫn lời ông Alexandre Kharamtchikhin, chuyên gia Viện phân tích chính trị quân sự Nga giải thích: "Về mặt chính thức, Nga có thể nói họ không tham gia vào các chiến dịch trên bộ tại Syria. Nếu cộng tác viên của những công ty trên bị thiệt mạng, thì đó không phải chuyện của quân đội và việc đó không gây tai tiếng nào trên truyền thông".
Một chi tiết khác được bài viết tiết lộ đó là các công ty Tcheveka có thể trả mức lương lên tới 80 nghìn USD mỗi tháng cho một cựu đại tá. Trong điều kiện như vậy, các công ty có thể tuyển dụng cả nghìn người trong một tháng.
Nguy cơ phát triển bừa bãi trong lĩnh vực này đã khiến 2 nghị sĩ Nga, dưới sự chỉ đạo của Kremlin, đề xuất luật quản lý các công ty kinh doanh lính đánh thuê vào năm 2013. Tại Nga, người ta lo ngại các đội quân tư nhân do các nhà tài phiệt bỏ tiền nuôi dưỡng này nổi lên giống như ở đông nam Ukraine.