Sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga: "Gấu Bắc cực" đang tỉnh giấc sau kỳ nghỉ đông

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sự trở lại mạnh mẽ của Nga sẽ mở ra một cục diện mới trong quan hệ quốc tế. Trật tự thế giới đơn cực của Mỹ đang chuyển nhanh sang thế giới đa cực mà không ai có thể ngăn cản được.

Răn đe quân sự

Ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp liên bang thường niên với sự tham gia đông đảo của các chính trị gia và chỉ huy quân sự hàng đầu của Liên bang Nga.

Trong thông điệp của mình, lần đầu tiên Tổng thống V. Putin đã tiết lộ một loạt vũ khí mới không nước nào có, trong đó có tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân RS-28 Sarmat với sức công phá gấp 400 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 và có thể bay tới bất cứ nơi nào trên trái đất mà không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đánh chặn.

Trong đoạn video mô phỏng tên lửa này dường như đang lao thẳng vào vịnh Tampa thuộc bang Florida, nơi đặt Bộ chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi.

Sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga:  Gấu Bắc cực đang tỉnh giấc sau kỳ nghỉ đông - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa tấn công vào địa điểm được cho là bang Florida, nước Mỹ. (Ảnh: BBC)

Điều đáng chú ý hơn là khi trình chiếu các loại tên lửa này trên một màn ảnh cực lớn tại hội trường, Tổng thống V. Putin đã khẳng định "Nga coi bất cứ một cuộc tấn công hạt nhân nào chống lại Nga và các đồng minh của Nga sẽ bị đáp trả ngay lập tức không do dự."

Đây là lần đâu tiên kể từ khi trở thành ông chủ của điện Kremlin, Tổng thống V.Putin đã đưa ra những tuyên bố mang tính thách thức như vậy làm cho các nhà quan sát cảm nhận về khả năng sắp xảy ra một cuộc chiến tranh nóng và một trong những đồng minh của Nga có thể bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Có thể hiểu một cách rõ ràng rằng ông V. Putin muốn gửi bức thông điệp này tới Mỹ. Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây đồng minh của Nga có thể bị tấn công là ai? Hiện nay cuộc xung đột Nga-Mỹ tập trung vào ba khu vực căng thẳng chính là Syria, Iran và Triều Tiên.

Syria, Iran đang trở thành nơi đối đầu giữa Nga và Mỹ. Hiện nay, Nga đã thiết lập hai căn cứ quân sự lớn tại Syria: căn cứ hải quânTartous và căn cứ không quân Hmeimim.

Tướng Alexander Venediktov, Phó Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nga cho biết Mỹ cũng đang xây dựng 20 căn cứ quân sự của mình tại các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân chủ Syria SDF của người Kurd thuộc Đông-Bắc Syria. Trong số các căn cứ quân sự này phải kể đến căn cứ không quân Tabqa và Tanif gần thành phố Raqqa.

Israel coi bất cứ sự có mặt quân sự nào của Iran trên lãnh thổ Syria không chỉ là mối đe doạ trực tiếp tới an ninh của Israel mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông và thế giới. Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tại Hội nghị an ninh Munich cuối tháng trước đã đe dọa "tấn công quân sự" chống Iran nếu cần.

TT Nga phô trương sức mạnh quân sự trong Thông điệp liên bang

Trong khi đó Tổng thống Donald Trump đang vận động Quốc hội, dư luận Mỹ và các nước đồng minh châu Âu hủy Thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran 14/7/ 2016. Một cuộc chiến tranh nếu nổ ra chống Syria và Iran, Mỹ chắc chắn sẽ đứng hoàn toàn về phía Israel.

Triều Tiên cũng là một điểm nóng trong quan hệ Nga-Mỹ. Triều Tiên đã thử nghiệm thành công các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa tấn công hạt nhân và tuyên bố sẽ xoá sổ Triều Tiên trên bản đồ thế giới.

Nga ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm vận Tiều Tiên nhằm ngăn cản nước này phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, nhưng Nga phản đối mạnh mẽ các hành động đe dọa quân sự của Mỹ chống Triều Tiên và chắc chắn sẽ không ngồi yên để Mỹ đánh Triều Tiên.

Việc phát triển các loại vũ khí mới này là nhằm đáp lại hành động của Mỹ triển khai và kích hoạt các hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Cộng hoà Czech và Rumania là những nước nằm sát biên giới với Nga và rút khỏi Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược START-3.

Việc Mỹ tuyên bố "Học thuyết hạt nhân mới" cũng đã buộc Nga phải tìm cách phát triển kho vũ khí của mình nhằm duy trì sự cân bằng sức mạnh chiến lược mà Mỹ đã phá vỡ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

"Gấu Bắc cực tỉnh giấc"

Thường thì Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang vào dịp cuối năm trước khi bước sang năm mới. Năm nay ông V. Putin đã chọn thời điểm 1/3 tức là trước cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức 17 ngày cho thông điệp liên bang của ông.

Việc ông V. Putin đưa ra các chương trình kinh tế đầy tham vọng và các tuyên bố mạnh mẽ về các loại vũ khí mới với mục tiêu cuối cùng là Mỹ chủ yếu là nhằm nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế, khôi phục lại vai trò siêu cường của Liên bang Xô Viết.

Sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga:  Gấu Bắc cực đang tỉnh giấc sau kỳ nghỉ đông - Ảnh 3.

Tuy nhiên, mặc dù tự tin sẽ thắng trong cuộc bầu cử ngày 18/3 tới, thông qua thông điệp này, ông V. Putin cũng muốn tranh thủ phiếu bầu của các cử tri Nga vốn luyến tiếc vị trí siêu cường của Liên Xô trước đây.

Có thể nói nước Nga ngày nay đã khôi phục lại được phần lớn các nhân tố sức mạnh của mình, trở thành một trong những nước lớn không thể xem thường trong quan hệ quốc tế.

Bức thông điệp mạnh mẽ chưa từng có của Tổng thống V. Putin thể hiện sự tự tin dựa vào sức mạnh quân sự hiện đại cho thấy con gấu Bắc cực đang tỉnh giấc sau kỳ nghỉ đông. Sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga sẽ mở ra một cục diện mới trong quan hệ quốc tế. Trật tự thế giới đơn cực của Mỹ đang chuyển mạnh mẽ sang thế giới đa cực không ai có thể ngăn cản được.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại