Tình trạng kẻ xấu dọa dùng kim tiêm ma túy hay nhiễm máu có HIV tấn công để trấn lột tài sản, khá phổ biến. Cũng không ít trường hợp nạn nhân sơ ý bị kim tiêm đâm trúng hoặc giẫm phải kim tiêm vứt bừa bãi bên ngoài. Không phải ai cũng biết cách xử lý đúng đắn để bảo vệ bản thân tránh nguy cơ bị nhiễm HIV.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thành Dũng, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, đa số các trường hợp do hoảng loạn nên hay cố nặn, bóp vết thương để đẩy máu, nhằm đẩy “virus HIV” ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt. Trên thực tế, cách làm này sẽ làm tăng diện tích vùng tổn thương, khiến nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Cần sơ cứu đúng cách khi bị kim tiêm đâm trúng để tránh nguy cơ HIV. Ảnh minh họa: skdd
Theo bác sĩ Dũng, cần phải hết sức bình tĩnh để xử lý vết thương kịp thời. Với những vết thương tổn thương da chảy máu, cần xối ngay vết thương dưới vòi nước trong vòng 5-10 phút, không nặn bóp vết thương mà phải để vết thương tự chảy máu. Cần phải rửa kỹ bằng xà phòng sát khuẩn và nước sạch.
Sau đó, nạn nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiến hành các thủ tục khám và xét nghiệm về mức độ phơi nhiễm HIV. Các thủ tục thăm khám làm xét nghiệm HIV hiện nay rất đơn giản, nhanh gọn và không tốn kém nhiều.
"Loại thuốc kháng virus HIV phải được dùng càng sớm càng tốt, từ 2 đến 6 giờ và trước 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm cho tất cả trường hợp phơi nhiễm có nguy cơ, đồng thời đánh giá tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm và người bị phơi nhiễm", bác sĩ Dũng cho biết.
Sau 72 giờ kể từ lúc bị phơi nhiễm HIV, các loại thuốc kháng virus hầu như không có hiệu quả. Với những trường hợp bị kim tiêm đâm trúng, thường khó có thể xét nghiệm nguồn gây phơi nhiễm, chỉ có thể tiến hành xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm.
Nếu người bị phơi nhiễm có xét nghiệm HIV dương tính, nghĩa là đã nhiễm HIV từ trước thì chuyển đến các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được theo dõi và điều trị như những người đã nhiễm HIV khác. Nếu người bị phơi nhiễm có nguy cơ và xét nghiệm HIV âm tính thì sẽ được tiến hành điều trị dự phòng sau phơi nhiễm theo hướng dẫn, với phác đồ điều trị hợp lý.
Một số lưu ý khi dùng thuốc kháng virus:
- Tuân thủ đúng lịch uống thuốc và làm đúng những yêu cầu trong quá trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Người bị phơi nhiễm sẽ được cung cấp các thông tin và được tư vấn thích hợp về dự phòng phơi nhiễm, lợi ích và nguy cơ.
- Trong quá trình dùng thuốc khánh virus sẽ có các tác dụng phụ của thuốc và triệu chứng của nhiễm trùng tiên phát như sốt, phát ban, buồn nôn hoặc nôn, thiếu máu, nổi hạch... Do đó, không tự ý ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua, với các trường hợp có các tác dụng phụ nặng cần đến ngay cơ sở y tế.
- Người bị phơi nhiễm có thể làm lây truyền HIV cho người khác dù xét nghiệm âm tính (thời kỳ cửa sổ). Vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Không được cho máu, phải có quan hệ tình dục an toàn, thực hành tiêm chích an toàn, và không cho con bú cho đến khi xác định hoặc loại trừ tình trạng nhiễm HIV.
- Các trường hợp HIV âm tính vẫn phải kiểm tra lại sau 1, 3 và 6 tháng.