Sửng sốt với phát hiện ngôi đền mặt trời 4.500 năm tuổi ở Ai Cập

Đinh Toán |

TS. Massimiliano Nuzzolo, trợ lý giáo sư về Ai Cập học tại Viện Văn hóa Địa Trung Hải và Phương Đông (Học viện Khoa học Ba Lan) mới đây cho biết, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một “ngôi đền mặt trời” bị mất của pharaoh ở Abu Ghurab (cách Thủ đô Cairo khoảng 19km về phía Nam).

Sửng sốt với phát hiện ngôi đền mặt trời 4.500 năm tuổi ở Ai Cập - Ảnh 1.

Dấu tích của ngôi đền mặt trời mới được tìm thấy

Các nhà khoa học cho rằng, các pharaoh thuộc triều đại thứ 5 của Ai Cập đã cho xây dựng 6 ngôi đền mặt trời cùng với kim tự tháp. Trước đó vào năm 1898, các nhà khảo cổ đã từng khai quật tại địa điểm này và phát hiện ra đền thờ mặt trời của Nyuerra, vị vua thứ 6 của triều đại thứ 5. Người này từng trị vì Ai Cập từ năm 2400 – 2370 trước Công nguyên.

Trong email trao đổi với phóng viên CNN, TS. Nuzzolo cho biết thêm: “Các nhà khoa học của thế kỷ 19 chỉ khai quật được một phần rất nhỏ của công trình được xây dựng bằng gạch bùn này. Trong quá trình khai quật cẩn thận bên dưới những mảnh vỡ còn sót lại của ngôi đền, chúng tôi còn tìm thấy một cấu trúc nền cổ hơn cũng bằng gạch bùn. Điều này đã dẫn đến kết luận, có thể có một công trình khác từng tồn tại ở cùng địa điểm”.

“Khai quật cẩn thận hơn nữa, một chân cột đá vôi trắng sâu khoảng 60cm tiếp tục lộ ra. Cùng với đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những cổ vật như con dấu khắc tên của các vị vua trị vì trước Nyuerra. Những con dấu này có thể là một phần của chiếc nắp đậy bình”, TS, Nuzzolo nói.

Sửng sốt với phát hiện ngôi đền mặt trời 4.500 năm tuổi ở Ai Cập - Ảnh 2.

Các nhà khảo cổ sẽ phân tích các hiện vật để tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày vào thời điểm ngôi đền được xây dựng.

Được biết, các công trình được làm hoàn toàn gạch bùn. Một số chiếc bình được tìm thấy trong đền chứa đầy bùn nghi lễ và chúng chỉ được dùng khi có sự kiện tôn giáo cụ thể. Theo nhận định, những chiếc bình gốm này đã có từ thế kỷ 25 trước công nguyên, một hoặc hai thế hệ trước khi Nyuserra sinh sống.

Ngoài ra, các tượng đài bằng gạch bùn của ngồi đền “có kích thước rất ấn tượng”. Tuy nhiên, Nyuserra đã phá hủy nó theo nghi thức để xây dựng đền thờ mặt trời cho riêng mình. Thậm chí, vị vua này còn dùng quyền lực để giành quyền thờ thần Mặt trời Ra và coi mình là con trai duy nhất của thần Mặt trời trên Trái Đất.

TS. Massimiliano Nuzzolo cũng nêu rõ: “Thông thường, khi một vị vua vì một số lý do vội vàng, ông ấy sẽ cho xây dựng các công trình bằng gạch bùn với thành phần chính là đá. Nguyên vật liệu này có nhược điểm dễ biến mất theo thời gian. Nó cũng đã đúng với một số di tích Ai Cập cổ đại khác được xây dựng bằng chất liệu dễ hỏng tương tự. Hơn nữa, xây dựng bằng gạch bùn sẽ khiến công trình dễ bị phá bỏ hoặc chôn vùi dưới các công trình khác khiến việc khai quật gặp khó khăn, điều mà chúng tôi đang gặp phải”.

Bên cạnh đền thờ đã được phát hiện, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu về đồ gốm để tìm hiểu cách người dân sinh hoạt vào thời điểm đó. Các họa tiết trang trí trên đồ gốm có thể giúp làm sáng tỏ những gì mà người xa xưa tin tưởng. Ngoài ra, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ tìm ra vị vua nào chịu trách nhiệm xây dựng ngôi đền thông qua việc tiếp tục khai quật tại địa điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại