Mới đây, một đoạn video đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với thông tin cho rằng các binh sĩ Ấn Độ đang ăn mừng sau khi vượt qua biên giới Trung-Ấn để vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Chú thích bằng tiếng Ấn Độ ghi: "Tin nóng: Ấn Độ đã tiến 4 km vào trong lãnh thổ Trung Quốc. Binh sĩ Ấn Độ hân hoan ăn mừng".
Đoạn video đã được chia sẻ giữa lúc căng thẳng Trung-Ấn tiếp tục leo thang 3 tháng sau vụ xô xát đẫm máu khiến 20 lính Ấn Độ tử vong tại thung lũng Galwan vào ngày 15/6. Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng từ chối đưa ra số liệu cụ thể.
Trang Altnews (Ấn Độ) - chuyên xác minh tính chính xác của các nội dung được đăng tải trên mạng - cho hay đoạn video nói trên ban đầu được đăng ngày 27/8 với chú thích "Binh sĩ Tây Tạng nhảy múa".
Khi nhìn kĩ, có thể thấy binh sĩ trong đoạn video cầm cờ vùng Tây Tạng.
Cờ khu vực Tây Tạng xuất hiện trong đoạn video.
Đáng lưu ý, sau vụ đụng độ tại thung lũng Galwan vào tháng 6, các báo cáo về vụ xô xát mới ở biên giới mãi tới ngày 29-30/8 mới được đăng tải. Tờ Indian Express viết: "Mặc dù có những thông tin cho thấy SFF (Lực lượng Đặc nhiệm Tiền tuyến) có liên quan tới chiến dịch ngày 29-31/8 nhằm chiếm lại những cao điểm ở vùng Chushul thuộc miền đông Ladakh, lực lượng này vẫn giữ im lặng về vấn đề này".
Được biết, SFF là một nhóm binh sĩ của Ấn Độ với số lượng người gốc Tây Tạng chiếm đa phần.
Trong một thông báo ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói quân đội Trung Quốc (PLA) đã vi phạm các thỏa thuận đã có với Ấn Độ trong mâu thuẫn tại vùng đông Ladakh. "Quân đội Ấn Độ đã chặn đứng hoạt động của PLA ở bờ nam của hồ Pangong Tso, thực hiện các biện pháp nhằm củng cố vị trí của Ấn Độ, đẩy lùi ý định của Trung Quốc trong việc đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực".
Ngày 8/9, Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở miền đông Ladakh và bắn chỉ thiên nhằm đe dọa binh sĩ Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ đã phủ nhận cáo buộc này và Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: "Chưa bao giờ quân đội Ấn Độ vượt qua đường LAC hay dùng tới bất kì hình thức khiêu khích nào, bao gồm nổ súng".
Trong khi đó, đoạn video nói trên đã được đăng trước cả vụ xô xát hôm 29-30/8 lẫn cuộc đụng độ mới ngày 7/9. Ngoài ra, không có nguồn tin chính thức nào thông tin về việc lính Ấn Độ đã đi sâu 4 km trong lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, thông tin trong chú thích là giả và có khả năng cao đây chỉ là một cuộc sinh hoạt thông thường của binh sĩ SFF tại Ấn Độ.