Alexander không chỉ là một vị thống soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại, mà còn là một chính trị gia lỗi lạc.
Trong cuộc đời cầm quân vẻ vang của mình, Alexander đã thể hiện tài năng quân sự thiên bẩm bằng những chiến thắng hiển hách trên chặng đường chinh phạt tất cả các vùng đất mà ông biết lúc bấy giờ.
Không chỉ chinh phục những quốc gia rộng lớn, Alexander còn có khả năng chinh phục lòng người bằng tài năng và nhãn quan chính trị hơn người. Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là nghệ thuật chinh phục lòng dân và được công nhận là Pharaoh của đất nước Ai Cập huyền bí.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin hấp dẫn về tài năng và nghệ thuật chinh phục Ai Cập có 1-0-2 của Alexander Đại đế.
Sau khi chinh phạt đế quốc Ba Tư và đánh bại vua Darius III tại trận Issus năm 333 TCN, mục tiêu tiếp theo của Alexander là Ai Cập. Alexander dẫn theo đội quân hùng mạnh tiến vào đến Ai Cập năm 332 TCN.
Chinh phục thành trì Gaza
Vùng đất Palestine của người Syria, ngoại trừ thị trấn Gaza, đều chấp nhận quyền cai trị của Alexander. Tuy nhiên, chủ nhân của thành trì này, một hoạn quan có tên là Batis, đã từ chối về phe ngài. Ông ta đã xây dựng một lực lượng lính đánh thuê Ả Rập, và đã dự trữ đủ cho một cuộc vây hãm kéo dài.
Hơn nữa, việc Batis tự tin cho rằng thị trấn được phòng thủ quá vững chãi để có thể bị đột kích, đã khiến ông ta không chịu quy phục Alexander. Về đặc điểm vị trí, Gaza cách biển 4 kilômét; đường đi từ bờ biển tới thị trấn là vùng cát sâu, phía xa bờ biển là ngổn ngang những bãi cát ngập nước.
Đó là một thị trấn lớn, nằm trên một vùng đất cao, được bao quanh bởi những bức tường thành kiên cố – thị trấn cuối cùng, nằm ở rìa của sa mạc, nếu người ta đi về phía nam từ Phoenicia tới Ai Cập.
Nhờ tài quân sự kiệt xuất và đội quân hùng mạnh, Alexander dễ dàng chinh phục thành trì Gaza. Ảnh: Superiorpics
Khi đã ở khoảng cách rất gần thị trấn, Alexander chọn một địa điểm đối diện với khu vực phòng vệ dường như dễ dàng tấn công nhất, và hạ lệnh tập hợp những phương tiện vây thành.
Dù khó có thể hạ thành bằng đột kích, nhưng Alexander giữ vững niềm tin rằng khó khăn càng lớn, càng cần phải hạ được thành; vì một khi thành công vượt ra ngoài sự suy đoán và khả năng thì đây sẽ là một đòn mạnh mẽ giáng vào nhuệ khí của kẻ thù.
Còn ngược lại, nếu thất bại, một khi Darius và người Hy Lạp biết được tin đó, sẽ là một tổn thất tương đương cho danh tiếng của ngài.
Kế hoạch đưa ra là sử dụng những phương tiện vây thành tấn công những chốt phòng vệ bao quanh thị trấn cùng với việc xây dựng một công sự cao bằng mô đất nền của thành, rồi đặt những phương tiện lên đó.
Công việc chủ yếu được tiến hành ở khu vực phía nam, nơi tường thành dường như dễ bị công phá hơn những vị trí khác, và khi công sự đã có một độ cao vừa đủ, các phương tiện đã được đưa lên đó để chuẩn bị tấn công.
Lúc đó, Alexander, với một vòng hoa trên đầu theo nghi lễ, đang thực hiện tế lễ nạn nhân đầu tiên như thường lệ thì một con chim mồi nhảy qua bệ thờ và đánh rơi hòn đá mà nó giữ bằng móng vuốt lên đầu ngài.
Khi Alexander hỏi Aristander – nhà tiên tri xem dấu hiệu này có nghĩa là gì, ông ta đã trả lời rằng: "Thưa bệ hạ, ngài sẽ chiếm được thành, nhưng hôm nay, ngài nhất định phải chú ý tới an nguy của chính mình."
Lời tiên tri thành hiện thực, Alexander chiếm được thành, thẳng tiến tới Ai Cập
Trong khi thực hiện một cuộc tấn công mạnh mẽ vào Giza, một vũ khí ném phóng ra từ máy đá đã chọc thủng tấm khiên và áo giáp của ngài, rồi tiếp tục đâm xuyên qua vai. Aristander đã nói không sai – ông đã tiên đoán chính xác về việc Alexander sẽ bị thương trong trận này.
Alexander Đại đế (356 - 323 TCN) là con trai vua Philippos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Ông được coi là một vị vua, nhà quân sự "bất khả chiến bại", người để lại dấu ấn và những bài học quân sự quý báu cho hậu thế.
Được coi là một thiên tài quân sự bẩm sinh, Alexander đã bộc lộ tài năng quân sự lỗi lạc của ông ngay từ khi còn rất trẻ.
Năm 336, sau khi vua cha Philippos bị ám sát, Alexander trở thành quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 - 326 TCN) hùng mạnh nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn.
Chính vì vậy mà ngài cảm thấy vui sướng. Alexander tin rằng lời tiên tri khác cũng sẽ linh nghiệm, rằng thị trấn nhất định sẽ thất thủ dưới tay ngài.
Alexander tập trung pháo binh ở công sự và sẵn sàng hành động. Một quãng tường thành dài đã bị công phá nghiêm trọng; nhựa cây được tìm thấy ở nhiều điểm, phần đất bị bỏ đi để quân thù không thể quan sát được, cho tới khi ở nhiều nơi trên tường thành, không có gì nâng đỡ, đã hoàn toàn sụp đổ.
Trút hàng loạt những vũ khí ném vào thị trấn Gaza, quân Macedonia nhanh chóng kiểm soát được một khu vực rộng lớn, đẩy lùi những người bảo vệ về thị trấn.
Họ tung ra ba đợt đột kích, nhưng người Gaza vẫn kháng cự một cách dũng cảm, bất chấp việc nhiều người đã bỏ mạng và bị thương. Đến lần đột kích thứ tư, Alexander sử dụng đội hình chính của bộ binh hạng nặng tấn công vào mọi mặt của thị trấn.
Tường thành, bị đục phá từ trước, nay phải chịu đựng sự công phá của pháo binh, đã bị vỡ hoặc bị chọc thủng một khoảng rộng.
Quân Macedonia dễ dàng dùng thang, xâm nhập những chốt phòng vệ đã vỡ nát, và nhờ đó, mở được lối vào. Sau khi chiếm được Giza, Alexander sử dụng thành trì này như một lô cốt cho những cuộc hành quân xa có thể có trong tương lai.
Hành trình tới Ai Cập và trở thành Pharaoh quyền lực
Alexander giờ đây đã chiếm được Ai Cập, mục tiêu đầu tiên trong cuộc hành quân về phía nam của ngài. Một tuần sau khi rời Gaza, ngài đã tới Pelusium, nơi hạm đội hộ tống ngài đi men theo bờ biển từ Phoenicia đã thả neo chờ sẵn.
Alexander đã thực hiện một chuyến hành hương để tế lễ vị thần Ammon mà ngài rất tôn sùng. Ảnh: Atheatos
Để đảm bảo con đường tới Ai Cập không gặp trở ngại, Alexander đã đặt đơn vị đồn trú tại Pelusium, và sau khi hạ lệnh cho hạm đội tiến theo sông Nile tới Memphis, ngài tiến quân về phía nam, dọc bờ đông của con sông, và vượt qua sa mạc, tới Heliopolis.
Ở tất cả những xứ sở dọc đường hành quân, ngài đều được đảm bảo không vấp phải một sự đối đầu nào. Từ Heliopolis, ngài vượt sông tới Memphis và thực hiện một buổi tế lễ đặc biệt ở vùng đất với nhiều đền thờ nổi tiếng linh thiêng ở xứ Ai Cập.
Alexander Đại đế quyết định thả neo tại địa điểm nơi giờ đây là Alexandria, thành phố mang tên ngài. Ngài cảm thấy rất ấn tượng bởi cảnh trí ở đây và tin rằng nếu xây dựng một thành phố ở nơi này, nó sẽ rất thịnh vượng.
Không chỉ đích thân chỉ hủy từng trận đánh oanh liệt, Alexander còn tự mình thiết kế quy hoạch cho từng vùng đất mà ngài chinh phạt được. Ảnh: Pinterest
Với sự hăng hái như vậy, ngài không thể đợi được đến khi bắt đầu công việc; đích thân ngài đã thiết kế quy hoạch chung cho thị trấn mới, chỉ ra địa điểm quảng trường chợ, số lượng những đền thờ cần phải xây dựng, và những vị thần nên thờ phụng – những vị thần của Hy Lạp và nữ thần Isis của Ai Cập.
Tránh đi vào vết xe đổ vì sự ngạo mạn, coi thường văn hóa, thần linh ở Ai Cập, vị Đại đế trẻ tuổi đã biết cách khôn khéo để tránh điều lẫm lỗi của người Ba Tư. Alexander đã đi hành hương ở ốc đảo Siwa và vào đền thờ thần Ammon tế lễ, sau đó lên ngôi Pharaoh.
Alexander khao khát sánh kịp danh tiếng của Perseus và Heracles; dòng máu của những người anh hùng đó đều đang chảy trong huyết quản của ngài, và bởi họ là hậu duệ của thần Zeus thì ngài cũng vậy.
Alexander Đại đế cũng có cảm giác rằng ngài chính là con cháu của thần Ammon (một trong những vị thần có sức ảnh hưởng lớn nhất trong tôn giáo ở Ai Cập).
Sau khi lên ngôi Pharaoh, Alexander đã tái cơ cấu Memphis về mặt chính trị, chỉ định Doloaspis và Petisis, cả hai đều là người Ai Cập, làm thống đốc khu vực, mỗi người cai trị một nửa vùng đất này; nhưng khi Petisis từ chối, toàn bộ vùng đất được trao cho Doloaspis.
Hạ lệnh thành lập đơn vị đồn trú tại Memphis và Pelusium, ngài lần lượt bổ nhiệm hai chiến hữu của ngài, Pantaleon vùng Pydna và Polemon vùng Pella, con trai của Megacles; Lycidas, một người Hy Lạp tới từ Aetolia, chịu trách nhiệm về lính đánh thuê.
Ai Cập là một trong những vùng đất chinh phạt để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng vị Đại đế tài ba. Ảnh: National Geographic
Ai Cập đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng Alexander, và sức mạnh tiềm tàng của đất nước này, điều vượt quá những gì ngài mong đợi, đã khiến ngài phân chia quyền kiểm soát nó cho một số lượng lớn quan chức, vì cho rằng việc đặt toàn bộ Ai Cập vào tay duy nhất một người sẽ là hiểm họa khôn lường.
Nhờ nhãn quan chính trị và khả năng lãnh đạo khôn khéo, Alexander Đại đế đã xây dựng và mang lại một bước thay đổi mới cho Ai Cập so với thời đế quốc Ba Tư cai trị.
Có lẽ vì vậy mà người dân Ai Cập lúc bấy giờ rất yêu mến và tôn sùng vị Đại đế tài năng ở xứ Macedonia. Alexander đã làm được một việc phi thường, vượt xa hơn cả những đế quốc trước kia, đó là chinh phục lòng người ở những vùng đất mà ngài chinh phạt được.
Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách "Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế", một trong những tuyệt phẩm nổi tiếng của sử gia Arrian - một người Hy Lạp sinh ra vào khoảng một vài năm trước năm 90 sau Công nguyên.
Được coi là một trong những kiệt tác tiêu biểu, "Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế" là số ít tác phẩm khắc họa đậm nét khí chất và tài năng quân sự kiệt xuất của Alexander.
Cuốn sách hội tụ nhiều tư liệu lịch sử về Alexander Đại đế, một trong những nhân vật kỳ bí, kiệt xuất trong lịch sử thế giới, được tác giả dày công nghiên cứu. Sách do Alphabooks phối hợp với NXB Thế giới phát hành.