Người thầy thuốc 31 năm tận tụy chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Khi đến Trường Học viện Quân Y hoặc Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Đông, Hà Nội), hỏi đến “thầy Đức”, “bác sĩ Đức” không ai là không biết.

Người thầy thuốc, người thầy giáo tận tụy

“Bố Đức” – đó là từ đầy trìu mến mà nhiều học viên Trường Học viện Quân Y dành tặng cho người thầy giáo đáng kính của mình. Ở đây không chỉ có tình cảm thầy trò, mà với họ, thầy Đức còn như người cha của mình.

Ông là PGS.TS – Đại tá Cao Tiến Đức, giảng viên Trường Học viện Quân Y và cũng là Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội). PGS.TS Cao Tiến Đức bắt đầu về làm việc tại Bệnh viện Quân y từ năm 1982. Khi đó, ông đảm nhiệm vai trò là bác sĩ phụ trách các bệnh nhân mắc bệnh về vấn đề thần kinh của Bệnh viện Quân y 103.

PGS.TS. Đại tá Cao Tiến Đức – Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội).
PGS.TS. Đại tá Cao Tiến Đức – Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội).

Từ đó đến nay, đã 31 năm trôi qua, người bác sĩ già đã không còn nhớ hết đã có biết bao nhiêu bệnh nhân tâm thần được chính tay ông chăm sóc, chữa trị, biết bao nhiêu người đã khỏ bệnh và trở về hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng, làm những việc có ích cho xã hội.

Với người nhà của bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103, thầy Đức, bác sĩ Đức đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi. Do đặc thù của công việc (chăm sóc, chữa trị những bệnh nhân mắc chứng bệnh về thần kinh) nên đòi hỏi người bác sĩ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi cả về tâm lý.

Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) - nơi có hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh hoang tưởng đang được điều trị.
Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) - nơi có hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh hoang tưởng đang được điều trị.

Không những thế, người bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tâm thần cần phải có đức tính kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt phải thực sự quan tâm chăm sóc bệnh nhân một cách chu đáo nhất, sao cho người bệnh cảm thấy mình được chở che, gần gũi, từ đó mới dần cân bằng và ổn định tâm lý để trở về trạng thái bình thường.

Chúng tôi đến Bệnh viện Quân Y 103 đúng vào lúc đến giờ phát thuốc cho các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tâm thần. PGS.TS Cao Tiến Đức trực tiếp đi cùng các y tá phát thuốc. Ông đến từng giường bệnh, ân cần hỏi han bệnh nhân và người nhà về tình trạng sức khỏe, về khả năng hồi phục tâm lý và trí nhớ của bệnh nhân,… 

Bệnh nhân mắc bệnh về thần kinh đang được điều trị tại Khoa Tâm thần - Tâm lý học của Bệnh viện Quân y 103.
Bệnh nhân mắc bệnh về thần kinh đang được điều trị tại Khoa Tâm thần - Tâm lý học của Bệnh viện Quân y 103.

Một điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa là gần một trăm bệnh nhân đang điều trị tại khoa nhưng ông nhớ rõ họ tên, quê quán, hoàn cảnh gia đình, ngày nhập viện của từng người mà không cần phải giở xem bệnh án.

Giải thích về điều này, PGS.TS Cao Tiến Đức chỉ cười: “Đó là do thói quen và may là trí nhớ tôi vẫn còn tốt thôi. Ngày nào cũng đi thăm, đi kiểm tra, hỏi han mãi thì thành ra nhớ họ tên, quê quán từng người”. Có lẽ ông nói đúng. Nhưng để có thể nhớ được như ông thì chắc chắn phải có một sự quan tâm sâu sát thực sự và một tấm lòng cảm thông, ưu ái dành cho người bệnh.

PGS.TS Cao Tiến Đức đang hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân Tẩy Văn Lê – dân tộc Sán Rìu, người mắc bệnh hoang tưởng “ám ảnh sợ hãi”.

PGS.TS Cao Tiến Đức đang hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân Tẩy Văn Lê – dân tộc Sán Dìu, người mắc bệnh hoang tưởng “ám ảnh sợ hãi”.

Không những tận tụy với công việc, với bệnh nhân, PGS.TS Cao Tiến Đức còn là một người thầy hết lòng vì học trò. Tất cả nhiệt tình và những kiến thức, kinh nghiệm thực tế có được suốt hơn 30 năm được ông đưa vào giảng đường để truyền đạt lại cho các học viên.

Về người thầy của mình, học viên Trịnh Thị Hằng – học viên lớp Dân Y 5 kể với giọng đầy tự hào: “Ở đây bọn mình không gọi thầy Đức bằng thầy đâu mà thường gọi bằng ‘bố Đức’ đấy. Thầy Đức là người rất tuyệt vời. Thầy không chỉ dạy giỏi mà còn rất quan tâm đến các học sinh của mình. Thầy tận tình chỉ bảo, sửa cho học viên những lỗi nhỏ nhất mắc phải khi học.

Thầy thường nói với các học viên: với nghề y, các em giỏi về kiến thức và chuyên môn chưa đủ, còn cần phải có cái tâm với nghề. Đối nhiều nghề, mắc phải những sai lầm là điều khó tránh được, nên phải thận trọng. Với nghề y, càng phải thận trọng hơn gấp nhiều lần vì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể lấy đi sinh mạng của con người”.

Kỷ niệm khó quên

Hơn 30 năm chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân tâm thần, PGS TS, Đại tá Cao Tiến Đức đã có nhiều kỷ niệm khó quên đối với công việc của mình. Ông vẫn còn nhớ như in câu chuyện đã trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất của mình khi ông vừa mới về nhận công tác ở bệnh viện.

Năm 1982, Khoa Tâm thần Bệnh viện 103 tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt là anh Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1960, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Anh Dũng được công an tỉnh Vĩnh Phú đưa đến bệnh viện để điều trị.

Trước đó, anh Dũng đã nhiều lần gọi điện thoại và gửi nhiều đơn thư đến cho cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phú với nội dung tố cáo một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn do một đối tượng quê ở Vĩnh Phú cầm đầu. Đối tượng cầm đầu mà anh Dũng tố cáo trong đơn không ai khác lại là con trai của một vị Bộ trưởng đương nhiệm trong Chính phủ lúc bấy giờ.

Một lần, anh Dũng gọi điện trực tiếp báo cho cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phú rằng các đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy nói trên đang giao hàng tại một địa điểm gần thị trấn Vĩnh Tường, trong đó có cả đối tượng cầm đầu (là con trai vị Bộ trưởng!). Ngay lập tức, các trinh sát được lệnh triển khai các mũi bao vây khu vực trên.

Trong clip là một bệnh nhân mắc bệnh hoang tưởng được điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103. Bệnh nhân tên là Nguyễn Minh Quân, sinh năm 1990, quê quán: Bình Thạnh – TP.HCM, nghề nghiệp: đang là bộ đội. Quân được đơn vị phát hiện bị mắc bệnh hoang tưởng (luôn luôn sợ đồng đội dùng súng bắn chết khi đang ngủ) và được gửi ra Bệnh viện Quân Y 103 để điều trị.

Tuy nhiên, khi các trinh sát đến nơi thì không hề có bất kỳ ai, chỉ là bãi đất hoang. Khi đến nhà “đối tượng cầm đầu đường dây” mà anh Dũng tố cáo thì thấy anh này đang… nằm đọc báo. Khi công an nói rõ nguyên nhân đến nhà để điều tra về ma túy thì anh này vô cùng sửng sốt. Sau đó, chính anh này đã yêu cầu cơ quan công an điều tra làm rõ mọi chuyện.

Trong quá trình tiếp xúc và lấy lời khai của anh Dũng, công an nhận thấy anh Dũng có nhiều dấu hiệu về bệnh thần kinh nên đã đề nghị chuyển đến bệnh viện Quân y 103. Các bác sĩ bệnh viện kết luận, anh Dũng có vấn đề về thần kinh, mắc chứng bệnh hoang tưởng.

Cũng theo Đại tá Cao Tiến Đức, lúc đầu gia đình anh Dũng không tin anh bị bệnh hoang tưởng, vẫn cho rằng anh bình thường và phía người bị tố cáo cố tình đưa anh vào bệnh viện để hại anh. Tuy nhiên, phía cơ quan công an và bệnh viện đã cố gắng thuyết phục gia đình để anh Dũng điều trị tại bệnh viện.

Khoảng nửa năm sau, anh Dũng trở lại trạng thái tâm lý bình thường và được xuất viện. Điều thú vị là khi gia đình hỏi chuyện, anh Dũng ngạc nhiên và nói mình hoàn toàn không biết đã nói và làm những gì trước đó!

PGS.TS – Đại tá Cao Tiến Đức cho biết những câu chuyện như vậy gặp nhiều lắm, nó không làm ông cảm thấy khó chịu, mà trái lại nó như niềm vui, niềm hạnh phúc để ông yêu nghề hơn. Còn gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi người bệnh khỏi bệnh, trở về đoàn tụ với gia đình, hòa nhập với cộng đồng và trở thành những người có ích cho xã hội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại