Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon

Bảo Nam |

Chính quyền bang California đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng về hình ảnh và quan hệ công chúng" khi lần lượt các ông lớn công nghệ xách vali rời khỏi Thung lũng Silicon.

Trong nửa thế kỷ qua, Thung lũng Silicon là trung tâm của sự đổi mới công nghệ ở Hoa Kỳ và thế giới. Nếu được tách riêng, đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 18 trên thế giới và bang California nơi chứa đựng nó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Nhưng giờ đây, Thung lũng Silicon đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng di cư" chưa từng có.

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, tuần trước đã có cuộc gọi điện riêng cho người đồng sáng lập kiêm CEO Airbnb là Brian Chesky cùng người đồng sáng lập kiêm CEO của nền tảng giao đồ ăn DoorDash là Tony Xu. Qua điện thoại, thống đốc chúc mừng hai doanh nhân về việc niêm yết công ty của họ gần đây, đồng thời muốn biết ý kiến ​​của họ về môi trường kinh doanh của các công ty khởi nghiệp ở California. Trước sự hài lòng của Newsom, cả hai doanh nhân đều đảm bảo với thống đốc rằng: Họ sẽ không rời California!

Cuộc khủng hoảng hình ảnh ở Thung lũng Silicon

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 1.

Rõ ràng các thông tin xung quanh cái gọi là "Cuộc di cư của Thung lũng Silicon" (Silicon Valley Exodus) thời gian qua đã khiến thống đốc Newsom có ​​chút không yên tâm. Bởi chỉ trong vài tháng, một loạt các tỷ phú công nghệ, nhà đầu tư mạo hiểm và thậm chí cả các công ty lớn đều lần lượt chuyển nhà cửa, văn phòng, trụ sở khỏi Thung lũng Silicon. Một số cái tên có thể kể đến như Tesla, Oracle, HP, Palantir... Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Musk, Ellison và David Karp (đồng sáng lập kiêm CEO của Palantir) cũng đã rời đi.

Chính quyền bang California đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng về hình ảnh và quan hệ công chúng". Elon Musk, chủ tịch kiêm sáng lập Tesla và SpaceX thậm chí trước khi đi còn công khai chỉ trích mức thuế cao của chính quyền địa phương cùng các quy định ngặt nghèo. Ông nói rằng: "California giống như một đội chiến thắng và dường như đang coi mọi thứ là đương nhiên. Họ không phải lúc nào cũng có thể giành chiến thắng."

Trước những tình huống này, Newsom rõ ràng muốn lắng nghe thêm nhiều quan điểm hơn của giới doanh nghiệp. Mặc dù các công ty đều rời California hàng năm, nhưng những công ty di cư gần đây lại đều là những công ty mang tính biểu tượng. Tesla hiện là công ty ô tô năng lượng mới nổi tiếng nhất nước Mỹ và thế giới. Mặc dù lượng xe xuất xưởng trong năm nay chỉ là 500.000 chiếc, chưa bằng một phần nhỏ so với các công ty xe hơi truyền thống, nhưng giá cổ phiếu của hãng đã tăng gấp 7 lần và giá trị thị trường hiện tại hơn 600 tỷ USD. Elon Musk cũng đã trở thành người giàu thứ hai thế giới với gia tài hơn 130 tỷ USD.

Và để thể hiện sự phản đối cao độ với chính quyền California, Musk đã chọn Austin, thuộc bang Texas, để xây dựng nhà máy lắp ráp thứ hai của Tesla tại Mỹ và nhận được khoản giảm thuế lên tới 46 triệu USD từ chính quyền địa phương. Đồng thời, Musk cũng thông báo rằng trụ sở của Space X cũng sẽ chuyển từ Los Angeles đến Texas, nơi có cơ sở lắp ráp và phóng tên lửa của họ.

