Để tìm hiểu khả năng của những loại vũ khí tiên tiến trên, hãng thông tấn RIA Novosti đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia quân sự Nga.
1. Vũ khí laser hàng không
Có vẻ Nga đang thổi sự sống vào chương trình phát triển "các loại vũ khí dựa trên những nguyên tắc vật lý mới".
Thuật ngữ trên được các quan chức quân sự Liên Xô đặt ra trong những năm 1980, dùng để chỉ các loại vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí địa-vật lý...
Theo chuyên gia phân tích quân sự Igor Korotchenko, biên tập tạp chí "National Defense": các loại vũ khí dựa trên những nguyên tắc vật lý mới, trong đó có vũ khí laser mà Nga đang phát triển, sẽ là công cụ đáng tin cậy để đảm bảo an ninh quốc gia.
Ông Korotchenko giải thích thêm rằng, một hệ thống laser mạnh mẽ lắp đặt trên máy bay vận tải chiến lược đa nhiệm IL-76 sẽ có khả năng đối phó với các hệ thống trinh sát của đối phương.
Đồ họa các hệ thống vũ khí laser di động của Liên Xô bảo vệ sân bay (tác giả Edward L. Cooper vẽ năm 1987).
Thiết bị tương tự đang được phát triển tại Mỹ nhưng vũ khí laser hàng không của Mỹ hầu hết nhắm tới mục tiêu là các loại tên lửa đạn đạo và phương tiện chứa nhiều đầu đạn.
Theo ông Korotchenko, trong khi người Mỹ chưa đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này thì vũ khí laser gắn trên máy bay của Nga đã chứng tỏ được khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Các báo cáo cho biết, trạm thí nghiệm bay dành cho vũ khí laser hàng không của Nga cất cánh lần đầu tiên vào năm 1981 và đã tấn công mục tiêu trên không vào tháng 4/1984. Tuy nhiên, công tác phát triển phải dừng lại vào đầu những năm 1990 do thiếu kinh phí.
2. Vũ khí laser trên bộ/biển
Ông Korotchenko cho hay, phương tiện bay không người lái (UAV) có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng khi chúng qua mặt được các tên lửa đất-đối-không.
Đây là lúc hệ thống vũ khí laser cần vào cuộc. Xe quân sự gắn vũ khí laser được thiết kế để "đốt thành tro" các mục tiêu trên không và trên bộ như máy bay không người lái, rocket và thậm chí là thiết bị nổ tự chế (IED).
"Những tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự chắc chắn sẽ dẫn đến sự phát triển của các hệ thống vũ khí khác dựa trên nguyên tắc vật lý mới.
Tất cả cường quốc quân sự hàng đầu đều bị kéo vào các chương trình phát triển như vậy và Nga không phải là một ngoại lệ trong tiến trình này" - vị chuyên gia nhận định.
Đồ họa hệ thống vũ khí laser trên bộ của Liên Xô (Edward L. Cooper - 1986).
Theo ông Konstantin Sivkov, giáo sư khoa học quân sự kiêm chủ tịch "Học viện các vấn đề địa chính trị", các lực lượng vũ trang Nga có vẻ đã đưa vào trang bị một số vũ khí laser dùng để gây nhiễu hệ thống điều khiển vũ khí của xe tăng.
"Có thể còn có các hệ thống vũ khí laser để phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển và gây nhiễu thiết bị dẫn đường/giám sát quang điện tử" - ông Sivkov cho hay.
3. Vũ khí laser "gây mù"
Chuyên gia Leonid Ivashov đến từ "Học viện các vấn đề chính trị Nga" cho rằng vũ khí laser còn có thể được lực lượng lục quân sử dụng để "làm mù" các thiết bị quang điện tử của đối phương.
"Tia laser sẽ 'chọc mù' thiết bị do thám quang học, các hệ thống ngắm-kiểm soát hỏa lực, cũng như hệ thống liên lạc và chỉ huy" - ông Ivashov cho hay.