Trương Vô Kỵ là nhân vật phụ lớn nhất trong lịch sử tiểu thuyết
"Xã hội càng tiến bộ, giao thông càng phát triển, chân trời xa nhau bỗng gần như mấy thước. Tối nay còn ở trong nhà người uống mấy ly, nói chuyện xa xưa với bạn bè, hôm sau rất có thể đã ở xa mãi tận chân trời. Ai tới cùng tôi cạn chén?".
Khi Cổ Long viết lên những câu đó, chắc Cổ đại hiệp cô đơn lắm. Lời văn như tiếng lòng, lại cả như lời tiên tri. Nơi cửu tuyền 33 năm âm dương cách biệt, ai tới cạn chén cùng ông? Hôm nay, đã có Kim Dung tới cạn chén cùng ông rồi.
Kim Dung đã qua đời.
Nhà văn Kim Dung.
48 tuổi, Cổ Long qua đời. 46 tuổi, là số tuổi mà Kim Dung nhiều hơn Cổ Long. Kim Dung là vậy, cẩn mật, uy tín, nghiêm trang, bác học, kể cả cái chết cũng mang tính trọn vẹn. Chốn giang hồ rộng lớn, thiên hạ càng lúc càng biến động. Thế mà cả Kim lẫn Cổ không ai còn ở trên dương thế.
Kim Dung tạo nên một thế giới, một chốn nhân sinh quan cùng bao nhiêu ý nghĩa ẩn tàng qua từng câu chuyện. Càng đọc Kim Dung, lại càng thấy phiêu hốt. Càng đọc Kim Dung, lại càng điên đảo. Càng đọc Kim Dung, lại như thấy ý nghĩa vô tận.
Ví như đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký lần đầu ta tin rằng Trương Vô Kỵ là nhân vật chính, đọc lần thứ hai tin chắc người đó là Triệu Mẫn, đọc lần thứ ba lại nghĩ là Chu Chỉ Nhược, đọc lần thứ tư lại nghĩ phải là Tạ Tốn.
Đến khi gấp sách lại ở lần thứ 5 thì cười lên sằng sặc, rồi đập bàn: "Trương Vô Kỵ là nhân vật phụ lớn nhất trong lịch sử tiểu thuyết".
Đấy là Kim Dung.
Võ học của ông dạy cả cách làm người. Hãy đọc những gì liên quan đến "Độc Cô Cửu Kiếm": "Ngươi sử kiếm pháp chứ không phải kiếm pháp sử ngươi.
Con người là sống động, còn kiếm chỉ là tĩnh", "Ngươi hãy xâu các chiêu thức đã học thành một chuỗi, tùy nghi phát chiêu, còn cái gì không ráp được thì chặt bỏ đi, đừng cưỡng cầu"; "Bậc đại trượng phu hành sự thích việc gì ra việc nấy, linh hoạt như nước chảy mây bay, tuỳ ý thích mà làm. Còn như những thứ quy củ võ lâm, giáo điều môn phái gì đó đều chỉ là cái rắm chó đáng vất đi mà thôi!" .
Đấy không chỉ là kiếm pháp, đấy còn là cách sống của một kẻ đứng giữa trời đất.
Kim Dung bỏ bùa mê người ta, ông khiến người già, người trẻ, đàn bà, đàn ông say đắm theo thế giới mà ông vẽ theo.
Đó là một thế giới không còn những phiền muộn u sầu của hiện thực, chỉ còn mộng tưởng với Lăng Ba Vi Bộ, với khinh công dập dìu trên ngọn cây, với Đàn Chỉ Thần Thông và tiếng tiêu réo rắt của Hoàng Dược Sư.
Những ẩn tàng mà ông tạo nên qua từng trang sách đều tinh tế như tính cách của Doanh Doanh. Kim Dung tạo nên những kẻ giả nhân giả nghĩa của cái gọi là chính phái nhưng luôn miệng nói đạo lý, đối chọi với sự bất khuất ngạo thế khinh đời của những kẻ tà phái nhưng làm việc thì đàng hoàng.
Như muốn nói với cả thế giới về sự vô thường, về lẽ đời, về những khuôn mặt nạ. Như một cây đại thụ phủ bóng, nửa thế kỷ qua ai viết kiếm hiệp cũng đều bị ảnh hưởng bởi Kim Dung.
"Kiếm – Hiệp – Kỳ - Tình"
4 cột trụ của võ hiệp có ở cả Kim Dung. Nhân vật Thành Côn độc ác là vậy nhưng tạo nên phong ba cũng chỉ vì chữ tình mà thôi.
"Ta có trái tim nàng nhưng không có nàng. Hắn có nàng nhưng không có trái tim nàng. Rốt cuộc cả ta và hắn đều mất nàng."
Kim Dung cũng khiến người ta nhỏ lệ trên từng trang sách. Khi A Châu nói với Kiều Phong bên Tiểu Kính Hồ: "Chàng sau này suốt đời cô độc, thiếp cũng cô khổ lênh đênh." Nàng đã để lại một niềm đau vĩnh cửu của phút giây trước khi Kiều Phong đang ta lỡ lầm giết chết nàng.
Ông khiến người ta quặn đau trong hình ảnh của Tiểu Long Nữ lúc sắp chết, nói lên cái tên của kẻ đã lấy đi sự trong trắng của nàng ngay trước mặt của người nàng yêu – là học trò của nàng.
Và Đinh Điển - đại hiệp đệ nhất thiên hạ khi thấy cảnh đó đã ôm lấy nàng, vừa khóc mà nói "Nàng vì ta mà hủy hoại dung nhan, trong mắt ta, nàng đẹp gấp trăm vạn lần ngày trước."
Đấy là Kim Dung.
Tôi từng nói "Kiếm hiệp chọn người, không phải người chọn kiếm hiệp." Trong thế giới của Kim Dung vẽ lên hình ảnh của những huynh đệ xả thân.
Một Hư Trúc giữa muôn trùng vây binh đao, với ánh mắt trách phạt của sư phụ, nhưng khi nhìn cảnh Đoàn Dự và Tiêu Phong uống rượu đã chạy lại hô lớn: "Đại ca, tam đệ, cho ta uống với". Sống cùng sống, chết cùng chết, bạc đầu tóc xanh, huynh đệ ở lại.
Ngày hôm đó, giang hồ đều muốn giết Tiêu Phong. Ngày hôm đó, Hư Trúc gặp Tiêu Phong lần đầu.
Nữ nhân của ông "Yêu nồng nàn, hận sâu cay, hành xử quyết liệt" như Triệu Mẫn, Hoàng Dung. Thập phần tinh tế như Nhậm Doanh Doanh. Nhu mì, dịu dàng, mà cơ trí hơn người như A Châu, Tiểu Chiêu…
Tất cả hòa quyện trong một thế giới phiêu lưu giả tưởng đẹp như mộng. Nữ nhân mà ông xây dựng, ai đọc đều yêu lấy.
Kể cả một cô bé như A Tú, A Tú dạy cho Thạch Phá Thiên chiêu Bàng Xao Trắc Kích như sau: "chém bên trái một đao, bên phải một đao, trên một đao, dưới một đao".
Tiếp đó, nàng nói: "Sau đó đại ca hãy ghìm đao dừng lại, khen ngợi địch thủ một câu, rồi đề nghị địch thủ bãi chiến, kết làm bạn - để bảo toàn danh dự cho địch thủ."
Ấy là bởi nàng sợ ngày Thạch Phá Phiên gặp Bạch Vạn Kiếm cha nàng. Quả nhiên, đó là chiêu thức giữ thể diện cho đối thủ, và giữ cả tình yêu cho nàng với Thạch Phá Thiên.
"Thiên cổ văn nhân hiệp khách mộng."
Ngàn đời kẻ văn nhân đều muốn làm hiệp khách.
Điều đưa ông lên vị trí "Võ lâm minh chủ" là bởi sức sống bất diệt, là tài năng tuyệt luân của ông thể hiện qua những tác phẩm ông tạo ra.
Đọc Lộc Đỉnh Ký ta thấy cả một thế giới về ẩm thực cung đình, đọc Anh Hùng Xạ Điêu để thấy được vẻ đẹp của thảo nguyên và sông nước Giang Nam, đọc Thiên Long Bát Bộ để biết một kết cấu kỳ thư của võ hiệp, của tiểu thuyết đỉnh cao sẽ được xây dựng thế nào.
Không chỉ Phật Giáo với những đặc tính phản bổn hoàn nguyên, quy căn viết tĩnh, hồi đầu thị ngạn qua các hình ảnh Lệnh Hồ Xung, Hư Trúc. Ta còn gặp được cả triết lý của Lão Tử, Trang Tử, khổ hạnh nằm cả trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Kim Dung tạo nên những thứ võ công tạm gọi là "lời nói dối chân thật", tức là biết phịa mà sao logic quá. Chưa kể còn ẩn tàng những điều tinh tế qua từng chiêu võ công.
Chưa hết, ông tạo nên các âm mưu đấu đá của các bộ óc Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại với đầy đủ kế hoạch, binh pháp, lọc lừa, gián điệp.
Kim Dung, như Cổ Long nhận xét "Ông dung nạp tất cả các trường phái, không chỉ tiểu thuyết võ hiệp cổ điển, mà còn dung hòa cả văn học phương Tây hiện đại, văn học Trung Hoa cổ điển. Tạo nên văn học của riêng mình với đầy đủ sự chọn lọc cô đọng, gần gũi, sống động tự nhiên."
Sự siêu phàm của Kim Dung khiến kẻ đời sau chỉ nuôi mộng kế thừa, không dám nghĩ đến hai chữ lật đổ.
Những đại hiệp của Kim Dung đều là những thân phận bi kịch, bằng tính cách thẳng thắn, mà vươn lên thành đệ nhất thiên hạ. Các nhân vật của Kim Dung đều là những anh hùng trải qua biết bao máu và nước mắt để được gọi tên anh hùng. Đó như cái gửi gắm của ông cho đời sau: sự vươn lên.
33 năm về trước, Cổ Long qua đời ở tuổi 48. Sinh ly tử biệt, chén rượu sầu hôm nào. Giờ 33 năm sau, ông gặp lại minh chủ của mình.
Đêm nay, dưới cửu tuyền, Kim Dung – Cổ Long cạn chén. Trên dương thế, những kẻ từng sống trong giấc mơ võ hiệp của chư vị, xin gửi đến hai chữ "Cảm tạ".