Sau Libya lại đến Sudan: Súng đã nổ - Những diễn biến nóng chưa từng thấy

Hoài Giang |

Những người lính Sudan đang canh gác Bộ Quốc phòng đã ra khỏi vị trí để bảo vệ những người biểu tình và bắt đầu đấu súng giữa với lực lượng an ninh trung thành với Bashir.

Quân đội Sudan và Lực lượng an ninh nổ súng vào nhau, nước đã tràn ly

Ngày 8/4, Binh sĩ Quân đội Sudan đã can thiệp để bảo vệ người biểu tình sau khi lực lượng an ninh cố gắng phá vỡ cuộc biểu tình lên tới hàng nghìn người chống chính phủ hiện vẫn cắm trại bên ngoài Bộ Quốc phòng ở trung tâm Khartoum.

Các nhân chứng cho phóng viên biết rằng cảnh sát chống bạo động và các nhân viên mật vụ đã cố gắng đẩy lui những người biểu tình bằng xe bán tải và đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông ước tính khoảng 3000 người.

Ngay sau đó những người lính Sudan đang canh gác Bộ Quốc phòng Sudan đã ra khỏi vị trí để bảo vệ những người biểu tình và bắt đầu đấu súng giữa với lực lượng an ninh trung thành với Bashir.

Đoạn video được người biểu tình ghi lại cảnh binh lính Sudan đấu súng với lực lượng trung thành với Tổng thống trước cửa Bộ Quốc Phòng ngày 8/4.

Lực lượng an ninh sau đó được cho là "đã rút lui mà không bắn trả" và các binh sĩ tiếp tục được triển khai xung quanh khu vực, trong khi những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu "Quân đội đang bảo vệ chúng tôi" và "Một người dân, một người lính".

Bộ trưởng Bộ Thông tin Sudan Hassan Ismail, phát ngôn viên của chính phủ đã tỏ ra mâu thuẫn trong các tuyên bố:

"Đám đông trước Bộ Quốc Phòng đã giải tán hoàn toàn, theo cách không gây thương vong cho tất cả các bên".

"Bộ máy an ninh đã kết hợp chặt chẽ, làm việc tích cực và hài hòa".

Phía chính phủ nói rằng không có thương vong sau vụ nổ súng, tuy nhiên những hình ảnh ở thực địa cho thấy một người lính Sudan đã bị thương và thiệt mạng sau khi được đưa tới bệnh viện.

Sau Libya lại đến Sudan: Súng đã nổ - Những diễn biến nóng chưa từng thấy - Ảnh 2.

Binh sĩ Sudan đang khóc thương đồng đội đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng trước cửa Bộ Quốc Phòng tại Khartoum ngày 8/4

Sudan trên bờ vực của cuộc nội chiến 

40 triệu người Sudan đang phải chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng một phần do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và một phần là do mất nguồn doanh thu từ dầu mỏ kể từ khi Nam Sudan ly khai năm 2011.

Các cuộc biểu tình được cho đã quay lưng lại với Tổng thống Bashir, một cựu chỉ huy quân đội lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1989.

Những người biểu tình buộc tội Bashir, người đang bị Tòa án quốc tế truy nã vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở vùng Darfur, nơi đã nhiều năm bị đàn áp và xung đột cũng như đưa ra các chính sách phá hủy nền kinh tế của Sudan.

Chính phủ phủ nhận mọi hành động quân sự tàn bạo ở Darfur và đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là lý do chính của những khó khăn về kinh tế.

Sau Libya lại đến Sudan: Súng đã nổ - Những diễn biến nóng chưa từng thấy - Ảnh 3.

Binh sĩ Sudan tham chiến tại Yemen trong trận Aden năm 2015

Ông Bashir đã thừa nhận rằng những người biểu tình có những yêu cầu chính đáng nhưng họ phải giải quyết nó một cách hòa bình và thông qua trưng cầu dân ý.

Hôm 6/4, người biểu tình dường như được tiếp thêm sức mạnh từ thành công của phong trào ở Algeria đã buộc Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức, tiến về Bộ Quốc phòng với hy vọng sẽ đưa ra một bản ghi nhớ để thúc giục quân đội sát cánh cùng họ.

Họ đã chọn ngày kỷ niệm 6/4 của một cuộc đảo chính quân sự năm 1985 buộc nhà độc tài Jaafar Nimeiri phải từ chức sau các cuộc biểu tình.

Sudan hiện đang cung cấp một lượng lớn binh lính cho cuộc can thiệp tại Yemen do Arab Saudi dẫn đầu.

Binh lính Sudan được coi như là những tấm bia thịt để Arab Saudi tung vào các trận chiến đẫm máu đối đầu với lực lượng Houthi tại Yemen và khu vực biên giới Saudi - Yemen.

Tổng thống Bashir hiện đang tuyển mộ một lượng lớn lính đánh thuê người Nga thuộc Tập đoàn khét tiếng Wagner đã từng tham chiến tại Syria và Ukraina để bảo vệ cho các quan chức chính phủ và huấn luyện cho lực lượng an ninh.

Cuộc biểu tình của người Sudan được cho là những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc nội chiến tại quốc gia nằm ở Châu lục Đen này, các diễn biến tiếp theo được cho là sẽ diễn ra như các kịch bản xung đột đã diễn ra tại Libya, Syria, Yemen hay Venezuela.

Tuy nhiên đứng đằng sau ông Bashir hiện vẫn còn một loạt cường quốc như Nga, Saudi Arabia hay UAE nên diễn biến sẽ rất khó lường và tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của các quốc gia kể trên.

Phóng sự của PressTV về binh sĩ Sudan trong Liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu tham chiến tại Yemen

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại