Sự nguy hiểm khôn lường của những cơn bão cuối năm đổ bộ vào Việt Nam

Hoa Hướng Dương |

Diễn ra thất thường với cường độ mạnh là những đặc điểm chung của các cơn bão này.

Việc bão xuất hiện cuối năm (vào tháng 12) không phải là điều hiếm gặp trong lịch sử khí tượng của Việt Nam, thế nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại phải đón một cơn bão di chuyển nhanh và có cường độ mạnh như bão số 16 (tên quốc tế là Tembin).

Xem video:

Hình ảnh bão Tembin lúc 6 giờ, ngày 23/12/2017. Nguồn: Youtube/Beautiful Earth

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã khiến cho các chuyên gia khí tượng lần đầu tiên phải đặt tên cơn bão tới số 16 (vì trước đây, năm nhiều nhất cũng chỉ tới bão số 15). Không những thế, năm nay chúng ta có tới 2 cơn bão rơi vào tháng 12.

Hiện cơn bão vẫn đang tiếp tục mạnh lên, dưới đây là vị trí hiện tại, sức gió được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra:

Một đại diện của trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trao đổi với Người Đưa Tin cho hay:

"Trước đây thời kỳ mưa bão thường tập trung vào tháng 7, tháng 8 , rơi rớt tới tháng 9, tháng 10 cùng lắm là tháng 11. Nhưng năm nay, tới tháng 12 vẫn có bão. Mà có tới tận 2 cơn. Điều này là chưa từng có trong lịch sử.

Từ năm 1969, Việt Nam mới có một cơn bão đi vào Biển Đông vào tháng 12, nhưng năm đó cũng chí có 1 cơn. Năm 2017 là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông.

Cơn bão tháng 12 với cường độ mạnh đổ bộ vào đất liền vào cuối mùa là cực kỳ hiếm".

Trong khoảng thời gian chờ đợi theo dõi tình hình và diễn biến của cơn bão Tembin, hãy cùng nhìn lại những năm mà nước ta phải đón các cơn bão muộn:

Những năm mà nước ta phải đón các cơn bão muộn

Sự nguy hiểm khôn lường của những cơn bão cuối năm đổ bộ vào Việt Nam - Ảnh 2.

Bão cuối năm luôn khiến các nhà dự báo khí tượng phải lo ngại vì diễn biến thất thường của nó. Ảnh Getty

Thông thường việc các cơn bão xuất hiện vào các tháng cuối năm như tháng 11 hay tháng 12 là khá hiếm, hơn nữa trong một năm mà có tới 16 cơn bão thì đó lại là điều chưa từng xảy ra. Theo thống kê của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia từ năm 1980 đến 2016:

Năm mà nước ta phải hứng chịu nhiều cơn bão đổ bộ nhất (không tính các cơn bão trên biển Đông không ảnh hưởng đáng kể tới nước ta) là 1989, 2013 với 9 cơn bão; Năm 1985, 1996 với 8 cơn bão; Năm 1983, 1984, 1990, 1994, 2005 với 7 cơn bão... Trong đó:

- Những cơn bão đổ bộ vào nước ta vào tháng 11:

Bão Agnes đổ bộ vào Bình Định năm 1984, bão Herbert đổ bộ vào Quãng Ngãi, Bình Định năm 1986, bão Maury đổ bộ vào Phú Yên năm 1987, Bão Tess vào Bình Thuận năm 1988, bão Nell vào Khánh Hòa năm 1990, Kyle vào Phú Yên năm 1993,

Bão Zack vào Quãng Ngãi năm 1995, bão ATNĐ 04 vào Quãng Ngãi, Bình Định năm 1996, bão Ernie vào Sóc Trăng, Bạc Liêu năm 1996, bão Linda vào Cà Mau năm 1997, bão Chip vào Ninh Thuận năm 1998, bão Dawn vào Khánh Hòa năm 1998,

Elvis vào Bình Định - Phú Yên năm 1998, ATNĐ 05 vào Khánh Hòa năm 1999, bão Lingling vào Bình Định Phú, Yên năm 2001, bão Muifa vào Cà Mau, Kiên Giang năm 2004, bão Noul vào Khánh Hòa, Ninh Thuận năm 2008,

Bão Marinae vào Đà Nẵng năm 2009, ATNĐ 05 và Podul vào Khánh Hòa, Ninh Thuận năm 2013, bão Sinlaku vào Bình Định, Phú Yên năm 2014...

- Những cơn bão đổ bộ vào nước ta vào tháng 12:

Bão Lola đổ bộ vào Khánh Hòa, Ninh Thuận năm 1993, bão Faith đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa năm 1998, bão Noname đổ bộ vào Khánh Hòa năm 1999, bão Durian vào Bến Tre năm 2006.

Có thể thấy việc bão hoạt động và đi vào đất liền nước ta vào tháng 12 là rất ít, thậm chí hiếm hơn so với các cơn bão xảy ra vào tháng 11. Đây là hai tháng kết thúc mùa bão nhưng lại không vì thế mà tính chất của các cơn bão lại giảm đi.

Thực tế, nhiều cơn bão xảy ra vào 2 tháng này đã gây thiệt hại nặng nề và diễn biến vô cùng bất thường, phức tạp, có thể kể đến một số cơn bão như (dựa vào bảng xếp hạng một số cơn Bão lớn nhất ảnh hưởng tới Việt Nam của Dữ liệu Thiên tai Việt nam):

Bão số 5 (Linda) xảy ra vào tháng 11/1997 đổ bộ vào Cà Mau (khu vực cả trăm năm trước đó không có bão) với tốc độ rất nhanh cũng như được cho là tàn khốc nhất trong lịch sử nước ta khi:

Khiến cho 3.000 người chết và mất tích,  phá hủy hơn  3.500 tàu thuyền đánh cá, tổng thiệt hại ước tính lên tới 7.000 tỷ đồng mà thời gian khắc phục hậu quả kéo dài tới nhiều năm liền. Để lại bài học đau đớn về sự chủ quan và bị động khi đối phó với bão thất thường.

Dó đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất thận trọng về cơn bão Linda (1997) và cơn bão Tembin sắp tới nhằm tránh lặp lại lịch sử khó quên trước đây:

"Nếu giữ nguyên cấp 10-12 khi đổ bộ thì bão số 16 đã mạnh hơn cơn bão lịch sử vào Nam Bộ - Linda năm 1997. Do đó dù cơ quan khí tượng cảnh báo mức độ rủi ro cấp 4 nhưng phải chuẩn bị, ý thức như rủi ro cấp độ 5 – cấp thảm hoạ".

Bão số 14 (Haiyan) xảy ra vào ngày 11 tháng 11/2013 có sức gió mạnh cấp 11, giật tới cấp 13 và tàn phá nặng nề Phillipines nhưng may mắn đã giảm cường độ khi đi vào sâu trong vùng đất liền thuộc khu vực Hải Phòng- Quảng Ninh nước ta.

Mặc dù vậy cơn bão này cũng đã khiến cho 13 người chết và 81 người bị thương, đánh chìm 1 tàu cá và làm hỏng 4 phương tiện khác (Theo báo cáo nhanh từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn).

Brian McNoldy, một chuyên gia về thời tiết nhiệt đới của Đại học Miami tại Mỹ đánh giá: "Với tốc độ như thế, Haiyan thuộc nhóm bão cấp 5 trên thang đo Saffir-Simpson, công cụ mà giới khoa học sử dụng để phân loại bão trên Đại Tây Dương. Nó là một trong những cơn bão mạnh nhất trên trái đất".

Ryan Maue, nhà khí tượng của tổ chức Weatherbell Analytics cũng đánh giá siêu bão này là siêu bão mạnh nhất (trong kỷ nguyên vệ tinh nhân tạo, dùng để theo dõi và dự báo bão) sau bão Tip năm 1979.

Năm 2013 cũng là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp được ghi nhận với 17 cơn! Khi đó trên báo An Ninh Thủ Đô, ông Lê Thanh Hải, hiện là Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay: "Thông thường, trên biển Đông chỉ có khoảng 10 - 11 cơn bão hoạt động mỗi năm. Nhưng năm nay, tới hiện tại đã có 13 cơn bão, ngoài ra còn 4 áp thấp nhiệt đới. Con số này đã phá vỡ mức kỷ lục trong chuỗi quan trắc của ngành khí tượng lâu nay".

Bão Durian xảy ra ngày 1/12/2006 là một siêu bão khiến 50 người chết, 55 người mất tích và làm  bị thương 409 người tại 12 tỉnh thành mà nó đi qua (trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu chịu thiệt hại nặng nề nhất với 28 người chết, 173 người bị thương, 16 người mất tích).

Ngoài ra, cơn bão này đã phá hủy 119.330 căn nhà, nhấn chìm 888 tàu thuyền mà chỉ riêng Bình Thuận đã có tới 820 thuyền. Nguyên nhân của sự thiệt hại lớn như vậy là do nhiều địa phương còn chủ quan trong công tác đối phó với bão.

Năm nay, cùng với sự xuất hiện của cơn bão Tembin sắp vào biển Đông, chúng ta lại phá vỡ kỷ lục cũ về số lượng bão cũng như áp thấp của năm 2013 với 16 cơn bão và 4 ATNĐ.

Với những gì mà các cơn bão muộn như Durian hay Linda để lại, việc chủ động phòng tránh, nâng cao nhận thức mọi người nhắm tránh tâm lý chủ quan, xem thường các cơn bão muộn là điều vô cùng cần thiết và cấp bách!

Nguồn tham khảo: Báo Quangninh, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Dulieudiali

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại