Đó là “công nghệ” chung ở khắp các làng nghề sản xuất hương nhang.
Về Cao Thôn (Hưng Yên), qua Thạch Thất, rồi xuống Đan Phượng (Hà Tây cũ), vào cả Tân Tạo (TPHCM)… đâu đâu cũng một cảnh tượng bụi bặm, mất vệ sinh cùng “công nghệ” dùng hóa chất độc hại để làm nhang, nhang càng thơm thì càng độc.
Chúng tôi tới thăm một xưởng sản xuất ở làng hương nhang Cao Thôn (Hưng Yên).
Vào bên trong xưởng, cảm giác đầu tiên đập vào mặt là bụi, bụi không thể tưởng tượng nổi, đến mức áo chúng tôi mặc sau 14 phút chuyển qua thành màu vàng. Tóc tai, mặt mũi vàng đen lẫn lộn.
Anh công nhân này bắt đầu nhúng chân nhang vào axit photphoric H3PO4:
Rồi bỏ ra giũ vài cái cho ráo axit.
Có những công nhân tẩm axit đã lâu ngày, chân tay bị axit ăn loang lổ, tóc biến màu đỏ quạch.
Tiếp theo là đưa ra lăn với bột mùn cưa nhuộm phẩm màu vàng đã được tẩm mùi thơm hóa chất sẵn:
Tới thôn Quảng Phú Cầu, huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ) - một nơi nổi tiếng khắp cả nước về nghề làm chân nhang, cũng vẫn một công nghệ tẩm axit H3PO4.
Còn đây là cảnh nhúng chân nhang với hóa chất tại thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Tây cũ.
Chân nhang chưa tẩm H3PO4 có màu trắng sáng tự nhiên, còn chân nhang đã tẩm H3PO4 ngả màu vàng đục.
Cho thử với giấy qùy, giấy quỳ đổi sang màu đỏ tía: chứng tỏ có axit trong chân nhang.
Trao đổi với TS Nguyễn Công Ngữ - Viện Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ NN-PTNT, ông cho biết: khi ngâm tăm nhang vào H3PO4 các hợp chất hữu cơ sẽ bị loại bỏ, H3PO4 sẽ kết hợp với xenlulo (thành phần chính của que tre, nứa) tạo thành estephotphat.
Sau khi được phơi khô, nước sẽ bay hơi, trên tăm nhang sẽ chỉ còn estephotphat. Khi đốt nhang, nhiệt độ sẽ làm cho estephotphat thăng hoa dưới dạng andihrit photphoric (P2O5) làm que nhang cháy nhanh hơn đồng thời kéo tàn nhang có hình cong tròn. Tuy nhiên, các chất khí được sinh ra trong quá trình đốt nhang sẽ có chất P2O5.
Về lâu dài, nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ làm mắt ngày càng mờ đi, thị lực giảm xuống, thậm chí có thể gây mù lòa, đường hô hấp như phổi cũng nhiều nguy cơ ung thư.
Theo Mạnh Thủy
VietNamNet