Theo một nghiên cứu mới đây, một đám mây dông hình thành trên Thái Bình Dương vào năm 2018 đã đạt đến nhiệt độ lạnh nhất từng được ghi nhận.
Đỉnh của đám mây dông này đạt mức "lạnh thấu xương" đến âm 167,8 độ F (âm 111 độ C), lạnh hơn bất kỳ đám mây dông nào được đo đạc trước đó.
Về cơ bản, dông bão và áp thấp nhiệt đới có thể đạt độ cao rất lớn - lên đến 11 dặm (18 km) tính từ mặt đất - nơi không khí cực kỳ lạnh, theo Trung tâm Quốc gia về Quan sát Trái đất thuộc Đại học Oxford (Anh).
Tuy nhiên, đỉnh của đám mây dông mới được phát hiện này lại lạnh hơn khoảng 86 độ F (30 độ C) so với các đám mây dông điển hình. Trước đó, đám mây dông kỳ quái này được phát hiện vào ngày 29/12/2018, khi nó đang vần vũ trên khu vực phía nam quốc đảo Nauru, ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương. Nhiệt độ của đám mây dông được xác định bởi cảm biến hồng ngoại trang bị trên vệ tinh NOAA-20 của Mỹ.
Đỉnh của đám mây dông này đạt mức "lạnh thấu xương" đến âm 167,8 độ F (âm 111 độ C), lạnh hơn bất kỳ đám mây dông nào được đo đạc trước đó (Ảnh minh họa)
Theo LiveScience, các cơn bão thường lan rộng ra thành hình giống cái đe khi chúng lên đến đỉnh của tầng đối lưu, tầng thấp nhất của khí quyển Trái đất. Nhưng nếu một cơn bão có nhiều năng lượng, nó sẽ phóng vào tầng khí quyển tiếp theo – tầng bình lưu. Hiện tượng này, được gọi là "mây vượt tầng", đẩy các đám mây bão lên độ cao rất lớn, nơi không khí rất lạnh.
Theo Simon Proud, chuyên gia tại Trung tâm Quan sát Trái Đất Quốc gia Anh, hiện tượng ‘mây vượt tầng" tương đối phổ biến. Thông thường, nhiệt độ của các đám mây dông sẽ giảm 7 độ C mỗi khi lên cao thêm 1 km trong tầng bình lưu.
Tuy nhiên, cơn bão được phát hiện vào tháng 12/2018 đặc biệt cực đoan hơn cả.
"Cơn bão này đạt được nhiệt độ chưa từng có, đẩy giới hạn của những gì mà các cảm biến vệ tinh hiện tại có thể đo lường. Chúng tôi nhận thấy rằng mức nhiệt độ thực sự lạnh này dường như đang trở nên phổ biến hơn", chuyên gia Simon Proud cảnh báo.
Đáng chú ý, số lượng các đám mây dông có nhiệt độ siêu lạnh được ghi nhận trong 3 năm vừa qua đã nhiều tương đương so với 13 năm trước đó.
"Điều này rất quan trọng, vì dông bão với những đám mây lạnh hơn có xu hướng cực đoan hơn và nguy hiểm hơn cho những người trên mặt đất do mưa đá, sét và gió."
Bão xuất hiện gần quốc đảo Nauru vào ngày 29 tháng 12 năm 2018, được chụp bằng tia hồng ngoại bởi một vệ tinh quay quanh quỹ đạo. Những phần mây lạnh có màu tím và vùng biển ấm ở Thái Bình Dương có màu cam.
Theo BBC, cơn bão ở Thái Bình Dương vào năm 2018 có thể được cung cấp năng lượng bởi sự kết hợp bởi hiện tượng nước biển ấm trong khu vực và gió di chuyển theo hướng đông. Tuy nhiên, các nhà khí tượng học vẫn không rõ tại sao các đám mây dông có nhiệt độ siêu lạnh đang trở nên phổ biến "
Bây giờ chúng ta cần phải hiểu liệu sự gia tăng này là do biển đổi khí hậu, hay đây chỉ đơn thuần là một 'cơn bão hoàn hảo' được sinh ra bởi điều kiện thời tiết hiện tại, vốn liên tục tạo ra các đợt mưa giông cực đoan trong vài năm qua".
Tham khảo Live Science