Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 300km. Ảnh: Reuters
Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 300km với đầu đạn chứa 170kg thuốc nổ. Nó có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, cũng như các hệ thống tên lửa phóng loạt M270 được gửi từ Anh và Đức.
Các quan chức Ukraine nhận định, tên lửa này có thể giúp họ giành lại Crimea, vùng lãnh thổ Nga sáp nhập năm 2014. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định họ đã cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà Kiev cần nhất: Đó là các Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS).
Tuần trước, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết hàng nghìn tên lửa dẫn đường mà Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể nhắm vào hầu hết các mục tiêu, thậm chí cả các mục tiêu ở Crimea.
Tại sao vũ khí này lại là vấn đề nhạy cảm?
Việc cung cấp ATACMS là một vấn đề nhạy cảm xuất phát từ việc Nhà Trắng lo ngại Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa này để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga và Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ phản ứng bằng cách leo thang căng thẳng, có thể là thông qua việc tấn công một nước NATO láng giềng.
"Chúng tôi đang cố gắng tránh Thế chiến III", Tổng thống Biden tuyên bố.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky khẳng định vũ khí này có vai trò quan trọng với Ukraine để có thể tiến hành một chiến dịch phản công rộng khắp sau những bước tiến gần đây. Ông cũng khẳng định, Ukraine không có kế hoạch tấn công các thành phố hoặc nhắm vào dân thường ở Nga.
Hệ thống ATACMS là gì?
Hệ thống tên lửa này được phát triển vào những năm 1980 để phá hủy các mục tiêu có giá trị cao nằm sâu trong phòng tuyến của Liên Xô. ATACMS được xây dựng như một vũ khí dẫn đường hiếm hoi giữa thời điểm Mỹ chủ yếu dựa vào bom không dẫn đường (dumb bomb) để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Một người phát ngôn của tập đoàn Lockheed Martin cho biết, đến nay, tập đoàn này đã chế tạo 60.000 GMLRS và 4.000 ATACMS, trong đó có những hệ thống được bán ra nước ngoài. Một quan chức quốc phòng cấp cao nhận định với New York Times rằng Mỹ dễ dàng cung cấp các tên lửa dẫn đường ít đắt đỏ hơn, bởi các tên lửa chiến thuật của Lầu Năm Góc được "để dành" cho những kế hoạch chiến tranh bí mật hàng đầu tại những nơi khác.
ATACMS được xây dựng để làm gì?
Hệ thống tên lửa này ban đầu được thiết kế để phá hủy các vũ khí phòng thủ tên lửa đất đối không của đối phương bằng cách bao phủ chúng bằng hàng trăm bom chùm.
Hiện nay, Lầu Năm Góc có 2 phiên bản ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn. Tuy nhiên, có thể Lầu Năm Góc chỉ cung cấp cho các đồng minh phiên bản ATACMS đầu đạn đơn với đương lượng nổ cao.
ATACMS cũng là tên lửa phóng từ mặt đất lâu đời nhất của Lục quân Mỹ hiện nay còn hoạt động và mô hình thay thế của nó đang được phóng thử ở New Mexico. Vũ khí đó là Tên lửa Tấn công Chính xác, hoạt động với tầm bắn bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước này đầu năm 2019, Lầu Năm Góc đã tăng cường phát triển Tên lửa Tấn công Chính xác, với kích cỡ nhỏ hơn nhưng có thể bay nhanh hơn nhiều các vũ khí đời cũ.
Mỹ có sử dụng ACTAMS trên chiến trường hay không?
Mỹ vẫn còn sử dụng ATACMS trên chiến trường. Quân đội Mỹ từng phóng khoảng 30 tên lửa ATACMS năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Chúng cũng từng được sử dụng để tấn công các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iraq.
Phiên bản ATACMS đạn chùm có thể bay hơn 160km và từng phóng 950 đạn chùm. Lầu Năm Góc sau đó đã hạn chế việc sử dụng đạn chùm bởi chúng thường không trúng mục tiêu. Lục quân đã cải tiến các hệ thống ATACMS đời đầu vào những năm 2000 và thay thế đầu đạn chùm bằng đầu đạn đơn.
Lục quân Mỹ đã phóng hơn 400 tên lửa chiến thuật mang bom chùm trong chiến dịch Tự do Iraq. Mỹ cũng phóng tên lửa chiến thuật từ Hàn Quốc ra biển sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa một số lần.
Tại sao Ukraine muốn ATACMS?
Lý do Ukraine muốn hệ thống tên lửa này chính là vì tầm bắn của nó. Ngoài ra, từ lập trường của Kiev, với việc ATACMS là tên lửa tầm xa nhất phóng từ mặt đất của Lục quân Mỹ, nếu Washington cung cấp vũ khí này thì điều đó có thể được coi như một cam kết của Mỹ với Ukraine.
So với GMLRS, phiên bản ATACMS mà Ukraine muốn có thể mang đầu đạn lớn hơn 50% và có thể tấn công các mục tiêu xa gấp 3 lần.
Mặc dù vậy do tên lửa này lớn hơn nhiều so với các tên lửa trước đó nên những bệ phóng như hệ thống pháo phản lực HIMARS và hệ thống tên lửa phóng loạt M142 có thể mang 6 tên lửa dẫn đường nhưng chỉ thể mang 1 tên lửa chiến thuật.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A.Miley cho biết hiện Ukraine cần nhiều tên lửa dẫn đường hơn. Ông Milley cho rằng cả hai vũ khí GMLRS và ATACMS đều "rất hiệu quả" nhưng hiện nay, GMLRS "thực sự đáp ứng nhu cầu của họ".