Làm rõ hình tượng Chu Du đằng sau câu nói "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng?"

Trần Quỳnh |

Chu Du có thực sự là chủ nhân của câu nói: "Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng" hay không? Sự thực phía sau sẽ khiến hậu thế phải nhìn nhận nhân vật này bằng con mắt khác...

Nhắc tới danh thần Tam Quốc - Chu Du, nhiều người không khỏi nghĩ ngay tới câu ai oán: "Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng!"

Có lẽ, do ảnh hưởng từ hình tượng nhân vật cùng tên trong "Tam Quốc diễn nghĩa", độc giả thường hình dung Chu Công Cẩn là người có tài nhưng lại mang lòng đố kỵ với Khổng Minh, từ đó quy tội cho ông thành một người "lòng dạ hẹp hòi", "ghen ghét người tài".

Vậy Chu Du trong lịch sử có thật là một người nhỏ nhen hay không? Sự thật về nhân vật này sẽ khiến hậu thế phải kính cẩn ngả mũ trước nhân vật này…

Làm rõ hình tượng Chu Du đằng sau câu nói Trời sinh Du sao còn sinh Lượng? - Ảnh 1.

Việc Chu Du cả đời đố kỵ Gia Cát Lượng liệu có phải là sự thật? Tranh minh họa.

Chu Du ngoài đời thực: Văn võ song toàn, tài hoa tuấn tú

Văn nhân nổi tiếng thời nhà Tống là Tô Thức từng dành không ít vần thơ ca ngợi về Chu Du:

"Nhớ lại Công Cẩn bấy giờ,

Sánh Tiểu Kiều duyên mới,

Tư thái anh hùng.

Khăn lụa, quạt lông,

Nói cười khoan khoái,

Diệt quân Tào trong trận hỏa công".

(Trích "Niệm nô kiều – Xích Bích hoài cổ", bản dịch của Nam Trân).

Trang Ntdtv.com (Trung Quốc) trong mục "nhân vật anh hùng thiên cổ" khi viết về Chu Du cũng bình luận: 

"Người này không chỉ tướng mạo anh tuấn, văn ôn nho nhã, đọc đủ thứ thi thơ, tinh thông binh pháp, am tường âm luật, hơn nữa độ lượng, quảng đại, tuổi còn trẻ mà hùng tài đại lược, vì vậy được Lưu Bị ca tụng là "tinh anh trong vạn người"."

"Tam Quốc chí" cũng ghi lại, Chu Du sinh ra trong một gia tộc vô cùng danh giá. Ông nội của ông là Chu Cảnh, chú ruột Chu Trung từng làm Thái úy nhà Đông Hán, cha ruột Chu Dị làm tới chức huyện lệnh Lạc Dương, có thể nói gia thế vô cùng hiển hách.

Không chỉ xuất thân từ danh gia vọng tộc, Chu Du còn sở hữu ngoại hình cường tráng, thân hình cao lớn, sức khỏe phi thường, dung mạo tuấn mĩ, văn võ song toàn.

Sử cũ còn viết, Chu Du từ thuở thiếu thời đã tinh thông âm luật. Mỗi khi thưởng nhạc, chỉ cần người đàn gảy sai một nốt, ông liền phát hiện ngay ra, cũng nghiêng đầu chỉ dẫn cặn kẽ cho họ.

Dân gian lưu truyền câu nói "khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (khi nốt nhạc đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó) cũng là vì vậy. Các ca kỹ thời xưa vì ngưỡng mộ Chu Du, nên thường cố ý gảy đàn sai để được ông chú ý.

Làm rõ hình tượng Chu Du đằng sau câu nói Trời sinh Du sao còn sinh Lượng? - Ảnh 2.

Không chỉ có xuất phát điểm tốt, Chu Du còn sở hữu ngoại hình tuấn mĩ và tài năng xuất chúng. Ông từng được mệnh danh là "đệ nhất nam tử Giang Đông". Tranh minh họa.

Chu Du tuấn mĩ, tài hoa, ngay cả trên phương diện quân sự cũng phải dùng hai từ "phi phàm" để đánh giá.

Vào cuối thời Đông Hán, quần hùng khắp nơi thi nhau khởi nghĩa. Năm xưa Phá Lỗ tướng quân Tôn Kiên khởi binh dẹp loạn Đổng Trác, cũng đem cả gia đình rời đến huyện Thư.