HP cũng là một ví dụ điển hình, được ví như một "hóa thạch sống" đã chứng kiến ​​lịch sử của cả Thung lũng Silicon. Được thành lập vào năm 1939, công ty CNTT kỳ cựu này là nơi khởi nguồn của văn hóa ga-ra ở Thung lũng Silicon và là niềm khao khát của Steve Jobs khi còn trẻ. Vị thế của nó ở Thung lũng Silicon cũng giống như Apple hiện tại.

Còn Oracle, được thành lập hơn 40 năm trước, là công ty lớn thứ hai trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp của Mỹ. Người sáng lập Larry Ellison, 76 tuổi, hiện sống ẩn dật trên hòn đảo Lanai ở Hawaii sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nơi ông đã mua tới 97% diện tích đất công.

Mặc dù "di cư khỏi Thung lũng Silicon" đã trở thành một cụm từ nóng trong các báo cáo, nhưng việc các công ty công nghệ chuyển địa điểm đến Texas không phải là hiện tượng chỉ xuất hiện trong năm nay. Trong 10 năm qua, Intel, AMD, Dell, Hewlett-Packard, Oracle và hàng chục công ty công nghệ khác ở Thung lũng Silicon đã xây dựng các khuôn viên ở Austin, Texas và những nơi khác. Đối với Oracle, cái gọi là "chuyển trụ sở chính" lần này chỉ là thay đổi đăng ký trụ sở từ thành phố Redwood, ở Thung lũng Silicon sang địa chỉ của cơ sở tại Austin.

Lợi ích thực sự đằng sau việc di cư

Đối với chính quyền California, việc các công ty bỏ đi là một điều đáng xấu hổ, và việc họ chuyển đến Texas là một sự ô nhục gấp đôi.

California và Texas là hai bang có nền kinh tế và dân số lớn nhất nước Mỹ, giữa hai bên luôn có những cuộc đấu tranh công khai và bí mật. Về các chính sách và giá trị kinh tế, California và Texas cũng là hai cơ sở chính của các đảng Dân chủ và Cộng hòa, nơi giương cao ngọn cờ của cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ. Chính quyền California ủng hộ mô hình châu Âu về thuế cao và các quy định ngặt nghèo, trong khi chính phủ Texas ủng hộ mô hình chính phủ với mức thuế thấp và quy định đơn giản.

Vậy, tại sao các công ty công nghệ chuyển ra khỏi California và đến các công viên mới ở Texas? Các công ty không quan tâm đến vị trí chính trị, họ quan tâm đến lợi ích thực tế. Các công ty công nghệ đã xây dựng các khu học xá mới ở Austin vì Texas có mức thuế thấp hơn và có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

Austin, thủ phủ của bang Texas, có danh hiệu là "Silicon Mountain", đang cố tái tạo khung cảnh sống động của một Thung lũng Silicon thu nhỏ, là vùng đô thị phát triển nhanh nhất Hoa Kỳ. Năm ngoái, Apple cũng tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào đây để xây dựng một khuôn viên mới có thể chứa 15.000 nhân viên. HP chuyển đến Houston, Texas từ rất lâu trước khi công ty thông báo dời trụ sở chính.

Thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất của tiểu bang California là 8,84%, trong khi mức cao nhất ở Texas là 0,75%. Chi phí lao động và đất đai ở Texas cũng thấp hơn đáng kể so với California. Theo thống kê năm ngoái của Joe Vranich, một chuyên gia về di dời doanh nghiệp, có tổng cộng 13.000 công ty đã rời California trong 8 năm qua, việc chuyển từ California đến Texas có thể tiết kiệm tới 30% chi phí hoạt động.

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 2.

Cơ sở tại Austin của Oracle mở cửa vào năm 2018, khi nó được lên kế hoạch có hơn 10.000 nhân viên. Theo cam kết của Oracle với chính quyền địa phương, mức lương trung bình của nhân viên trong khuôn viên Austin sẽ đạt 67.000 USD vào năm 2020, và theo dữ liệu của Glassdoor, mức lương trung bình của nhân viên tại trụ sở Oracle tại Thung lũng Silicon là 115.000 USD. Tesla thì hứa với chính quyền địa phương về việc nhà máy Austin sẽ giải quyết 5.000 việc làm, nhưng mức lương khởi điểm chỉ là 35.000 USD, tức chỉ bằng một nửa so với nhà máy ở California.

