Sự thật đáng sợ về vi khuẩn

Thanh Đức |

Nếu như dịch bệnh đến từ virus đã khiến nhân loại phải gồng mình chống đỡ, thì mới đây một nghiên cứu quy mô lớn công bố trên tạp chí Y học hàng đầu The Lancet cho thấy vi khuẩn đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 thế giới, chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Sự thật đáng sợ về vi khuẩn - Ảnh 1.

Trại tị nạn Alla Futo ở vùng ngoại ô thủ đô Mogadishu (Somalia) là nơi bùng phát nhiều dịch bệnh do vi khuẩn gây ra. Ảnh: REUTERS.

Theo The Lancet, trong năm 2019 có tới 7,7 triệu ca tử vong liên quan đến 33 mầm bệnh vi khuẩn, chiếm 13,6% tổng số ca tử vong toàn cầu. Số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm nói chung là 13,7 triệu ca, tức là vi khuẩn đã lấn át cả virus.

33 mầm bệnh vi khuẩn nói trên được tìm thấy trong 11 hội chứng truyền nhiễm chính ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, có 5 loài đặc biệt nguy hiểm là tụ cầu vàng, E.coli, phế cầu khuẩn, trực khuẩn Klebsiella và trực khuẩn mủ xanh. Chúng gây ra 54,9% số ca tử vong do vi khuẩn. Tụ cầu vàng (gây ngộ độc tiêu hóa, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng bệnh viện…) gây tử vong nhiều nhất với hơn 1 triệu ca.

Nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng cách về tỉ lệ tử vong do vi khuẩn giữa các vùng giàu và nghèo. Vùng châu Phi Hạ Sahara ghi nhận số ca tử vong do nhiễm khuẩn là 230 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này ở những vùng có thu nhập cao, như Tây Âu, Bắc Mỹ là 52 ca trên 100.000 dân.

Đáng chú ý, nhóm tác giả của nghiên cứu kể trên cho rằng việc thiếu dữ liệu về gánh nặng toàn cầu do vi khuẩn khiến việc thiết lập các ưu tiên về sức khỏe cộng đồng trở nên khó khăn. Trong đó khó thực hiện chiến lược dự phòng lây nhiễm như một biện pháp nền tảng, kể cả các chương trình giảm nhiễm trùng bệnh viện, giáo dục sức khỏe cộng đồng, quản lý suy dinh dưỡng, giúp người dân tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh tốt hơn... Còn về điều trị, cũng không bảo đảm sự sẵn sàng của các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp nhằm giảm số ca tử vong do nhiễm khuẩn.

Chính vì những bất cập đó, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập hơn 300 nhà khoa học để xem xét bằng chứng về 25 họ vi khuẩn có nguy cơ gây ra đợt bùng phát dịch bệnh.

“Hậu họa y tế từ vi khuẩn cần phải được coi là ưu tiên khẩn cấp để can thiệp trong cộng đồng y tế toàn cầu” - TS Mohsen Naghavi (Trường Đại học Washington, Mỹ) lên tiếng.

Trên thực tế, theo giới Y học, thế giới đã tập trung quá nhiều nguồn lực vào virus mà quên đi tác hại không kém của vi khuẩn trong việc gieo rắc bệnh tật và cướp đi mạng sống con người. Một trong những cảnh báo được đưa ra cho rằng siêu vi khuẩn lây lan nhanh chóng chính là do việc quá lạm dụng kháng sinh, với mong muốn dùng thuốc mạnh để cứu các bệnh nhân nguy kịch. 

Nhiễm siêu vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc kháng sinh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 33.000 người ở châu Âu mỗi năm và gánh nặng do tình trạng này gây ra bằng cả bệnh cúm, lao phổi và nhiễm HIV cộng lại.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC), ảnh hưởng của tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc đã gia tăng từ năm 2007, cùng với sự gia tăng đáng lo ngại các ca nhiễm vi khuẩn kháng các loại kháng sinh mạnh nhất. “Điều này rất đáng lo bởi những loại kháng sinh này là phương án điều trị cuối cùng hiện có. Một khi chúng hết tác dụng, sẽ rất khó điều trị nhiễm trùng, thậm chí nhiều trường hợp sẽ vô phương cứu chữa” - ECDC cảnh báo.

Các chuyên gia của ECDC ước tính khoảng 70% vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng hiện đã kháng được ít nhất một loại kháng sinh thường dùng. Theo thời gian, vi khuẩn có khả năng tiến hóa thành “siêu vi khuẩn” và chống lại được nhiều loại thuốc khác nhau. Đây sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà y học ngày nay phải đối mặt. Nhưng còn đáng sợ hơn khi biết rằng khoảng 75% trường hợp nhiễm siêu vi khuẩn là do mắc phải tại các bệnh viện và phòng khám y tế - được gọi là nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc y tế.

TS Ben Howden - Giám đốc Phòng thí nghiệm chẩn đoán vi trùng học tại Trường Đại học Melbourne (Australia) và cộng sự đã nghiên cứu hàng trăm mẫu xét nghiệm của một loại vi khuẩn có tên Staphylococcus, thu thập từ 78 bệnh viện khắp thế giới. Kết quả, họ phát hiện một số chủng của vi khuẩn này đã biến đổi về ADN, khiến chúng kháng được 2 loại kháng sinh thông dụng nhất thường được kết hợp để điều trị các ca nhiễm trùng bệnh viện.

“Chúng ta đã quá lạm dụng kháng sinh, với mong muốn dùng thuốc mạnh để cứu các bệnh nhân đang nguy kịch. Và vì thế đã vô tình tạo ra các chủng vi khuẩn “sát thủ” kháng thuốc” - TS Howden nói.

Chưa hết, các quan chức y tế bang Oregon (Mỹ) còn thông báo về 3 trường hợp nhiễm nấm siêu vi khuẩn Candida kháng thuốc - một bệnh nhiễm nấm hiếm gặp mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ mô tả là gây ra “mối quan ngại nghiêm trọng” cho thế giới. 

Loại nấm này được ghi nhận vào năm 2009, nhưng sau đó đột nhiên biến mất. Sự trở lại của nó là dấu hiệu bất thường cho thấy nó đã vượt qua được sự truy sát của tất cả các loại kháng sinh để trở thành loại vi khuẩn gây ra “nhiễm xâm lấn” ở khoảng 10% những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

Ngày 28/11, nhóm các nhà khoa học Nga, Đức, Pháp lên tiếng cảnh báo lớp băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu đang gây nguy cơ cho nhân loại, sau khi họ phát hiện và hồi sinh thành công một chủng virus có từ 48.500 năm trước. 

Đây là virus cổ xưa nhất từng được hồi sinh. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã hồi sinh thành công 2 chủng virus có từ 30.000 năm trước. Tới nay, nhóm nghiên cứu đã hồi sinh trong phòng thí nghiệm được 7 chủng virus cổ xưa được phát hiện từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. Theo nhà nghiên cứu Jean-Michel Claverie (Đại học Aix-Marseille, Pháp) tất cả các chủng virus được hồi sinh đều có khả năng lây nhiễm cho những dạng sự sống đơn bào. 

Điều này cho thấy khả năng tồn tại những virus khác đang nằm yên dưới lớp băng vĩnh cửu và có thể được phóng thích ra do biến đổi khí hậu, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cây cối, động vật và người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại