Sụt lún nghiêm trọng, Cà Mau cầu cứu

KHOA NAM - TIẾN TRÌNH - NGUYỄN HÙNG |

Lãnh đạo Cà Mau đã có văn bản báo cáo khẩn gửi Thủ tướng và kiến nghị được hỗ trợ khẩn cấp để khắc phục tình trạng hàng loạt tuyến lộ trên địa bàn tỉnh bị sụt lún nghiêm trọng, tạo ra các hố chia cắt giao thông.

Giữa cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi đi trên tuyến đường nhựa dài khoảng 7km nối hai xã Khánh Bình - Khánh Bình Đông thuộc huyện Trần Văn Thời. 

Đây là tuyến đường độc đạo nối xã Khánh Bình Đông với trung tâm huyện Trần Văn Thời. Mặt đường nhiều chỗ nứt toác, xuất hiện chi chít ổ gà. 

Đi chừng 2km thì bắt gặp rào chắn bằng hàng chục thân cây bạch đàn, tràm, tre.

Mặt đường 
bỗng dưng biến mất

Bà Nguyễn Hồng Xuân (49 tuổi, ngụ ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) kể khoảng 3g sáng 15-4, bà đang nằm ngủ trong nhà thì nghe nhiều tiếng răng rắc vang lên ngoài đường. 

Càng lúc những âm thanh lạ thường vang lên càng nhiều, bà Xuân cầm đèn pin ra xem thì suýt rơi xuống hố do cả một đoạn đường phía trước nhà đã biến đâu mất.

“Sáng ra tui gọi lên xã thông báo tình hình cấp bách. Xã cử người xuống đo đạc mới biết đường lún sâu tới 4m, rộng 8m, dài 26m. 

Giờ nhà tui phải mở một con đường tạm đi ngang qua sân trước, chứ không thôi là giao thông đứt đoạn luôn” - bà Xuân nói. 

Tương tự, đường về trung tâm xã Khánh Hải (thuộc huyện Trần Văn Thời), đoạn cách trụ sở xã khoảng 700m cũng bị lún sâu tới 2m.

Đó chỉ là hai tuyến đường bị sụt lún, đứt đoạn giao thông hoàn toàn. 

Còn theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, có tới 87 điểm sụt lún mặt đường, hư hại như: tuyến Tắc Thủ - U Minh - Khánh Hội, tuyến T29, tuyến T11, cống T13 - Vàm Đá Bạc, đường về trung tâm xã Quách Phẩm, đường tỉnh 983B... 

Đường liên huyện thì bị hư hại hàng chục điểm ở các địa bàn: Năm Căn, U Minh, Thới Bình, Phú Tân, Cái Nước, Trần Văn Thời, TP Cà Mau... Trong đó nặng nề nhất là huyện Trần Văn Thời.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã có trên 16,5km đường bêtông ximăng và 35km đường tráng nhựa bị hư hại. Ước tính chi phí sửa chữa tạm thời lên trên 110 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, con số có lẽ không chỉ dừng lại ở đó, vì những điểm đường bỗng dưng... biến mất xuất hiện ngày càng nhiều.

Đường thủy tê liệt, đường bộ rung rinh

Chỉ xuống con kênh khô trơ đáy ven đường về xã Khánh Bình Đông, ông Nguyễn Thới Hiệu - tài xế lái xe tải chở phân bón, thức ăn cho tôm... đi giao cho các đại lý - than rằng nếu kênh không cạn nước thì giao hàng bằng đường thủy rẻ hơn đi đường bộ nhiều. 

Nay kênh cạn, đường lún, xe không đi được phải thuê xe ôm “lòi” (trung chuyển) mỗi chuyến 2-3 bao.

“Trước đây một xe tải 3,5 tấn hàng tui giao chưa đầy một buổi là xong, nay phải mất cả ngày mới bốc được hơn nửa xe, đó là chưa kể chi phí thuê xe ôm hết mấy trăm ngàn đồng.

 Không còn đường thủy thì dồn hết lên đường bộ, đến phiên đường bộ hư tiếp thì hết đi, giờ cũng khỏi mần ăn gì được rồi” - ông Hiệu bộc bạch.

Nhiều người dân sinh sống men theo các tuyến đường đang bị lún nứt chạy dọc bờ các con kênh xáng đều khẳng định mấy chục năm nay chưa từng thấy cảnh tượng khô hạn khủng khiếp như vậy. 

Không chỉ có đường sá bị hư hại, ông Nguyễn Vũ Bình, ngụ ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), cho biết tuyến dân cư vượt lũ ở trung tâm xã có nhiều căn nhà cũng bị lún nứt. 

Hiện đã có ít nhất 5 hộ phải dời đi chỗ khác vì sợ nhà sập, không an toàn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân khiến hàng chục tuyến đường, nhà dân bị sụt lún, ông Lê Thành Huấn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau - nhận định nhiều khả năng do thời tiết khô hạn kéo dài.

Theo ông Huấn, hầu hết các tuyến đường bị hư hại đều tập trung ở vùng ngọt hóa có đê bao và hệ thống cống ngăn mặn khép kín. 

Hơn một tháng nay, phần lớn các con kênh ven những tuyến đường này đã cạn khô. Sự khô cằn bất thường này rất có thể là nguyên nhân khiến mặt đường nứt nẻ, bong tróc, thậm chí sụt lún không còn lưu thông được nữa.

“Lớp đất phù sa bên dưới mặt đường bị sức nóng do thời tiết khô hạn nên có thể co ngót lại, độ liên kết giữa các lớp đất, đá không còn, tạo ra nhiều kẽ hở.

Trong khi đó, phía trên mặt đường xe cộ lưu thông tăng cao đột biến đã gia tăng áp lực tải trọng quá mức cho phép, khiến đường bị hư hỏng. 

