Lây truyền HIV qua đường tình dục đang tăng cao

havan |

76% bệnh nhân HIV được phát hiện hàng năm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long lây nhiễm qua đường tình dục.

Bộ Y tế nhận định đường lây truyền HIV tại Việt Nam đang có sự thay đổi. Tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục tăng đang ngày càng tăng cao so với trước đây chủ yếu lây qua đường máu. Với con số 76% bệnh nhân tại đồng bằng Cửu Long, hơn 60% ở miền Trung lây lan qua đường tình dục, Bộ Y tế lo ngại tình trạng này đe dọa trực tiếp đến việc căn bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư giai đoạn 2008-2012 diễn ra hôm 26/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tính đến ngày 30/6 cả nước có 204.019 người nhiễm HIV đang sinh sống và được báo cáo, trong đó 58.569 người ở giai đoạn AIDS. Đến nay đã có 61.856 người tử vong do AIDS. Bệnh nhân phân bổ ở hầu hết các địa phương.

Người nhiễm HIV chủ yếu là do sử dụng các chất ma túy. Khó khăn lớn nhất để giảm thiểu bệnh nhân thế kỷ này là nhiều người sau khi cai nghiện một thời gian lại tái nghiện, khiến tình hình khó kiểm soát và nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt ở một số khu vực miền núi.

Lây truyền HIV qua đường tình dục đang tăng cao 1

Đại diện Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam ký kết hợp tác về chương trình phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Khó khăn lớn nhất trong việc dập dịch là do kỳ thị và phân biệt đối xử còn tồn tại nặng nề tại nhiều địa phương nên việc huy động người nhiễm HIV/AIDS công khai danh tính và tham gia các hoạt động phòng chống căn bệnh này là rất khó khăn. Thêm vào đó tại một số địa phương chưa thật sự vào cuộc để đẩy lùi ma túy, mại dâm..." ông Long nói.

Cùng quan điểm, bà Deborah Chatsis, Đại sứ Canada, đồng chủ tọa nhóm các Đại sứ và Trưởng đại diện tổ chức quốc tế hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Quan trọng nhất trong việc phòng và chống căn bệnh thế kỷ là phải xóa bỏ kỳ thị. Trong đó một thực tế là chưa chú trọng thích đáng đến trẻ em nhiễm HIV. Như vậy là từ chối tương lai tươi sáng của các em".

Ông Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết sau khi có luật phòng chống HIV/AIDS cùng với công tác tuyên truyền, chăm sóc cho người có AIDS, cải thiện hình ảnh của họ thì việc kỳ thị đã giảm nhiều so với trước đây.

"Chưa có con số thống kê những người liên quan đến căn bệnh thế kỷ chịu sự phân biệt, đối xử của xã hội. Việc kỳ thị vẫn còn khá phổ biến mà đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phụ nữ và trẻ em. Hệ lụy là phụ nữ ngại tiếp cận với thuốc y tế, còn trẻ em độ tuổi vào mầm non, tiểu học cũng bị khước từ", ông Ân chia sẻ.

Ông Ân dẫn chứng gần đây nhất là những trẻ em tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, liên quan đến AIDS ở Hà Nội. Các cháu đến tuổi đi học nhập trường tiểu học tại xã Yên Bái, đã bị phụ huynh của các học sinh khác xua đuổi. Trung tâm buộc phải đưa các cháu về và mời giáo viên đến dạy. Đến sáng 26/11, các cháu mới được nhận vào học. Tình trạng trẻ em bị từ chối nhập học cũng diễn ra tại nhiều địa phương.

Nhiều đại biểu cho rằng để ngăn chặn dịch HIV, vệc cần thiết hiện nay là phải giảm đối tượng nghiện ma túy, mại dâm.Theo Đại sứ Chatsis: "Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ trừng phạt tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm cũng không giải quyết được vấn đề cấp bách, mà điều cần thiết nhất hiện nay là phải tiếp cận những nhóm người này để hướng dẫn cho họ ý thức về việc phòng, tránh HIV/AIDS".

Bà Chatsis cũng nhận định Việt Nam có nhiều thế mạnh trong việc đẩy lùi HIV/AIDS như dẫn đầu trong việc hỗ trợ người cai nghiện, đưa thuốc Methadone vào điều trị. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, điều này tỷ lệ nghịch với sự hỗ trợ của quốc tế. Trong khi nguồn ngân sách này giảm thì Việt Nam cần tăng nguồn ngân sách cao hơn trước đây cho các hoạt động phòng chống ma túy.

Lo lắng đại dịch HIV/AIDS sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của dân tộc, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Sự đe dọa của dịch HIV không chừa bất cứ một địa phương nào. Do đó toàn dân phải tham gia mới thành công. Các địa phương phải chủ động nguồn ngân sách để cùng với ngân sách Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ,điều trị người nhiễm HIV để đạt được mục tiêu giảm số người nhiễm dưới 0,3% dân số".

Phó thủ tướng cũng phê bình 3 địa phương là Hậu Giang, Bến Tre và Thái Nguyên chưa làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS. Đồng thời yêu cầu các cấp, bộ, ngành, địa phương triển khai rộng rãi những mô hình hay vừa được tuyên dương, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài... phục vụ cho công tác đẩy lùi dịch AIDS.

Phó thủ tướng cho biết hiện Việt Nam đang có khoảng 20.000 người được điều trị bằng Methadone, hướng tới năm 2015, sẽ có 80.000 người được điều trị bằng phương pháp này. "Bây giờ không phải chỉ Bộ Y tế mà chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng có thể cấp phép cấp thuốc Methadone cho các địa phương. Không để bất cứ sự cố nào thông qua điều trị thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại