Cơ quan chức năng nhận định, tình trạng sụp lún, sạt lở đất ngày càng có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn đối với đời sống của người dân. Đây là hệ luỵ của việc hạn hán diễn biến khốc liệt.
Liên tiếp xuất hiện nhiều “điểm nóng”
Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, tại Cà Mau, hiện tượng sụp lún, sạt lở đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều nhất trên địa bàn vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời và U Minh.
Tình trạng này đã khiến người dân sống quanh khu vực hết sức lo sợ nguy cơ sụp lún có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau thông tin, qua thống kê sơ bộ, vùng ngọt hoá Cà Mau đã có trên 1.000km kênh mương bị khô cạn, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đê bao ngăn mặn bảo vệ vùng ngọt, gây ra sạt lở đất theo các tuyến kênh.
Đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã có hơn 80 tuyến kênh bị sụp lún, sạt lở với tổng chiều dài hơn 22,5 km. Trong đó, hơn 9 km bị sụp lún, sạt lở nghiêm trọng.
Ngoài ra, có đến trên 200km lộ, bờ bao đang rạn nứt, nguy cơ sụp lún rất cao.
Vùng ngọt hoá Cà Mau đã có trên 1.000km kênh mương bị khô cạn, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đê bao ngăn mặn bảo vệ vùng ngọt và liên tiếp gây ra sạt lở đất.
Ông Nguyễn Ðồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, sụp lún bắt đầu xuất hiện từ đầu năm, tần suất ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn.
Đến thời điểm hiện tại, Trần Văn Thời đã xảy ra trên 92 vụ, làm thiệt hại hơn 22km lộ giao thông, bờ bao và cả nhà dân.
“Huyện chỉ có thể rà soát và rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông, những nơi sạt lở ít, địa phương vận động người dân tự bỏ tiền ra để khắc phục…
Một vấn đề vô cùng nan giải hiện nay là nếu có kinh phí cũng khó khắc phục, do đường vận chuyển vật tư gần như không còn”, ông Khởi nói.
Tình trạng sụp lún tại huyện U Minh (Cà Mau) cũng đang tăng tần suất, ngoài tuyến đê biển Tây (đoạn từ Tiểu Dừa đến Hương Mai) đang sạt lở nghiêm trọng, gần đây tình trạng sụp lún đất lại xuất hiện trên địa bàn Ấp 12, xã Khánh An, với chiều dài khoảng 90m.
Ông Nguyễn Đồng Khởi (Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nhận định, dù cho có kinh phí cũng khó khăn khắc phục vì hầu như không còn đường để vận chuyển vật tư.
Được biết, hiện tượng sụp lún, sạt lở đất không chỉ xảy ra tại Cà Mau mà một số tỉnh khác ở miền Tây cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Gần đây nhất là vào ngày 7/5, tại huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), đất đã sụp lún trên tỉnh lộ 965 (đê bao dài trên 30 km ở ven Vườn Quốc gia U Minh Thượng).
Cơ quan chức năng tỉnh này nhận định, tốc độ sạt lở đang gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông và đời sống của người xã Minh Thuận đến xã An Minh Bắc.
Tình trạng như thế này đã trở thành nỗi ám ảnh của các em học sinh, kể cả các thầy cô giáo.
Nhà chức trách thông tin, từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn huyện U Minh Thượng đã xảy ra gần 20 vụ sạt lở đường và nhà dân, nhiều nhất ở xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận.
Đến thời điểm hiện tại, có đến 6 căn nhà của người dân bị sạt lở, thiệt hại gần 200 triệu đồng; tám đoạn đường với chiều dài hơn 300m bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng… tổng thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng.
Cần thiết phải di dời dân
Mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng với đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra, khảo sát tình trạng sụp lún và sạt lở tại 2 huyện: Trần Văn Thời và U Minh.
Làm việc với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với những tuyến đường đang có nguy cơ sụp lún trong khu vực gần nhà nhà dân, phải làm kè, nếu cần thiết thì phải tiến hành di dời dân để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của người dân.
Ðối với những tuyến đường đang rạn nứt, phải giậm vá ngay để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời phải có bảng cảnh báo từ xa đối với những nơi có khả năng sụp lún…
Sạt lở, sụp lún, rạn nứt đất đã và đang trở thành mối đe dọa của người dân vùng ngọt hóa.
Riêng đối với tuyến đê biển (Tây Hương Mai - Tiểu Dừa), lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng cần triển khai ngay việc xây dựng kè bằng cơ chế khẩn cấp.
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ những công trình đảm bảo cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân.
“Đây là hiện tượng lạ, là hệ luỵ từ hạn hán và có nguy cơ tiếp diễn ngày một nghiêm trọng.
Trước mắt, các huyện phải khẩn trương kiểm tra, thống kê tất cả các tuyến đường sụp lún, báo cáo chi tiết về UBND tỉnh để tìm giải pháp khắc phục kịp thời và lâu dài”, ông Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại buổi làm việc với huyện Trần Văn Thời.