Con trai của Tôn Kiên là Tôn Sách bấy giờ bằng tuổi Chu Du. Hai người đồng tuổi tác, cùng chí hướng, thân thiết tựa huynh đệ. Sau này Chu Du theo phò Tôn Sách xưng bá vùng Giang Đông.

Bấy giờ, Viên Thuật là người đứng đầu một thế lực hết sức lớn mạnh. Vì biết tới tài nghệ của Chu Du, họ Viên liền gọi ông đến làm thủ hạ của mình (bấy giờ Tôn Sách vẫn còn lệ thuộc Viên Thuật).

Từ sớm đã nhìn ra Viên Thuật không phải là người có thể làm nên đại sự, Chu Du tìm cách trở lại bên cạnh Tôn Sách. Hay tin Chu Du trở về, Tôn Sách tự mình ra nghênh đón còn mở đại tiệc ăn mừng, phong ông làm Kiến uy trung lang tướng, giao cho 2000 quân và 50 ngựa chiến.

Sau này, Chu Du dốc lòng phò tá Tôn Sách, chinh chiến khắp nơi. Khi chiếm được Hoãn Thành, Tôn Sách và Chu Du say đắm hai tiểu thư quốc sắc thiên hương nhà họ Kiều.

Tôn Sách thành thân với Đại Kiều, Chu Du cưới em gái Tiểu Kiều, tạo nên giai thoại trai tài – gái sắc nức tiếng thiên hạ.

Sau khi Tôn Sách bỏ mạng, Chu Du tiếp tục phò trợ em trai Tôn Sách là Tôn Quyền. Bấy giờ, chuyện nội bộ do đại thần Trương Chiêu phụ trách, còn Chu Du lãnh binh chống địch bên ngoài, mở rộng lãnh thổ.

Dân chúng Giang Đông vì vậy mà lưu truyền câu nói: "Chuyện bên trong khó quyết hỏi Trương Chiêu, chuyện bên ngoài khó quyết hỏi Chu Du". Năm 208, Tôn Quyền chinh phạt Giang Hạ, phong Chu Du làm Đại đô đốc.

Bậc anh hùng vốn chẳng cần nhỏ nhen

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Chu Du bị miêu tả là người đố kỵ với Gia Cát Lượng đến cả lúc qua đời, thậm chí còn nhiều lần tìm cách dồn Ngọa Long tiên sinh vào chỗ chết.

Nhưng trong lịch sử, Chu Du chẳng những không đố kỵ Gia Cát Lượng, mà tài năng của ông thậm chí còn ngang ngửa so với vị quân sư nổi tiếng này.

Sinh thời, Chu Công Cẩn được miêu tả là người khí chất phi phàm, tấm lòng rộng lượng. "Tam Quốc chí" khi viết về ông cũng nhận xét: "...tính tình khoáng đạt, là kỳ tài chân chính trong biển người".

Làm rõ hình tượng Chu Du đằng sau câu nói Trời sinh Du sao còn sinh Lượng? - Ảnh 3.

Sự phóng khoáng, độ lượng của Chu Du từng được nhiều đại nhân vật thời Tam Quốc khen ngợi. Chỉ tiếc rằng khí chất anh hùng và mọi phẩm cách đáng quý của Chu Du đã bị dư luận "bóp méo" không thương tiếc! Tranh minh họa.

Sự độ lượng, khiêm nhường, hòa nhã của Chu Du từng được nhắc tới trong "Giang Đơn truyện".

Chuyện kể rằng, Trình Phổ là lão thần cốt cán nhà Đông Ngô, từng theo Tôn Kiên vào sinh ra tử, lập được nhiều chiến công hiển hách.

Thấy Chu Du còn trẻ tuổi nhưng đã đảm đương chức vị quá cao, lại được quân chủ trọng dụng, ông cho rằng Chu Du vượt mặt tiền bối là mình, liền không vui ra mặt, cũng nhiều lần tìm cách hạ bệ Chu Du trước nhiều người.

Vậy nhưng, Chu Du đối với thái độ và hành động của Trình Phổ không hề ghi hận, ngược lại càng thêm cung kính đối đãi với vị lão thần này.

Trình Phổ vì vậy dần sinh lòng cảm động, càng thêm quý trọng, cảm mến Chu Du, cũng nhiều lần nói với mọi người rằng: "Kết giao với Công Cẩn, giống như được thưởng thức một ly rượu ngon, không biết tự say từ bao giờ".

Để cho một người cao ngạo như Trình Phổ phải hết mực khen ngợi, đủ thấy nhân cách của Chu Du được cảm mến tới nhường nào. Một người như vậy sao lại có thể đem lòng ghen ghét, đố kỵ Gia Cát Lượng?

Lại nhớ, năm xưa khi Tưởng Cán du thuyết Giang Đông, tuy không thể dụ hàng Chu Du, nhưng khi trở về vẫn bẩm báo với Tào Tháo vẫn khen Công Cẩn là người "nhã lượng cao đạt". Ngay tới Lưu Bị cũng ca ngợi Chu Du là "tinh anh trong vạn người".

Hơn nữa, bản thân Chu Du cũng từng cho Lưu Bị mượn 2000 quân lính trong trận Giang Lăng. Điều này chứng tỏ ông hoàn toàn không phải là con người nhỏ mọn.

Tài ngang Gia Cát, đâu cần ganh tỵ

Trận Xích Bích là một trong những cuộc đại chiến dùng phương thức "lấy ít địch nhiều" thành công nhất trong lịch sử Trung Hoa. Chiến thắng này đã đưa tên tuổi của Chu Du lưu danh muôn thuở.

Cuộc đại chiến này kết thúc cũng là lúc thế chân vạc Tam Quốc bước đầu được định hình. Không có Chu Du, Tôn Quyền khó có thể thắng Tào Tháo, mà trận Xích Bích cũng chẳng dễ dàng thắng lợi. 

Ngay tới Lưu Bị dù có Gia Cát Lượng phò tá, nhưng trước đó vẫn chưa từng thắng lợi trước Tào Tháo.

Làm rõ hình tượng Chu Du đằng sau câu nói Trời sinh Du sao còn sinh Lượng? - Ảnh 4.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Chu Du là người lập công đầu trước chiến thắng của phe Tôn Quyền - Lưu Bị trong đại chiến Xích Bích. Tranh minh họa.

Mùa xuân năm 208, quân Chu Du chiếm Giang Hạ. Tháng chín năm ấy, Tào Tháo cướp được Kinh Châu. Quân Đông Ngô và quân Tào một bên làm chủ Giang Nam, một bên chiếm đóng Giang Bắc, đại chiến giữa hai phe nhanh chóng bùng nổ.

Mang theo khát vọng nhất thống thiên hạ, Tào Tháo đưa hơn trăm vạn đại quân với ý đồ thâu tóm Đông Ngô. Bấy giờ, các đại thần Đông Ngô chia làm hai phe chủ hòa và chủ chiến, mà Chu Du chính là một trong những người đứng đầu phe chủ chiến.

Khi ấy, Chu Du chỉ ra nhược điểm của quân địch Tôn Quyền rằng, quân Tào vốn không giỏi thủy chiến, mà mùa đông ở đây cực kỳ giá lạnh, ngựa không có cỏ ăn, binh lính đường xa mệt mỏi, cũng không thông thuộc địa hình, tất sẽ sinh bệnh, mà đây chính là điều đại kỵ trong việc dụng binh.

Ông cũng nhận định, quân Tào kỳ thực không hề đáng sợ, Chu Du chỉ cần 50 vạn quân là chắc thắng. Tôn Quyền nghe xong vô cùng cao hứng, nói rằng:

"Năm chục ngàn tinh binh một lúc khó mà có đủ. Hiện tại ta sẽ tuyển trước 30 ngàn quân, mời tướng quân dẫn trước nghênh địch".

Quân của Chu Du ít hơn nhiều, nhưng lại chiếm ưu thế về thủy chiến, còn Tào Tháo không thể qua sông nên đóng trại ở bờ bắc để huấn luyện quân. Ông ta dùng xích sắt nối thuyền lớn lại theo lối của kị binh liên hoàn mã, gọi đó là "Liên hoàn thuyền".

Vào một đêm có gió đông nam, quân Ngô dùng hỏa công đánh trại của Tào Tháo. Các thuyền chiến quân Tào bị khóa không chạy tản ra được nên đều bị thiêu rụi. Quân Tào thua to bỏ chạy.

Với đội quân chỉ vẻn vẹn 30.000 quân đối đầu với đại quân trên dưới 150.000 binh lính của Tào Tháo, dù là lấy 1 chống 5 nhưng đã khiến quân địch "tan thành mây khói"

Thắng lợi oanh liệt của trận Xích Bích chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng trác việt của Chu Du, cũng chứng tỏ con mắt quân sự độc đáo và mưu lược hơn người ở ông.

Xích Bích đại chiến danh chấn Tam Quốc, mang lại tiếng vang lừng lẫy cho Chu Du. Ngay cả một người gần như "bất khả chiến bại" là Tào Tháo, trước trận thua này cũng chỉ đành ngậm ngùi mà thở dài: "Ta thua không hề mất mặt".

Chỉ một câu nói này cũng đủ để chứng minh sự tán thưởng sâu sắc của Tào Tháo dành cho Chu Du.

Trong khi đó, những mưu kế của Gia Cát Lượng như "thuyền cỏ mượn tên", "mượn gió đông" lại không được ghi chép trong chính sử mà chỉ được coi như chi tiết hư cấu của tác giả La Quán Trung.

Điều này cho thấy sự ganh tị của nhân vật Chu Du dành cho Gia Cát Lượng trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng từ tác giả. Bởi trong thực tế, tài năng của Chu Du không hề thua kém Gia Cát Lượng.

Yểu mệnh qua đời, quân chủ khóc thương

Sau đại chiến Xích Bích, Lưu Bị thừa dịp Chu Du cùng Tào Nhân giằng co ở Giang Lăng, liền bày kế "mượn Kinh Châu". Để củng cố liên minh Tôn – Lưu, Tôn Quyền đem em gái gả cho Lưu Bị.

Chu Du nhìn trước người họ Lưu ấy sau này tất thành đại sự, một mực khuyên Tôn Quyền giữ Lưu Bị lại Đông Ngô, nhưng quân chủ không nghe.

Tiếp đó, Chu Du lại đề nghị Tôn Quyền hạ lệnh đánh vào chiếm đất Thục, rồi diệt luôn Trương Lỗ, liên kết với Mã Siêu cùng chống Tào Tháo. 

Các sử gia cho rằng kế của Chu Du bên ngoài là đối địch với Tào Tháo, bên trong là ngầm thanh toán Lưu Bị, vì đi đánh Thục sẽ đi ngang qua địa bàn phía bắc Kinh Châu của Lưu Bị.

Bấy giờ Tào Tháo vừa thua, còn Lưu Bị cũng chưa phải mối lo lớn, kế sách này quả thực là "một mũi tên trúng hai đích". Tôn Quyền rất tán thưởng ý này, hạ lệnh cho Chu Du về Giang Lăng chấn chỉnh binh mã.

Năm 210, Chu Du lên đường trở lại Giang Lăng, nhưng trên đường đi bất ngờ lâm bệnh nặng. Dù vậy ông vẫn gắng gượng chống đỡ để duyệt binh kịp tiến độ.

Đại quân Đông Ngô thuận lợi lên đường đúng như kế hoạch. Chỉ tiếc rằng vừa xuất binh không lâu, Chu Du bệnh nặng qua đời ở tuổi 36.

Tôn Quyền hay tin, vô cùng buồn thương, khóc nói: "Công Cẩn có tài phò vương, nay chợt yểu mệnh qua đời, sau này ta biết dựa vào ai?"

Ông tự mình mặc áo tang để tang Chu Du, đích thân nghênh đón linh cữu trung thần trở về, an táng ở đất Ngô quận.

Làm rõ hình tượng Chu Du đằng sau câu nói Trời sinh Du sao còn sinh Lượng? - Ảnh 5.

Sự ra đi đột ngột của Chu Du là mất mát vô cùng lớn đối với Đông Ngô. Tranh minh họa.

Năm 229, Tôn Quyền xưng đế. Sau khi lên ngôi, ông nói với quần thần rằng: "Trẫm nếu không có Công Cẩn, cũng chẳng thể lên ngôi Hoàng đế", ý rằng ngai vàng của ông ngồi hôm nay có công lao rất lớn của Chu Du.

Qua đời sớm trong những năm tháng đỉnh cao binh nghiệp, nhưng hình tượng Chu Du trong chính sử mãi là sao sáng trong lịch sử Trung Hoa, là "tinh anh trong ngàn người" mà hậu thế không bao giờ quên lãng...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại