Lời thú nhận của Flynn
Công việc của điều tra viên đặc biệt Robert Mueller về những mối liên hệ của cộng sự Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả cá nhân ông Trump với Nga liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái ở Mỹ có được bước ngoặt quyết định với lời tự thú của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Người này thú nhận là đã nói dối Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về những lần liên hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ và xác nhận đã làm việc ấy theo chỉ thị của cấp còn cao hơn trong đội quân ở xung quanh ông Trump. Sự hợp tác bất ngờ này của ông Flynn với ông Mueller là kết quả của thoả hiệp giữa hai bên giúp ông Flynn tránh bị kết án tù nhiều năm.
Nó làm cho sự thật về những cáo buộc dai dẳng ở Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ để giúp ông Trump đắc cử sẽ dần được sáng tỏ và đẩy ông Trump và cộng sự vào tình thế ngày càng thêm khó khăn và khó xử cả về chính trị nội bộ lẫn pháp lý.
Ông Trump lại còn tự mắc bẫy khi tuyên bố trên Twitter rằng "sa thải tướng Flynn vì đã nói dối FBI". Ông Flynn từ chức hôm trước thì hôm sau ông Trump đề nghị Giám đốc FBI khi ấy là James Comey - người sau đó không lâu cũng bị ông Trump sa thải - đừng điều tra, truy cứu ông Flynn. Ông Comey không nghe nên đã bị mất chức.
Tất cả những điều ấy tạo cảm giác ông Trump đã biết từ đầu cả việc ông Flynn tiếp xúc với phía Nga lẫn không nói đúng sự thật với FBI. Nếu những điều này rồi đây được ông Mueller chứng minh thì tình thế sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với ông Trump.
Hiện tại, ông Mueller chưa có được bằng chứng cụ thể mà mới chỉ có được sự hợp tác của nhân chứng quan trọng nhất là ông Flynn. Nhưng chắc chắn ông Mueller đã phải tin tưởng như thế nào về khả năng bắt được con cá lớn hơn nhiều nên mới đồng ý thoả hiệp với ông Flynn
Sự thật dần hé lộ
Sự tự thú của ông Flynn về phương diện pháp lý ở Mỹ mới chỉ liên quan đến bộ luật Logan có từ năm 1799.
Theo đó, cá nhân và tổ chức ở Mỹ không được tiếp xúc, đàm phán và thoả thuận với nước ngoài nếu không có sự đồng ý của chính phủ đương nhiệm về những xung khắc lợi ích với nước Mỹ và nhằm tác động vào chính sách của nước ngoài đối với nước Mỹ. Còn có thể hiểu là luật này cấm người sắp nhậm chức Tổng thống Mỹ thực thi chính sách đối ngoại riêng.
Michael Flynn thời còn đương nhiệm. Ảnh: Reuters
Ông Flynn đã vi phạm luật này khi trao đổi với đại sứ Nga ở Mỹ để thuyết phục Nga không trả đũa biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Barack Obama quyết định, cũng như ngăn cản Nga đưa ra một dự thảo nghị quyết bất lợi cho Israel trước HĐBA LHQ, nhưng lại làm những việc này trong khoảng thời gian từ sau khi ông Trump đắc cử đến trước khi chính thức nhậm chức.
Những ai đã chỉ thị cho ông Flynn hành động và biết về việc này cũng như việc ông Flynn lừa dối FBI, kể cả ông Trump, thì đều có thể bị khép vào tội "cản trở thực thi pháp luật".
Chứng minh được những điều ấy, ông Mueller có thể đưa tới cho ông Trump những rắc rối pháp lý với Quốc hội Mỹ, và những cộng sự liên quan của tổng thống cũng khó tránh khỏi liên đới.
Sự tự thú và hợp tác của ông Flynn có thể đưa đến những hậu quả và hệ luỵ khôn lường về chính trị nội bộ và pháp lý đối với chính quyền hiện tại của ông Trump.
Ông Mueller còn có thể đi xa hơn thế.
Michael Flynn khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa ông Trump và cộng sự với Nga. Điều này chẳng khác nào củng cố những cáo buộc dai dẳng lâu nay ở Mỹ về việc Nga đã can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ có tác động trong việc ông Trump đắc cử.
Điều này có thể làm nước Mỹ rúng động thực sự về mọi phương diện. Và cả Nga cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tai hại.
Trước mắt có thể rút ra được 3 điều từ mức độ diễn biến hiện tại của chuyện này.
Thứ nhất, từ nay, ông Trump không còn có thể coi mọi cáo buộc lâu nay là "Fake News" (tin tức thất thiệt) được nữa và chắc chắn những gì vừa mới sáng tỏ trong vụ Flynn mới chỉ là một phần nhỏ của sự thật.
Thứ hai, ông Trump không còn có thể ngăn cản công cuộc điều tra của ông Mueller được nữa. Người này đã trở thành một mối đe doạ thật sự và rủi ro lớn đối với quyền lực của ông Trump và an nguy của không ít cộng sự thân cận của ông Trump.
Thứ ba, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga càng khó bình thường trở lại. Dẫu có muốn khởi động lại mối quan hệ với Nga, thì bây giờ ông Trump cũng lực bất tòng tâm.