Theo chuyên san National Interest của Mỹ, vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh , NATO không đuổi kịp Liên Xô khi đó đã sở hữu khoảng 300 tàu ngầm diesel-điện và các tàu ngầm hạt nhân.
Các chiến lược gia của NATO lo ngại rằng, "vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng phương tiện hạt nhân", nghĩa là thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân vào các căn cứ tàu ngầm dọc theo bờ biển Liên Xô.
Một trong số các ý tưởng được đưa ra là thả hàng loạt khối nam châm từ trên không để phát hiện và vô hiệu hóa tàu ngầm.
Khi bám dính lên vỏ kim loại của tàu ngầm, cụm nam châm sẽ gây ra tiếng ồn lớn và làm lộ vị trí của tàu. Ngoài ra, việc tháo bỏ bom nam châm khỏi thân tàu ngầm đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, điều này sẽ làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của đội tàu ngầm Liên Xô.
Theo NI, NATO đã biến ý tưởng này thành hiện thực. Một số quả bom nam châm bám được vào một số tàu ngầm Liên Xô. Nhưng sau đó các tàu ngầm này quay trở về cảng thay vì hoàn thành nhiệm vụ tuần tra. Vì sở hữu hạm đội tàu ngầm khổng lồ, việc thiếu hụt một số tàu không phải là vấn đề quá lớn đối với Liên Xô. Còn NATO thì không có lợi thế như vậy.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị quân sự, giáo sư tại Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, đại tá quân đội về hưu Vladimir Karyakin cho rằng thông tin này là hư cấu.
"Thông tin này được vẽ ra cho những người dễ tin vào những câu chuyện hư cấu và cổ tích. Những khối nam châm này phải "phát hiện" chiếc tàu ngầm trong khi vỏ tàu có lớp phủ đặc biệt.
Liên Xô có các tàu ngầm được làm bằng titan - thân tàu không có tính chất từ tính. Nếu thân tàu được làm bằng thép thì nó có lớp vỏ làm giảm tiếng ồn.
Bạn hãy tự thử: lấy một nam châm và cố gắng gắn nó vào tủ lạnh qua lớp giấy mỏng thì làm được, nhưng nó không bám vào tủ lạnh qua giấy carton. Lớp dày bảo vệ tàu ngầm khỏi bị phát hiện không cho phép nam châm gắn vào thân tàu", ông Vladimir Karyakin khẳng định.
Vị đại tá Nga cho rằng những câu chuyện hư cấu như vậy không khả thi và chỉ nhằm mục đích khiến người dân tin chắc rằng phương Tây có cái gì đó để chống lại các tàu ngầm Nga.