Sự thực dụng đang lên ngôi ở Barcelona

Trần Dũng |

Chủ nghĩa thực dụng là cụm từ xuất hiện ngay trong đầu các bình luận viên có mặt tại sân José Alvalade, vào lúc các ngôi sao của Barcelona đã sẵn sàng để chờ tiếng còi khai cuộc từ trọng tài Ovidiu Haţegan.

Trên lý thuyết vào lúc đó, Sergi Roberto sẽ là tiền đạo thứ 3, cùng với Leo Messi và Luis Suarez lĩnh xướng hàng công.

Nhưng trên thực tế, sơ đồ chiến thuật mà Ernesto Valverde sử dụng ở trận này phải là 4-4-1-1, với tiền đạo người Uruguay đá trung phong duy nhất, ở phía trên Leo Messi, người đóng vai trò tự do hơn ở một nửa phần sân của đội chủ nhà Sporting Lisbon, và Sergi Roberto lùi về tuyến giữa để trở thành tiền vệ thứ 4 bên cạnh Ivan Rakitic, Andres Iniesta và Sergio Busquets.

Về cuối trận, như chúng ta đã biết, HLV người Extremadura rút luôn Luis Suarez và Andres Iniesta khỏi sân, để lấy chỗ cho Paulinho và Andre Gomes.

Một mặt vì đội bóng Bồ Đào Nha đã chơi rát hơn, gây sức ép và bẻ gẫy tuyến giữa của Barcelona, khi đội trưởng Iniesta đã xuống sức, và cánh trái của Jordi Alba không giữ được sự an toàn. Nhưng mặt khác, Ernesto Valverde luôn muốn tăng thêm những mẫu cầu thủ có xu hướng phòng ngự vào sân để kiểm soát khu trung tuyến và khép chặt các khoảng trống xuất hiện sau lưng hàng tiền vệ.

Đây không phải là lần đầu tiên HLV 53 tuổi này sử dụng cách chơi với nhiều tiền vệ ở giữa sân để tăng chất thép cho hệ thống phòng ngự, mà ông luôn đề cao sự an toàn trên phần sân nhà từ đầu mùa.

Hoặc đó là cách để bồi đắp nền tảng chơi bóng cho Barcelona, hoặc đó là cách ứng phó với sự xuống phong độ của Gerard Pique, cũng như khả năng tấn công ở hai cánh bị giảm đi sau sự chia tay của Neymar.

Ernesto Valverde, người được ban lãnh đạo câu lạc bộ xứ Catalunya lựa chọn để trở lại với triết lý tấn công mà cố huyền thoại người Hà Lan Johan Cruyff đã truyền bá trong vài thập kỉ qua, dường như đã cố công để cấy thêm vào DNA của những cầu thủ một chút của thứ bóng đá phòng ngự, dựa trên nền tảng pressing, vốn được ông sử dụng triệt để thời cầm Espanyol và Athletic Bilbao.

Nhưng dường như có sự khác biệt một chút giữa cách pressing thời Valverde với Pep Guardiola.

Trong khi Pep muốn hạn chế tối đa thời gian mất kiểm soát bóng của Barcelona, giành lại bóng thật nhanh để tổ chức các đợt tấn công, thì với Valverde, cách presing của đội bóng xứ Catalunya là để hạn chế những khoảng trống, tránh những rủi ro xuất hiện bên phần sân nhà.

Sự khác biệt dù là rất nhỏ này, cũng đã làm nảy sinh vấn đề lớn hơn: Chất lượng chơi bóng của Barca đã bị giảm sút ngày càng nhiều kể từ năm 2012.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại