Những chiếc taxi đã "cứu" Paris
Đó là vào ngày 6/9/1914 và quân Đức chỉ còn cách Paris 30 dặm về phía đông. Người Đức cho rằng Thế chiến I sẽ là cuộc chiến nhanh gọn và khốc liệt. Họ không có lý do nào khác để tin vào điều ngược lại.
Chỉ trong vòng vài tháng, Berlin đã tràn qua Bỉ và tiến vào Pháp. Cỗ máy chiến tranh của họ nghiền nát mọi kẻ địch. Một tháng trước đó, quân đội Pháp đã thiệt hại 27.000 binh sĩ chỉ trong vòng 1 ngày khi diễn ra Trận Biên giới Bắc Pháp (Battle of Frontiers). Tốc độ và sức mạnh của quân đội Đức khiến các chỉ huy Pháp kinh hãi.
Một cuộc giao tranh quy mô lớn khác đang hình thành tại vùng đất phía đông Paris, gần sông Marne. Người Pháp biết rằng, nếu họ thất bại ở đó, quân Đức sẽ bao vây Paris và giành chiến thắng.
Pháp cần đưa quân tới tiền tuyến và họ cần làm điều đó thật nhanh. Xe lửa và tất cả các phương tiện vận chuyển hiện có trong quân đội đã được huy động để đưa những thanh niên trẻ tới tiền tuyến, nhưng vẫn chưa đủ.
Trong tình thế ấy, người Pháp chợt nhớ ra rằng, họ còn có... taxi, với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc.
Và thế là những chiếc taxis bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đưa đón hàng nghìn binh sĩ rồi cấp tốc chở họ tới tiền tuyến. Lực lượng quân tiếp viện hùng hậu đã đảo ngược tình thế cuộc chiến, giúp Pháp đánh bại quân Đức.
Có thể nói, những chiếc taxi đã "cứu" Paris.
Sự thật thì sao?
Rất tiếc, theo cây viết Matthew Gault của War is boring, phần lớn câu chuyện phía trên chỉ là một giai thoại.
Chiếc taxi tại Bảo tàng Thế chiến I
Tại Pháp, giai thoại về những chiếc taxi ở Marne đã trở thành một phần quan trọng. Bảo tàng Thế chiến I (ở ngoại ô Marne) thậm chí đã trưng bày hẳn một chiếc taxi thời đó. Ngoài ra, ở Paris còn có một công trình tưởng niệm với chiếc taxi được khắc trên đá để nhớ tới sự kiện này.
Các nhà văn Pháp cũng cho ra đời hàng chục quyển sách (cả lịch sử và hư cấu) về những chiếc taxi anh hùng.
Công trình kỷ niệm ở Paris.
Trên thực tế, có khoảng 10.000 chiếc taxi hoạt động tại Paris khi ấy. Nhưng trong số này, chỉ có 3.000 chiếc sẵn sàng hoạt động. Tài xế của 7.000 chiếc còn lại đã nhập ngũ để tham chiến. Đôi lúc, giới chức Pháp đã dùng biện pháp cứng để buộc các tài xế taxi phải xung quân.
Đêm 6/9/1914, những chiếc taxi bắt đầu đỗ bên ngoài điện Ivalides để vận chuyển binh sĩ. Chúng đều là mẫu Renault AG1 Landaulets. Mỗi xe chở 5 người và chạy với tốc độ tối đa 25 dặm/giờ.
Sĩ quan quân đội hướng dẫn các tài xế đi theo một hàng dọc. Lúc đó đã là nửa đêm, các tài xế phải tắt đèn pha, chỉ bật đèn ở đuôi xe. Các xe nối đuôi nhau di chuyển.
Thật ra, theo Matthew Gault, các tài xế taxi không lấy gì làm vui vẻ. Chiến tranh là nơi đầy rẫy nguy hiểm, chết chóc và rất nhiều người trong số họ đều nghĩ rằng mình có thể sẽ chết.
Họ cũng muốn biết liệu quân đội có trả mình tiền công cho chuyến đi này hay không. Nhiều người trong số đó thậm chí còn chạy đồng hồ đo công-tơ-mét và sau đó đòi quân đội Pháp phải trả tiền dịch vụ. Đây chắc chắn không phải là hành động cao quý của những tài xế taxi sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Đoàn taxi nổi tiếng của Marne đã vận chuyển khoảng 5.000 binh sĩ tới chiến trường. Trong khi đó, có tới hơn 80.000 binh sĩ Pháp đã thiệt mạng trong vòng 7 ngày của cuộc chiến. Con số 5.000 quân này khó có thể đủ để đảo ngược tình thế. Tệ hơn nữa là các chỉ huy Pháp lại giữ phần lớn số binh sĩ này làm quân dự bị.
Đoàn taxi chở lính Pháp tới chiến trường.
Sự thật là những chiếc taxi của Marne đã không cứu Paris khỏi sự hủy diệt, mà sai lầm của quân Đức và sự sáng suốt của một vị tướng Pháp đã làm nên điều đó.
Các chỉ huy cấp cao của Đức đã có kế hoạch cụ thể để giành chiến thắng. Quân Đức sẽ lao tới mục tiêu như vũ bão, bao vây và nghiền nát chúng.
Đây là một kế hoạch hiệu quả, miễn là tất cả các binh sĩ đều tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Ngoài ra, phải theo đúng thời gian dự kiến. Nếu như quân Pháp có thể cầm chân quân Đức đủ lâu thì kế hoạch này sẽ đổ bể.
Tướng Đức Alexander von Kluck đã không tuân thủ mệnh lệnh. Trong cuộc chiến, ông ta đã quyết định tách nhóm quân của mình để đuổi theo một nhóm lính Pháp. Hành động này đã làm lộ sườn cánh quân Đức và tạo ra một khoảng cách lớn giữa lực lượng của ông ta với quân đồng minh gần nhất.
Tướng Joseph Joffre - Tổng Tư lệnh quân Pháp khi đó - đã nhìn thấy và lợi dụng tình thế này. Ông thuyết phục đồng minh Anh tiến hành một cuộc phản công, 2 lực lượng kết hợp đánh vào sườn quân Đức.
Quân Đức buộc phải rút lui và cả 2 phía bắt đầu đào chiến hào. Sự thần tốc và tàn bạo của quân Đức đã không giúp họ giành chiến thắng, cuộc xung đột dần chuyển sang giai đoạn chiến tranh chiến hào.
Và như vậy, những chiếc taxi thật sự không phải là nhân tố mang đến thắng lợi này cho Pháp.
Tuy nhiên, câu chuyện về những chiếc taxi của Marne vẫn được lưu truyền. Hình ảnh đoàn xe taxi nối đuôi nhau đưa các binh sĩ Pháp tới tiền tuyến trong màn đêm chết chóc là một hình ảnh đẹp, làm nổi bật tình đoàn kết anh em của nhân dân Pháp trong thời kỳ chiến tranh.
Nó mang lại cho người Pháp hy vọng và khắc họa hoàn hảo hình ảnh những người dân Pháp sẵn sàng nắm lấy tay nhau, hỗ trợ nhau trong thời kỳ tăm tối nhất.
Trong chiến tranh, những giai thoại như thế này đóng vai trò quan trọng. Chúng mang lại cho con người ta hy vọng và có cảm giác như không chỉ quân đội, mà toàn thể xã hội này đều đang nỗ lực vì cuộc chiến.
Chính câu chuyện về những chiếc taxi của Marne đã cứu Paris, chứ không phải những chiếc taxi đã làm điều đó.