Điều đặc biệt là những người bị ngộ độc đều là ngư dân hay những người sống ven biển, tuy nhiên họ không để ý và không rõ về độc tính của các loài hải sản.
Ngộ độc vẫn chủ quan
Vụ ngộ độc đầu tiên do ăn bạch tuộc đốm xanh là anh Lê Hữu Nghĩa (46 tuổi), ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, làm nghề thu mua cá ở khu vực gần đảo Bạch Long Vỹ vào tối 27.3. Anh được vợ và các ngư dân khác đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa huyện đảo Bạch Long Vỹ, rồi chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng để tiếp tục điều trị.
Tiếp đó, vào tối 30.3, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (32 tuổi, ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) được gia đình hàng xóm cho 3 con so biển đã nấu chín. Chồng chị Nhung bị bệnh gút nên không ăn, 2 đứa con chỉ ăn mấy cái càng, chỉ có chị Nhung là ăn nhiều.
Sau khi ăn khoảng 2 giờ, chị Nhung có biểu hiện tê đầu lưỡi, tay chân co cứng, không duỗi ra được. Gia đình đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận Đồ Sơn rồi chuyển lên Bệnh viện Việt -Tiệp điều trị. Không chỉ chị Nhung bị ngộ độc mà chính vợ chồng hàng xóm cho chị Nhung món so biển cũng phải đi cấp cứu vì ngộ độc.
Vụ gần đây nhất là anh Nghiêm Danh Hiền (52 tuổi, ở tổ dân phố 2, Đồng Tiến 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn) và con gái Nghiêm Thị Uyên (16 tuổi) bị ngộ độc cũng do ăn con so biển ngày 5.4. Anh Hiền tử vong trên đường đi cấp cứu, còn con gái Nghiêm Thị Uyên được cấp cứu kịp thời nên thoát chết.
Chị Phạm Thị Tiến, vợ anh Hiền bần thần kể: “Hơn 10 năm đi làm chài thuê cho người ta, chồng tôi thường xuyên ăn so biển nên khi bị các triệu chứng ngộ độc so, hàng xóm khuyên đi viện nhưng chồng tôi cứ chủ quan bảo ngủ một giấc là khỏi. Đến khi lả đi, người nhà đưa đi cấp cứu thì đã muộn”.
Lơ mơ kiến thức…
Tiến sĩ Trần Thanh Cảng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội, Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng khẳng định: Chất độc tetrodotoxin của loài so biển tập trung ở trứng nên những trường hợp ngộ độc đều do ăn phải trứng của chúng. Người bị ngộ độc sau 30 phút đến 2 giờ sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, dãn đồng tử, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu. Hiện thế giới chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxin.
Thực tế ở Hải Phòng đã có 2 trường hợp ngộ độc con so biển và tử vong do không được cấp cứu kịp thời. “Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc so biển hay bạch tuộc đều có kiến thức lơ mơ về độc tố và chủ quan nên rất dễ tử vong” - tiến sĩ Cảng cho biết.
Anh Lê Hữu Nghĩa thì chia sẻ: “Tôi đi làm nghề biển hàng mấy chục năm nhưng không để ý loại hải sản nào có độc tố ở bộ phận nào. Bản thân chúng tôi cũng không thể phân biệt được loài nào an toàn, loài nào có độc tố nên dẫn đến ngộ độc”.
Anh Nghiêm Danh Hậu - em trai anh Hiền cũng thừa nhận thực tế: “Hầu hết người dân vùng biển Đồ Sơn từ bao lâu nay đều ăn so nhưng lại không nghĩ so độc đến thế. Có ai bảo chúng tôi, chỉ cho chúng tôi biết loài nào là loài có độc đâu mà chúng tôi biết”.
Ông Bùi Duy Dũng - Chủ tịch UBND phường Bàng La (Đồ Sơn) cho biết: “Từ trước đến nay, các buổi tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân chỉ dừng lại ở những kiến thức chung chung về nghề đánh bắt hải sản, an toàn lao động… còn việc phổ biến về những dấu hiệu nhận biết loài hải sản độc, dấu hiệu nhận biết ngộ độc hải sản và cách cấp cứu như thế nào thì hầu như mờ nhạt”.
Sau trường hợp anh Hiền bị chết vì ngộ độc so, quận Đồ Sơn và phường Bàng La đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, cảnh báo người dân cảnh giác không ăn so biển, nếu có ăn thì phải lựa chọn kỹ lưỡng, đồng thời hướng dẫn cách ăn bảo đảm không bị ngộ độc.