Nga-Syria quá vội vã điều tên lửa S-300 tới miền Đông?
Thời gian chuyển loại đối với các kíp trắc thủ tên lửa S-300 của Syria vẫn chưa hết, nếu tính mốc từ ngày 02/10, khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin về việc đã hoàn tất việc chuyển giao loại tên lửa phòng không tối tân này cho Damascus và huấn luyện trong 3 tháng.
Nhưng theo một số nguồn tin Nga-Syria đã vội vã điều ít nhất 1 tổ hợp tên lửa S-300 tới miền Đông mà cụ thể là tỉnh Deir Ezzor, nơi thường xuyên bị đánh phá bởi không quân và tên lửa của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Tất nhiên, cả Nga lẫn Syria đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận S-300 đã thực sự tới miền Đông hay chưa.
Động thái này (nếu có) đang làm dấy lên những câu hỏi nghi vấn.
Thứ nhất, phải chăng kíp chiến đấu tên lửa S-300 đã làm chủ được khí tài để đủ khả năng trực sẵn sàng chiến đấu?
Dường như khả năng này khó xảy ra bởi lẽ để làm chủ loại vũ khí mới và hiện đại như S-300 thông thường phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, vậy chắc gì các kíp trắc thủ Syria đã kịp học xong trong vòng có hơn 2 tháng.
Thứ hai, nếu kíp trắc thủ tên lửa S-300 Syria chưa được huấn luyện thuần thục vậy ai sẽ điều khiển những tổ hợp này nếu không phải là người Nga?
Có thể lắm chứ, tiếng là tên lửa S-300 được Moscow bàn giao cho Damascus, nhưng thực chất các tổ hợp này vẫn kết nối đồng bộ với các khí tài phòng không của Nga đang đồn trú tại Syria, hay nói cách khác người Nga vẫn chỉ huy S-300 tác chiến, ít nhất là trong thời gian này khi mà họ vẫn đang phải huấn luyện cho những đồng nghiệp người Syria.
Tên lửa S-300 và S-400 Nga huấn luyện chiến đấu.
Điều này cho thấy, nếu S-300 tới miền Đông thì nhiều khả năng vẫn có các chuyên gia Nga vẫn đi cùng để tiếp tục huấn luyện cho các kíp trắc thủ Syria.
Rõ ràng là gấp rút điều S-300 tới miền Đông khi mà những người điều khiển nó vẫn chưa thành thục có thể là một quyết định mạo hiểm, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Quá nhanh, quá nguy hiểm, Nga-Syria có thể mất trắng tên lửa S-300
Thật vậy, trước liên quân hùng mạnh do Mỹ dẫn đầu với những vũ khí hiện đại và có số lượng lớn, 1 tổ hợp tên lửa S-300 đơn lẻ sẽ chỉ như "1 cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân". Để S-300 tác chiến hiệu quả và sống sót được, các lực lượng Nga-Syria phải bảo vệ nghiêm ngặt cho thứ vũ khí "quốc bảo này".
Rõ ràng trước lực lượng liên quân quá mạnh, trong khi phòng không Syria mỏng còn lực lượng Nga thì chỉ như muối bỏ bể, phương châm tác chiến của S-300 ở miền Đông vẫn phải là triệt đề phòng tránh đánh trả, tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ bị tập kích bằng tên lửa hoặc thậm chí bị bắt sống bởi biệt kích.
Tên lửa S-300 luôn phải được bảo vệ kỹ càng. Ảnh minh họa: Phòng không Ukraine huấn luyện chiến đấu với S-300.
Muốn vậy, trước hết phòng không Syria phải tăng cường lực lượng cận vệ của S-300 là các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1, cùng với đó là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2E và các tổ hợp tên lửa đời cũ hơn như Pechora-2M, Kub cùng phối hợp tác chiến nhằm tạo lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp, công thủ toàn diện.
Tiếp đó, cần phải có mạng lưới radar cảnh giới tầm xa, nhằm đảm bảo phát hiện mọi động tĩnh trên không của liên quân nhằm báo động chuyển cấp chiến đấu hoặc phòng tránh kịp thời.
Cuối cùng, để tránh bị tập kích bất ngờ vào tổ hợp tên lửa S-300 ngay trên mặt đất bởi biệt kích-đặc nhiệm của liên quân, lực lượng Nga-Syria phải triển khai các đơn vị mặt đất bảo vệ chặt chẽ các trận địa cơ bản cũng như trận địa dự bị, trong đó đặc nhiệm Nga giữ vai trò nòng cốt, là cận vệ tin cậy luôn sát cánh cùng các kíp trắc thủ.
Xét tất cả các yếu tố trên, dường như Syria chưa có được 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa" và quyết định triển khai tên lửa S-300 tới miền Đông là quá vội vã.
Hình ảnh tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga ở Syria bị lật nhào do hành quân vôi vã? Ảnh minh họa.
Bởi lẽ, cứ cho là kíp trắc thủ S-300 Syria đủ thông minh để làm chủ vũ khí mới nhanh như vậy, nhưng họ có dám bắn máy bay liên quân hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Chưa cần bắn trúng, bắn rơi, chỉ cần bất cứ loại tên lửa phòng không Syria nào phóng đạn nhằm vào máy bay liên quân cũng sẽ là cái cớ không thể tuyệt vời hơn cho liên quân để ra tay xử đẹp S-300.
Với lực lượng áp đảo, việc này đối với liên quân không phải là bất khả thi. Nếu tình huống này xả ra, rất có thể Syria đã "tự tay dâng tên lửa S-300 vào miệng con sói" là Mỹ và liên quân đang ngày đêm đói khát rình rập.
Do vậy, khi chưa đủ mạnh, chưa đủ tự tin, Syria không nên nóng vội cho S-300 khai hỏa để dẫn tới hậu quả cao nhất là "mất trắng", không còn manh giáp. Thay vào đó, hãy cứ úp mở về việc loại tên lửa "sát thủ" đối với mọi loại máy bay này đã có mặt ở đây nhằm răn đe là chính.
Tên lửa S-300 được chuyển giao cho Syria.