Do đó, cần phải hiểu rằng những công ty được gọi là "di cư khỏi Thung lũng Silicon" này chỉ thay đổi trụ sở chính của họ từ Thung lũng Silicon sang Texas để được hưởng mức thuế thấp của Texas. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ đóng cửa trụ sở tại Thung lũng Silicon và chuyển tất cả nhân viên ở California đến Texas. Điều này cũng có nghĩa là Oracle và Tesla vẫn cần tiếp tục phải trả cho chính phủ California thuế bất động sản và thuế trả lương cho nhân viên.

Giá nhà đắt đỏ ở Thung lũng Silicon

Đối với các giám đốc điều hành và nhân viên của các công ty công nghệ, chuyển đến Texas cũng mang lại lợi nhuận rất thực tế. California có thuế thu nhập tiểu bang cao nhất ở Hoa Kỳ (lên đến 13,3%) và thuế thu nhập vốn cao nhất (cũng 13,3%). Texas chỉ đơn giản là không có hai loại thuế này.

Năm nay, do giá cổ phiếu Tesla tăng vọt, Elon Musk, người có tài sản tăng vọt lên 100 tỷ USD, đã chuyển từ California đến Texas. Lợi ích thực tế nhất là ông đã tiết kiệm hơn một tỷ USD tiền thuế.

Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh và doanh thu của chính phủ sụt giảm, chính quyền California vẫn đang có kế hoạch tiếp tục tăng mức thuế thu nhập đối với nhóm thu nhập cao. Theo số liệu của Bộ Tài chính California, 45% thu nhập từ thuế thu nhập cá nhân của California đến từ 1% những người giàu có. Sự ra đi của những người siêu giàu như Musk và Ellison đồng nghĩa với việc chính quyền California đã mất một lượng lớn nguồn thu từ thuế thu nhập.

Đối với những người bình thường, chuyển đến Texas có nghĩa là chất lượng cuộc sống được cải thiện trực tiếp. So với California, chi phí sinh hoạt ở Texas thấp hơn và giá nhà ở cũng rẻ hơn rất nhiều. Lấy ví dụ về dữ liệu doanh số bán nhà vào tháng 10 năm nay, giá trung bình của một căn nhà dành cho một gia đình ở Hạt Santa Clara, Thung lũng Silicon là 1,44 triệu USD. Trong khi con số này ở Hạt Travis, thuộc Austin, Texas, chỉ là 430.000 USD.

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 3.

Trang mạng xã hội nghề nghiệp ẩn danh Blind đã thực hiện một cuộc khảo sát hơn 1.500 người làm việc trong ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon vào đầu tháng này. Hơn 60% số người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng chuyển nơi làm việc. 58% nhân viên của "bộ ngũ" FAANG ( Facebook , Google , Apple, Amazon và Netflix ) sẵn sàng chuyển công tác.

Mặc dù đại dịch đã gây ra sự suy giảm mạnh trong nền kinh tế Mỹ, nhưng nó không ảnh hưởng đến tốc độ tăng giá nhà đất ở Thung lũng Silicon. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh đã làm tăng giá trị đáng kể tài sản của những nhân viên nắm giữ cổ phiếu trong các công ty công nghệ. Việc niêm yết của một số công ty khởi nghiệp mới một lần nữa lại tạo ra hàng chục triệu tỷ phú USD. Và vào tháng 10 năm nay, giá nhà trung bình ở Hạt Santa Clara vẫn tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục đạt mức cao mới.

Bị thúc đẩy bởi áp lực cuộc sống thực tế, người dân California cũng đã đổ xô đến Texas. Thống kê từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy 86.000 người đã chuyển từ California đến Texas trong năm 2018, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi số người chuyển từ Texas đến California trong cùng năm là 38.000 người. Khi chính người dân California cũng không thể chịu được thuế cao và giá nhà ở cao, Texas luôn là địa điểm ưa thích của họ để chuyển đến, tiếp theo là bang Arizona và Washington State. Số người California chuyển đến hai tiểu bang này trong năm 2018 lần lượt là 68.000 và 55.000 người.

Sự đáng sợ của các công đoàn tại California

Sự giám sát chặt chẽ cũng là một trong những lý do khác khiến các công ty chọn tránh xa California.

Xung đột giữa Elon Musk và chính quyền California là một ví dụ. Vào đầu tháng 5 năm nay, Elon Musk đã bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương để khởi động quá trình sản xuất Model 3 tại nhà máy Tesla. Vì vị thế "ngôi sao" của Musk và Tesla, chính quyền California đã mắt nhắm mắt mở chấp nhận hành vi vi phạm của tỷ phú công nghệ này mà không hề trừng phạt.

Mặc dù vậy, Musk vẫn tuyên bố sẽ chuyển Tesla và Space X đến Texas. Sau khi so sánh Austin và Oklahoma cùng các thành phố khác, Musk đã chọn Austin để xây dựng một siêu nhà máy mới. Chỉ vài tuần sau khi ông và thống đốc Texas cùng công bố dự án, nhà máy tại Austin đã bắt đầu được xây dựng.

Tốc độ này là điều không thể thực hiện ở California. Nếu là ở California, việc xây dựng một nhà máy lớn có thể bị khởi kiện bởi các cơ quan bảo vệ môi trường và cư dân địa phương, sau đó sẽ phải trải qua quá trình kiện tụng kéo dài hai năm trước khi chính thức bắt đầu. Về vấn đề bảo vệ môi trường, California là chính quyền có nét giống với Châu Âu nhất. Mới đây, dự án siêu nhà máy của Tesla tại Đức cũng bị tòa buộc dừng hoạt động vì lý do bảo vệ môi trường do phá rừng.

Jim Wunderman, chủ tịch của Hội đồng Vùng Vịnh (Bay Area Council), cho biết: "Các cơ quan quản lý của California rất khó đối phó. Không chỉ thủ tục dài mà còn tốn kém. Mặc dù nhiều công ty và doanh nhân đang nói về những vấn đề này, nhưng hiện tại họ đang nghĩ đến việc rời đi ngay bây giờ, và xu hướng làm việc từ xa do đại dịch đã thúc đẩy họ rời khỏi đây."

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 4.

California cũng có luật lao động nghiêm ngặt nhất Hoa Kỳ. Quyền lợi của tổ chức công đoàn thường được ưu tiên. Do từ chối thành lập công đoàn và yêu cầu làm thêm giờ trong thời gian dài, nhà máy Tesla đã phải hứng chịu sự phản đối của các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ngược lại, luật lao động của Texas thân thiện hơn với doanh nghiệp.

Được thúc đẩy bởi sức mạnh của công đoàn, năm ngoái, Hội đồng California đã ban hành luật yêu cầu những người khổng lồ trong lĩnh vực chia sẻ xe như Uber phải đối xử với các tài xế đã ký hợp đồng với nền tảng là nhân viên toàn thời gian, để cung cấp các quyền lợi bảo hiểm phúc lợi. Luật này đã bị phản đối mạnh mẽ bởi Uber và các công ty trong nền kinh tế chia sẻ khác. Họ đã không ngần ngại đấu tranh với chính quyền California và đe dọa đóng cửa các hoạt động tại bang California.

Sau khi chi hơn 200 triệu USD để vận động hành lang, những gã khổng lồ của nền kinh tế chia sẻ này cuối cùng đã được miễn trừ quy định trên, trong cuộc trưng cầu dân ý đầu năm nay. Trên thực tế, nếu cuộc trưng cầu không thành công, có thể Uber, Lyft và Doordash hiện đang xem xét việc chuyển đến Texas.

Đa dạng hóa cũng là áp lực pháp lý mà các công ty ở California phải đối mặt. Theo luật năm 2018 của California, ban giám đốc của các công ty niêm yết có trụ sở tại California phải bao gồm ít nhất hai phụ nữ vào cuối năm sau. Tương tự, các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc rằng thành phần nhân viên của họ không đa dạng về sắc tộ. Nhiều công ty đã công khai hứa sẽ tuyển dụng nhân viên gốc Phi và La tinh để tạo ra không gian nghề nghiệp lớn hơn cho họ.

Lập trường chính sách khó thay đổi

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 5.

Gavin Newsom.

Mặc dù thống đốc Newsom rất coi trọng các vấn đề gần đây khi các công ty công nghệ rời Thung lũng Silicon, ông cũng đã chủ động liên hệ với các doanh nhân để tìm hiểu quan điểm của họ, nhưng có những lý do thực sự khiến Newsom và chính quyền California không thể giải quyết được.

Thống đốc không có khả năng và sẵn sàng thay đổi chính sách vốn được quản lý chặt chẽ. Đảng Dân chủ cũng không thể phớt lờ yêu cầu của các liên đoàn lao động và việc tiếp tục tăng giá nhà đất cũng sẽ giúp chính quyền địa phương tăng thu ngân sách (dựa trên thuế bất động sản hàng năm).

Chừng nào những vấn đề này vẫn không thay đổi, nhiều công ty và người dân vẫn sẽ chọn rời California và chuyển đến những nơi như Texas hoặc Florida với thuế thấp và giá nhà đất thấp. Mặc dù Thung lũng Silicon đã là trung tâm công nghệ của Hoa Kỳ trong 50 năm qua, vấn đề thực sự là làn sóng khởi nghiệp trên Internet và Internet di động trong hai thập kỷ qua.

Trong làn sóng khởi nghiệp tạo ra sự giàu có này, hàng loạt người giàu mới nổi đã trực tiếp đẩy giá nhà ở và chi phí sinh hoạt ở khu vực Vịnh San Francisco lên cao, khiến cư dân địa phương trong các ngành công nghiệp phi công nghệ không thể mua nổi và buộc phải rời đi. Cư dân địa phương bất lực hướng sự tức giận của họ vào những gã khổng lồ công nghệ và tiếp tục phản đối các công ty này. Áp lực bỏ phiếu của họ cũng khiến các chính trị gia đảng Dân chủ tăng gánh nặng thuế lên các công ty công nghệ và những cá nhân giàu có được trả lương cao.

San Francisco, phần cực bắc của Thung lũng Silicon, đã trở thành một trong những thành phố phân cực rõ ràng nhất của Hoa Kỳ. Một mặt, giá nhà và tiền thuê nhà tăng cao, một số lượng lớn người giàu mới nổi chuyển đến và những cư dân cũ buộc phải chuyển ra ngoài. Đó là lý do đã xảy ra các vấn đề nghiêm trọng về an ninh xã hội như trộm cắp, ma túy và cướp giật.

Quá trình ngoại bang hóa này có thể là một cuộc khủng hoảng mà mọi khu vực đô thị thịnh vượng đều phải đối mặt. Bất động sản tăng giá mạnh chắc chắn sẽ dẫn đến mất tính đa dạng xã hội và mất dân số. Dân số của khu Vùng Vịnh San Francisco chỉ tăng 0,42% vào năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Theo dữ liệu của chính quyền California, tốc độ tăng dân số của 5 quận trong Khu vực Vịnh San Francisco đã giảm mạnh từ 102.000 người vào năm 2013 xuống còn 38.000 người vào năm 2018. Hơn nữa, dân số mới trong Vùng Vịnh gần như hoàn toàn là từ những người nhập cư nước ngoài, và số lượng cư dân địa phương chuyển ra khỏi Vùng Vịnh vượt xa dân số của các vùng khác của Hoa Kỳ chuyển đến Vùng Vịnh.

Hơn nữa, xu hướng làm việc từ xa do dịch bệnh mang lại đã thực sự giải phóng nhiều người trẻ ở Thung lũng Silicon. Họ không còn phải chịu giá thuê cao mà thay vào đó có thể chọn chuyển đến các khu vực có chi phí thuê và sinh hoạt thấp hơn như Sacramento và Reno, Nevada. Họ vẫn có thể lái xe đến công ty trong vài giờ ngay cả khi cần có mặt tại nơi làm việc. Trong sáu tháng qua, giá thuê nhà ở San Francisco đã giảm 7%.

Thung lũng Silicon vẫn là trung tâm của tinh thần kinh doanh

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 6.

Tuy nhiên, liệu Thung lũng Silicon có mất vị thế là trung tâm của sự đổi mới công nghệ Mỹ vì quá trình di cư này?

Trong vài thập kỷ qua, ngành công nghệ đã luôn không ngừng tìm kiếm các cơ sở kinh doanh mới. Silicon Mountain, Silicon Beach, Silicon Prairie, Silicon Port, Silicon Lane... và nhiều cái tên mới khác bắt chước Silicon Valley. Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm công nghệ mới nổi này không ảnh hưởng đến vị thế trung tâm công nghệ của Thung lũng Silicon. Năm 2015, 20% bằng sáng chế của Mỹ vẫn đến từ Khu vực Vịnh San Francisco.

Dưới làn sóng "di cư khỏi Thung lũng Silicon" trong vài năm qua, dân số của Vùng Vịnh San Francisco vẫn đang tăng trưởng dù có chậm lại. Bởi những người nuôi ước mơ khởi nghiệp và thành công vẫn đến đây.

Ngay cả Elon Musk, người đã tấn công chính quyền California, vẫn đặt các bộ phận R&D của Tesla và Space X ở Thung lũng Silicon và Los Angeles. Phát biểu của Musk cũng gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trong ngành công nghệ. Những doanh nhân đã rời California và chuyển đến Texas chắc chắn đã bày tỏ sự đồng thuận với Musk, nhưng cũng có một số người đã lên tiếng chống lại ông.

Joe Matthews, một người nổi tiếng trong giới truyền thông California, đã viết một bình luận trên tờ Los Angeles Times vào tuần trước để cảm ơn việc "Texas đã đưa Musk đi", một cách châm biếm. Ông cáo buộc Elon Musk đã tận hưởng nhiều chính sách của California trong việc hỗ trợ sự đổi mới và năng lượng mới để đạt được thành công, nhưng sau đó đã giũ áo ra đi theo cách riêng của chính mình. Ông cho rằng Musk đã không biết ơn mọi thứ mà California đã tạo ra, thậm chí công khai phá hoại California và công tác phòng chống dịch bệnh tại bang này, không ngần ngại hy sinh sức khỏe của người lao động để đạt được mục tiêu kinh doanh.

Jeff Lawson, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Twilio, một công ty điện toán đám mây với giá trị thị trường gần 60 tỷ USD, cũng nói một cách hoa mỹ rằng California có nhiều vấn đề như giá nhà cao và thuế nặng. Ông hiểu những người rời California vì gia đình và cuộc sống của họ. Nhưng Thung lũng Silicon cũng cung cấp cho các doanh nhân môi trường tốt nhất (đầu tư mạo hiểm, địa chỉ liên hệ, văn hóa, tài năng, các vườn ươm, những người cố vấn), vẫn ươm mầm những công ty công nghệ sáng tạo và thành công nhất thế giới, đồng thời cũng tạo ra nhiều tỷ phú.

Theo quan điểm của Lawson, những doanh nhân đã trở thành tỷ phú vì Thung lũng Silicon này không nên rời California để được giảm thuế. Sớm muộn gì họ cũng sẽ bỏ rơi Austin, bởi họ là những người chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Lawson đã kêu gọi các CEO của các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon công khai cam kết sẽ ở lại vùng Vịnh San Francisco và đầu tư vào việc xây dựng các cộng đồng ở đây để giúp đỡ những người ở dưới đáy vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.

Tin vào những giấc mơ trẻ

Sự thực phía sau những cuộc di cư khỏi Thung lũng Silicon - Ảnh 7.

Theo Molly Turner, giảng viên về công nghệ và xã hội tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học Berkeley, California, thì các công ty luôn phàn nàn rằng môi trường kinh doanh ở California không đủ thân thiện trong cả vài thập kỷ qua. Điều này chắc chắn sẽ chưa dừng lại.. Nhưng California đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục thu hút các doanh nhân. Musk, Ellison và những người khác rời California chỉ để tránh thuế.

Vốn đầu tư mạo hiểm vẫn đang tập trung trên những ngọn đồi của Thung lũng Silicon, và các tài năng công nghệ cao vẫn đang đổ về Thung lũng Silicon. Miễn là môi trường đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon không thay đổi, thì rất khó có thể kiếm được nơi nào tốt hơn trên thế giới để khởi nghiệp. Ngay cả các công ty công nghệ lớn hiện tại đã rời khỏi Thung lũng Silicon hầu hết đều là các công ty CNTT đã thành lập nhưng đang phát triển chậm lại, còn các công ty Internet mới nổi vẫn chưa rời khỏi Thung lũng Silicon.

Trong cuộc gọi với Thống đốc Newsom, tỷ phú trẻ Chesky đã đảm bảo rằng anh và Airbnb sẽ không rời California. Theo quan điểm của Chesky, mặc dù một số doanh nhân nổi tiếng và những gã khổng lồ công nghệ gần đây đã rời khỏi Thung lũng Silicon, nhưng đây vẫn là trung tâm của tinh thần kinh doanh và đổi mới của Mỹ. Tony Xu của Doordash cũng hứa như vậy với Newsom.

"Khi đến San Francisco, tôi rất xúc động trước nền văn hóa độc đáo ở đây, người dân ở đây tin rằng mọi thứ đều có thể xảy ra và họ sẵn sàng tin vào những ý tưởng điên rồ của một thanh niên 26 tuổi và hai người bạn của anh ấy. Những người xa lạ sống cùng nhau. Nếu không có những người tôi gặp ở California, tôi không nghĩ mình có thể thành công". Chesky sau đó chia sẻ trên Twitter.

Chesky đến từ một thành phố nhỏ ở trung tâm New York, cha mẹ anh là nhân viên xã hội. Năm 2007, ở tuổi 26, anh đến San Francisco để tìm một công việc trong ngành thiết kế công nghiệp. Vì không đủ tiền thuê nhà giá cao ở San Francisco, anh chỉ có thể ở chung một căn hộ với bạn bè. Tại Hội nghị Thiết kế Công nghiệp San Francisco vào tháng 10/2007, hầu như tất cả các khách sạn đều kín chỗ, Chesky, người muốn kiếm thêm một ít tiền, đã mua một chiếc nệm bơm hơi và chia sẻ căn hộ của mình với những người lạ. Đây là khởi nguồn cho tinh thần kinh doanh của Airbnb (Airbnb chính là sự kết hợp giữa nệm hơi và bữa sáng).

Đầu năm 2008, Chesky và hai người bạn cùng phòng đồng sáng lập Airbnb. Đến tháng 8 năm đó, trang web công ty chính thức ra mắt với mục đích cung cấp lựa chọn qua đêm giá rẻ cho những người trẻ không đặt được khách sạn hoặc rủng rỉnh túi tiền. Họ sớm gia nhập Y Combinator, vườn ươm khởi nghiệp của cố vấn khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm Paul Graham, sau đó nhận được khoản đầu tư hạt giống từ Sequoia Capital.

Sau 12 năm kinh doanh, Airbnb đã có mặt trên sàn Nasdaq, với giá trị thị trường hiện đạt 100 tỷ USD. Chesky chính là minh chứng cho một thanh niên tới từ thị trấn nhỏ, trở thành người siêu giàu có với giá trị tài sản ròng hơn chục tỷ USD, tại Thung lũng Silicon.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại