"Trình độ" bịa chuyện gây chú ý ngày càng chuyên nghiệp
Bịa chuyện, gây hoang mang dư luận là cách được nhiều bạn trẻ dùng mạng xã hội sử dụng để gây chú ý, nhằm phục vụ mục đích cá nhân.
Cách đây chỉ vài ngày, cư dân mạng hốt hoảng trước những hình ảnh khá đáng sợ về một cô gái xóa hình xăm hoa hồng trước ngực nhưng không may để lại vết sẹo lớn, gây lở loét, mưng mủ.
Thậm chí những hình ảnh này còn đi kèm với một câu chuyện cũng trớ trêu không kém:
"Khổ thân, cô gái xăm trổ bị anh người yêu phản đối, phải xóa hình xăm mới chịu cưới và cái kết cho cô gái trẻ. Bây giờ thành ra như vầy chắc gì anh ta đã cưới?
Ôi phận là con gái! Lỡ xăm rồi thì thôi, xóa xong nhìn tội bạn gái này quá. Các bạn gái có ý định đi xăm thì phải suy nghĩ cho kỹ".
Hình ảnh chảy máu mủ kinh dị cùng vết sẹo lồi thật to do hậu quả của việc xăm hình không đảm bảo.
Ngay lập tức, hình ảnh và câu chuyện đáng thương thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đa số dân mạng tỏ ra xót xa trước vết thương lở loét, đau đớn kia và phẫn nộ trước yêu cầu vô lý của anh chàng nọ.
Thế nhưng, làn sóng bất bình chưa kịp lắng xuống thì một sự thật khác đã được phơi bày. Qua tìm hiểu, được biết câu chuyện kia hoàn toàn chỉ là bịa đặt.
Sự thật là, những hình ảnh chảy máu mủ kinh dị cùng vết sẹo lồi to là hậu quả của việc xăm hình không đảm bảo.
Cô gái xui xẻo người Thái Lan sau khi xăm hình cành hoa hồng trên ngực đã bị nhiễm trùng do quy trình thực hiện không đảm bảo, khiến cô mất một thời gian dài để điều trị vết thương.
Sau khi vết thương đã tạm ổn, cô quyết định công khai những hình ảnh kinh khủng này để nhắn nhủ những ai có ý định xăm mình nên tìm hiểu thật kỹ và tìm đến những địa chỉ uy tín, đảm bảo.
Qua câu chuyện này, có thể thấy "trình độ" bịa chuyện câu like của một bộ phận người dùng mạng xã hội càng lúc càng cao.
"Sống ảo" không phải là vấn đề xa lạ với mạng xã hội Việt. Tuy nhiên, càng ngày, nhiều cá nhân không ngần ngại áp dụng những chiêu trò tinh vi, ma mãnh hơn.
Chắc hẳn nhiều bạn trẻ vẫn chưa quên câu chuyện về một cô gái tên M.C (bán hàng online) tố cáo cầu thủ Mạc Hồng Quân vay 15 triệu không trả, đồng thời nói xấu và phủ nhận đứa con trong bụng bạn gái cũ gây xôn xao dư luận cách đây hơn 1 năm.
Thế nhưng, về phía Mạc Hồng Quân, anh xác nhận câu chuyện này hoàn toàn không có thật. Nam cầu thủ tỏ thái độ tức giận và khẳng định sẽ nhờ cơ quan chức năng làm sáng tỏ việc này.
Đây không phải lần đầu tiên những cô gái bán hàng online sử dụng chiêu trò để câu like từ mạng xã hội. Trước đó, một cô gái tên T. mang cả hình ảnh cháu gái đưa lên mạng, bịa chuyện nuôi con của tử tù đang chuẩn bị thi hành án, lấy đi nước mắt của hàng nghìn người.
Khi được công an mời về trụ sở Công an làm việc, T. cho biết, cô bịa đặt hoàn toàn câu chuyện nhặt được con của tử tù chỉ với mục đích cho vui.
Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Sơn Tùng (SN 1985) vì đã thông tin sai sự thật lên trang Facebook.
"Tin vịt" bắt cóc trẻ em đăng trên mạng xã hội ngày càng nhiều gây hoang mang dư luận.
Cụ thể, ngày 8-1, với nickname Facebook "Tùng Lò Gạch", anh này đã đăng lên mạng xã hội vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực một trường Mầm non ở thành phố Thái Nguyên và thông tin bắt cóc người để lấy nội tạng.
Vài ngày sau đó, thông tin này đã có đến gần 3000 lượt chia sẻ và hàng chục ngàn phản hồi, hầu hết các Facebooker đều tỏ ra hết sức lo lắng. Trước những ồn ào từ phía dư luận, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh làm rõ.
Khi được mời lên để lấy lời khai, Tùng cho biết bản thân anh ta tự thu thập thông tin từ các nguồn tin trôi nổi và đưa lên facebook chỉ để …câu like.
Mạng ảo nhưng cái giá phải trả là thật
Được biết nguyên nhân chủ yếu khiến những tin đồn "phủ sóng" trên các trang mạng là do các đối tượng muốn câu like nhằm mục đích giật gân, câu khách, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Nhiều người dùng không ý thức được, chưa nói đến vấn đề đạo đức, chỉ xét về mặt pháp lý, hành vi tung tin đồn thất thiệt của chủ sử dụng các tài khoản facebook đã vi phạm pháp luật.
Không ít bạn trẻ đặt cược cả cuộc đời mình cho sự nổi tiếng mà không lường trước được rằng, kẻ thù lớn nhất sẽ hủy hoại cả cuộc đời mình đó chính là sự ham hố của bản thân (Ảnh minh họa)
Cụ thể, hành vi này vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gây hoang mang dư luận, làm mất niềm tin vào trị an, trật tự công cộng.
Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc, những đối tượng này còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra mạng xã hội cũng là cần câu cơm của nhiều người, để hút khách trong một thời gian ngắn, những ông chủ, bà chủ online đã tự vẽ ra những câu chuyện không có thực để PR cho chính mình mà không lường trước hậu quả.