Xuất hiện trên một diễn đàn, đoạn hội thoại của những đấng mày râu xuất phát từ thắc mắc "tại sao không mời bạn bè về nhà nhậu?" đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Lời trần tình của nhân vật chính đã khiến người đọc suy ngẫm, thậm chí xấu hổ.
- Quên anh em rồi à?
- Đâu có. Nó cười cười
- Sao lâu không thấy gọi bọn tao tới nhà nhậu?
- Chúng mày biết không? Nó trầm giọng: "Tao không nhớ được đã bao nhiêu lần tao nhậu say, nhưng tao biết được ai luôn là-người-dọn-dẹp-bãi-chiến-trường bày ra sau mỗi lần nhậu của tao và tụi mày.
Mấy thằng im phăng phắc nhìn nó ngạc nhiên. Nó dường như không thèm để ý, tiếp tục lẩm bẩm:
- Vợ tao chứ ai, mỗi lần chúng mày nhậu xong đứng dậy về hết, tao lên giường ngủ, cô ấy lại lúi húi dọn dẹp một mình.
Có bữa cùng bọn mày nhậu khuya rồi nằm bệt trên ghế salon, nửa đêm tỉnh giấc, thấy vợ tao một tay kéo cái chậu to đầy ắp bát đĩa, một tay cầm cái chổi di di, lau dọn bãi nôn của tao giữa nhà...
Nhìn từ xa, hình như tao vẫn thấy mắt cô ấy ngân ngấn nước.
Lúc đó, là một thằng đàn ông, đáng ra tao phải chạy đến ôm lấy cô ấy rồi an ủi, nhưng tao say đến việc hít thở còn khó khăn nên chỉ có thể nằm đó, làm cái việc hèn nhát là vắt tay lên trán rồi rớt nước mắt.
Tự hứa với bản thân rằng lần sau sẽ không làm như vậy...
Nó vẫn tiếp tục lẩm bẩm:
- Tao nói đến câu này, có thể chúng mày nghĩ tao sợ vợ, hay yếu đuối thế nọ thế kia. Nhưng tao nói thật, tự bản thân tao biết được là tao thương chứ không phải sợ
- Ây. Nói gì lắm thế, hay mày say rồi? Uống đi - Tôi giơ cốc bia ra mời thằng bạn, định bụng chấm dứt chủ đề này.
- Lời say mới là lời thật. Mày để tao kể nốt đã - Nó gạt đi rồi vẫn lẩm bẩm, giọng trầm trầm như đọc kinh .
- Hồi xưa tao còn nhỏ, mỗi lần bố tao lôi bạn bè, các chú, các bác về nhậu nhẹt, nhìn mẹ tao dọn dẹp hàng núi bát đĩa các ông ấy bầy ra, rồi ông già tao say rượu lè nhè, chửi mắng mẹ rồi tao bằng những lí do vô cớ.
Tao rất thương mẹ, ghét bố tao mỗi lần say. Tự hứa với bản thân rằng sau này sẽ không như thế , vậy mà tao lại đi vào vết xe đổ. Làm khổ vợ tao mỗi lần uống say.
- Cho nó làm cho quen đi. Vợ mày lấy về để ở cùng chứ có phải là để thờ đâu? - Một thằng nói chen vào.
- Tao lấy vợ về để sống cùng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, chứ không phải để hầu hạ tao - Nó cãi.
- Vợ mày ở quê, làm lụng sương gió nó quen rồi chứ có phải tiểu thư đài các gì đâu mà mày chiếu cố thế? - Có thằng nói đểu.
- Chính vì tuổi thơ cô ấy chịu thiệt thòi nên tao là chồng, lấy về chăm sóc cô ấy là để bù đắp.
Tất cả im phăng phắc, chẳng ai còn tranh cãi với nó. Có thằng cười đểu, có thằng lại cúi mặt xấu hổ với bản thân.
Mỗi người một suy nghĩ, không ai o ép nhau được. Riêng tôi thì cảm phục nó, văng vẳng câu nói: "đàn bà, hơn thua nhau ở tấm chồng."
Lời tâm sự của người chồng trong đoạn hội thoại này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người thì đồng tình với suy nghĩ của anh chồng, kẻ thì phản bác rằng không nên làm như vậy, có người lại đưa ra các bằng chứng để chứng minh câu chuyện này là hư cấu.
Bạn Đinh Cẩm Nhung chia sẻ: "Hãi nhất mời bạn bè về xong để một đống bãi chiến trường dọn cả tối không xong .
Đã nấu rồi lúc ăn thì hết lấy cái này cái nọ ăn chưa được dính ít nào lại dậy dọn. Nôn còn kinh nữa. Nhìn cái nhà WC đến buồn nôn. Nói chung mấy ông tụ tập ra ngoài mà uống."
Bạn Ngọc Minh cũng tâm sự: "Lại soái ca, lại hơn nhau tấm chồng, hơn nhau ở cái nhận thức. Có vợ có con có đi uống rượu, có đi chơi thì về cẩn thận cho vợ nó đỡ mong, chứ dăm ba chén rượu nhậu say sưa rồi mới vỡ lẽ ra thì quá kém".
Tuy nhiên bạn Hữu NT lại đưa ra quan điểm khác: "Ngồi quán chỉ là chỗ ngoại giao. Anh em chiến hữu về nhà mới tình cảm. Mình toàn tự đi chợ, chế biến mời anh em nhậu rồi tự dọn.
Đồ nhậu phải tự tay chế biến mới vào rượu chứ người khác làm mồi khó uống lắm".
"Nhậu ở nhà thì phải dọn dẹp, nhậu quán không phải dọn nhưng có an toàn không? Nhậu xong có tăng 2 tăng 3 không? Cái gì chẳng có giá của nó chấp nhận cái này thì mất cái kia", là ý kiến của Nguyễn Ha Phong.