Trục trặc bất ngờ
Theo BBC, sự kiện có tên "Trận chiến Palmdale" xảy ra khoảng 10 năm sau Thế Chiến II, giữa giai đoạn Mỹ đang trải qua Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô. Tuy nhiên, trong "Trận chiến Palmdale", mối đe dọa không tới từ Liên Xô hay không lực nước ngoài, mà tới từ chính quân đội Mỹ.
Lúc 11 giờ 34 phút sáng ngày thứ Năm, 16/8/1956, một thiết bị bay đặc biệt được phóng đi từ căn cứ không quân tại California. Thiết bị này từng là chiến đấu cơ Grumman F6F Hellcat nhưng đã được điều chỉnh lại thành máy bay không người lái – hay còn gọi là drone.
Theo kế hoạch, chiếc Hellcat sẽ được dùng làm mục tiêu cho cuộc thử tên lửa. Sau khi cất cánh và bay chậm rãi trên Thái Bình Dương, nó sẽ trở thành "tấm bia" cho tên lửa của quân đội và rơi xuống biển.
Nhưng chuyện bất ngờ đã xảy ra, chiếc Hellcat đột ngột mất tín hiệu với trung tâm điều khiển từ xa và chuyển hướng đông nam, nhắm vào thành phố Los Angeles. Đây là việc cực kì nghiêm trọng bởi nếu rơi xuống khu đông dân cư, vụ va chạm sẽ gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Các sĩ quan hải quân nhanh chóng nối đường dây với Căn cứ Không quân Oxnard - nơi các phi công luôn sẵn sàng xuất phát trong trường hợp máy bay ném bom Nga tấn công. Hai phi cơ F-89D Scorpion được cử đi để bắn hạ chiếc Hellcat.
Máy bay Grumman F6F Hellcat. Ảnh: John Campbell
Mất một khoảng thời gian, các phi công đã đuổi kịp máy bay không người lái khi ấy đang bay qua vùng trời Los Angeles, ngay phía dưới là một khu vực thưa dân cư.
Những chiếc F-89 chớp lấy cơ hội, dự định dùng các tên lửa "Mighty Mouse" để bắn hạ. Đây là loại không dẫn đường, sử dụng đầu đạn nổ, có thể hạ gục nhanh gọn chiếc Hellcat nếu bắn trúng mục tiêu.
Trục trặc bắt đầu từ đây. Các phi công không thể bắn tên lửa bằng hệ thống tự động, đành phải kích hoạt bằng tay. Chiếc F-89 đầu tiên khai hỏa nhưng 42 quả tên lửa đều trượt. Chiếc thứ hai bắn một đợt 42 quả tên lửa nữa nhưng cũng không trúng.
Tình hình ngày càng trở nên báo động hơn khi máy bay Hellcat "dạt" về một thị trấn có tên Newhall. Hai máy bay F-89 tiếp tục tung hỏa lực trong vô vọng: không quả tên lửa nào trúng đích.
Cuối cùng, khi chiếc Hellcat đổi hướng về Palmdale, mỗi phi cơ F-89 lại bắn một đợt nữa. Kết quả là, chiếc máy bay không người lái Hellcat đã "né" được tổng cộng 208 quả tên lửa, tiếp tục bay cho tới lúc hết nhiên liệu. Cuối cùng, nó rơi xuống Palmdale, cắt đứt hàng loạt dây điện khi tiếp đất.
Máy bay F-89D Scorpion được cử đi để bắn hạ chiếc Hellcat. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Dư âm vụ việc
Không ai bị thương hay thiệt mạng trong vụ việc. Tuy nhiên, số tên lửa bắn trượt lại gây thảm họa. Hai chiếc F-89 đã để lại vô số thiệt hại trên đường truy đuổi máy bay không người lái. Các trang báo ngày hôm sau đã thống kê sơ bộ thiệt hại gây ra bởi sự cố này.
Lửa lan một khoảng rộng 350 héc-ta gần thị trấn Newhall trong khi các mảnh vỡ làm nứt nhiều cửa kính quanh khu vực. Hàng trăm lính cứu hỏa đã được điều động tới để dập tắt đám cháy và dọn dẹp hậu quả. Một thanh niên đang lái xe ở Palmdale may mắn không bị thương khi mảnh tên lửa văng xuyên qua kính chắn gió.
Một tờ báo cho rằng vụ việc là hậu quả của "cuộc đánh bom không chủ ý" trong khi Los Angeles Times miêu tả chuyến bay của của chiếc Hellcat là "không được kiểm soát và cực kì nguy hiểm."
Không phải tất cả các tên lửa rơi xuống đất đều phát nổ, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không còn nguy hiểm. Không quân Mỹ đã phải phân phát tờ hướng dẫn sơ bộ về vũ khí để người dân trong khu vực đề phòng, tránh các tai nạn chết người.
Nhà khảo cổ học hàng không Peter Merlin nhận xét: "Đây là một sự kiện lạ lùng. Họ [Quân đội Mỹ] thường sử dụng máy bay không người lái Hellcat trong các đợt thử bom hạt nhân để thu thập dữ liệu từ đám mây phóng xạ."
Người dân địa phương và các sĩ quan an ninh tại hiện trường nơi máy bay Hellcat rơi. Ảnh: Thư viện Los Angeles
Ông Merlin cũng ngạc nhiên trước số máy bay quân sự hoạt động tại California tại thời điểm đó. Theo ông, có khoảng 700 vụ máy bay rơi từ những năm 1930. "Hầu hết trong số chúng đều là máy bay quân sự hoặc máy bay thử nghiệm," ông nói.
Thất bại của không quân Mỹ?
Nhiều chuyên gia hoài nghi tại sao phi cơ của không quân Mỹ không thể nào hạ gục được chiếc Hellcat không người lái, đặc biệt sau khi đã bắn nhiều tên lửa như vậy?
Theo ông Doug Barrie thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, việc này không hề đơn giản như vẫn tưởng.
"Hai chiếc máy bay trong không gian ba chiều khó có thể bắn trúng mục tiêu, đặc biệt khi chúng còn sử dụng tên lửa không dẫn đường. Nếu bắn trượt càng nhiều thì càng khó bắn trúng những lần sau," ông Barrie cho biết.
Khi được hỏi về khả năng chuyện tương tự sẽ xảy ra trong tương lai, ông Barrie khá lạc quan và khẳng định tỉ lệ sẽ rất thấp bởi các vũ khí và phương tiện điều khiển từ xa ngày nay thường được trang bị cơ chế tự phá hủy.
Tư liệu về tên lửa Mighty Mouse, được sử dụng bởi các máy bay F-86D Sabre, F-89 Scorpion, F-94 Starfire, và F-102 Delta Dagger. Nguồn: Youtube
"Không chỉ có vậy, nếu dữ liệu bị mất, phương tiện không người lái có thể quay trở lại quỹ đạo trước đó để thu thập lại dữ liệu," ông Barrie tiết lộ.
Sự kiện ở Palmdale chắc chắn không phải là ví dụ duy nhất về việc máy bay vượt tầm kiểm soát. Năm 2009, Không quân Mỹ đã bắn hạ thành công một máy bay không người lái khác bay ngoài không phận Afghanistan.
Máy bay có người lái đôi lúc cũng gặp trục trặc. Năm 1970, chiếc máy bay Convair F-106 xoay vòng trên bầu trời Montana, buộc phi công phải tính tới trường hợp thoát hiểm. Sau đó, nhờ kĩ năng và kinh nghiệm, phi công đã ổn định máy bay và hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng phủ tuyết.
Theo ông Barrie, trục trặc kĩ thuật và công nghệ là vấn đề không bao giờ tránh khỏi.
Ông Merlin cũng đồng tình rằng tai nạn là một phần của lịch sử ngành hàng không. "Trận chiến Palmdale" dù không gây thiệt mạng về người, nhưng chắc chắn là một sự kiện đặc biệt về cuộc chiến giữa con người và máy móc trên bầu trời Los Angeles 60 năm trước đây.