Tính sơ bộ đã thiệt hại trên 110 tỉ đồng, nhưng mức độ thiệt hại trong những ngày khô hạn sắp tới sẽ còn gia tăng” - ông Huấn cho biết.

“Tình hình nguy cấp”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho hay tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng đất nứt, sụt lún của các tuyến lộ dẫn về trung tâm các xã. 

Đồng thời tỉnh đang lập danh mục các dự án khẩn cấp kiến nghị trung ương hỗ trợ Cà Mau khắc phục hậu quả.

“Hiện tượng sụt lún rất nghiêm trọng mà trong nhiều năm qua không hề thấy ở Cà Mau, nhưng năm nay thì xuất hiện rất nhanh và rất nguy cấp. 

Nhiều đoạn đường hai bên bị lún xuống, giữa đường thì nứt ra. Thậm chí những vết nứt, vết lún ăn sâu vào tới nhà dân với tốc độ rất nhanh. 

Tình hình rất nguy hiểm, làm mất an toàn giao thông, gây ra những thiệt hại mà sau này cần phải sửa chữa rất lớn” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, trước thực trạng này, trong khi chờ hỗ trợ của trung ương, thời gian qua tỉnh đã có những giải pháp trước mắt như hạ tải một số tuyến đường, làm các kè để chống sụt lún, phải chở đất những nơi khác đến để bù vào những sụt lún đó, giặm vá tạm thời để cho xe lưu thông.

Những chỗ đường nứt phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời giặm vá ngay, không để cho người dân khi lưu thông, nhất là xe hai bánh, bị rơi bánh vào kẽ nứt bị ngã, xảy ra tai nạn rất nguy hiểm. 

“Những nơi chúng tôi đánh giá tình hình đến mức nguy hiểm thì phải di dời dân đến chỗ an toàn. Những chỗ sụt lún đều có các biển cảnh báo nguy hiểm. Đây là những biện pháp tạm thời, trước mắt” - ông Hải cho hay.

U Minh Thượng cũng sạt lở

Ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang - cho hay khoảng một tháng trước, tuyến đường đê bao ngoài vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng (thuộc huyện U Minh Thượng) cũng bị sạt lở một số đoạn.

Sau khi kiểm tra, các đơn vị chức năng xác định nguyên nhân do nền đất bị khô, rời ra làm giảm sức chịu tải. Hiện tại tuyến đường này đã phải cấm toàn bộ xe cơ giới từ 3 bánh trở lên lưu thông.

* PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ)

Chỉ dấu của tai biến địa chất

Hiện tượng sụt lún này xảy ra đồng thời với hiện tượng xâm thực và xói lở bờ biển cũng như nhiều đoạn sông ở Cà Mau.

Lún sụt đất, hoặc nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến các "hố tử thần" là một dạng tai biến địa chất, rất khó tiên đoán sớm. Đôi khi xảy ra rất bất ngờ và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất lớn.

Tuy nhiên, các hiện tượng này thường xảy ra ở những vùng có cấu trúc địa chất yếu, nền đất thiếu ổn định, sa cấu đất thuộc loại mềm nhão, liên kết kém.

Khi có dòng chảy mặt hoặc chảy ngầm gia tăng bất thường sẽ dễ dàng bị xói lở.

Đặc biệt khi lòng đất có những lỗ rỗng hoặc vỉa nước ngầm bị rút cạn nhanh sẽ làm gia tăng hiện tượng lún sụt. Vùng đất Cà Mau hội tụ đủ những yếu tố này.

Điều lưu ý là trong khoảng 10 năm gần đây, hiện tượng các vỉa nước dưới đất tụt giảm rất nhanh, do khai thác nước ngầm tăng mạnh.

Ngoài ra, việc suy giảm nguồn phù sa, xem như một chất liệu quan trọng để bù lún, khiến lớp phù sa mới bổ sung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày một mỏng đi.

Việc mở rộng xây dựng các công trình nhà ở, đặc biệt cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống và gia tăng mật độ xe tải nặng, xe khác ở khu vực cũng là yếu tố làm gia tăng khả năng lún sụt ở khu vực.

Giả thiết có thể tin cậy cao là mùa khô 2015 - 2016, vùng bán đảo Cà Mau đang ở trong hạn hán và xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, tất cả nguồn nước ngọt ở Cà Mau đều từ nước dưới đất.

Nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất gia tăng khiến các giếng khoan hoạt động mạnh và nhiều giếng khoan hơn làm các vỉa nước ngầm bị rút cạn, không kịp khả năng hồi phục, các vỉa nước trở thành các lỗ rỗng khiến hiện tượng lún sụt xuất hiện nhiều.

Giải pháp trước mắt là chính quyền phải thiết lập ngay bản đồ lún sụt của tỉnh, gia tăng bảng cảnh báo những tuyến có nguy cơ cao, hạn chế mật độ và tốc độ giao thông, nếu cần phải di dời khẩn cấp các nơi đông dân cư.

Trước mắt, ngưng xây dựng thêm công trình ở các khu vực này.

Về lâu dài, nên có những hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu sâu về địa chất thủy văn, địa chất công trình, dùng các thiết bị thăm dò (như thiết bị phát sóng rađa xuyên đất) để phát hiện trước lớp đất trũng.

Áp dụng giải pháp bổ cập nhân tạo nước dưới đất vào mùa mưa để giảm nguy cơ hạ thấp mực nước ngầm.

Kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm song song với việc mở rộng các tuyến ống hoặc kênh dẫn đưa nước ngọt từ vùng tứ giác Long Xuyên và sông Hậu về bán đảo Cà Mau...

CHÍ QUỐC ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại