Trung Đông từ thời kỳ "Chiến tranh Lạnh" luôn là nơi diễn ra sự tranh giành gay gắt giữa các nước và họ cần lực lượng không quân mạnh để giải quyết những cuộc tranh chấp.
Tờ Military Watch (Mỹ) đã đánh giá Top 5 tiêm kích nguy hiểm nhất đang có trong biên chế lực lượng vũ trang các nước trong khu vực. Trong danh sách này không tính tới máy bay chiến đấu của những quốc gia khác được triển khai tại các căn cứ địa phương và những chiếc chưa được bàn giao dù đã đặt hàng.
Su-35 bá chủ Trung Đông
Tiêm kích Su-35 của Không quân Ai Cập xếp ở vị trí thứ nhất. Họ đã đặt hàng những chiếc tiêm kích thế hệ thứ 4++ đa năng và siêu cơ động của Moscow vào năm 2018 và nhờ các máy bay này để cố gắng khép lại giai đoạn 40 năm không đoái hoài tới không quân của mình.
Tiêm kích Su-35 của Không quân Ai cập
Không có gì phải nghi ngờ, Su-35 xứng đáng với vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng. Đó là dòng tiêm kích có khả năng chiến đấu tốt nhất Trung Đông và châu Phi, với một loạt chức năng được mở rộng.
Nó được lắp đặt động cơ điều khiển vector, radar Irbis-E cực đỉnh đi kèm với những vũ khí tối tân và đa dạng. Nó có thể mang tới 14 quả tên lửa.
Không quân Ai Cập đã đặt hơn 20 chiếc Su-35 và đã tiếp nhận một phần trong số đó. Cairo không có ý định dừng lại ở đó và yêu cầu Nga cung thêm số lượng tương tự, để thay thế những máy bay F-16 lỗi thời và được vũ trang kém sắp bị loại biên.
Tiêm kích F-15SA của Không quân Saudi Arabia xếp ở vị trí thứ hai. Dòng tiêm kích tấn công hạng nặng này mang trong mình tất cả những thành tựu công nghệ có được trong quá trình phát triển các biến thể F-15K và F-15SG được sản xuất lần lượt cho cho Hàn Quốc và Singapore.
Hợp đồng cung cấp F-15SA giữa Ryad và Washington từng là thỏa thuận quân sự lớn nhất trong lịch sử thế giới. Saudi Arabia đã có 70 chiếc máy bay mới này, nhưng họ vẫn tiếp tục đặt thêm. Ngoài ra, 81 chiếc F-15C/D lỗi thời cũng sẽ được hiện đại hoá.
Tiêm kích F-15SA được trang bị hệ thống điện tử mới, có khả năng đạt tới vận tốc 2,5M và có thể cơ động tốt ở vận tốc lớn và có thể mang tới 12 tên lửa, vượt trội hơn hẳn so với bất cứ tiêm kích xuất khẩu nào khác của phương Tây.
Nhờ hệ thống radar mạnh AESA, nó có khả năng quan sát diễn biến tình hình xung quanh rất tốt, nhưng nó lại không được trang bị các tên lửa không đối không thuộc các phiên bản đời mới nhất của tên lửa AIM-120D (tầm bắn lên tới 180km) của Mỹ hoặc MBDA Meteor (hơn 100km) của châu Âu.
Tiêm kích F-15SA của Không quân Saudi Arabia
F-35A của Không quân Israel xếp ở vị trí thứ ba. Tạm thời đây là chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 duy nhất tại Trung Đông. Nó là tiêm kích tàng hình một động cơ giống F-22, có khả năng triển khai chiến tranh kết nối mạng lưới.
F-35A vẫn còn lâu mới đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu đúng nghĩa và tạm thời chưa thể tham gia vào các cuộc xung đột với tần suất trung bình do có những vấn đề nghiêm trọng về kỹ thuật, mà phải đến năm 2025 may ra mới giải quyết được.
F-14A của Không quân Iran xếp ở vị trí thứ tư. Đó là những tiêm kích hạng nặng nhất của Trung Đông và đắt đỏ nhất vào thời của mình.
F-14A của Không quân Iran.
Tehran từng là khách hàng duy nhất của chiếc máy bay này vào thập niên 70 và việc hiện giờ chúng vẫn lọt vào Top 4 theo đánh giá của Military Watch (Mỹ) khiến người ta kinh ngạc.
F-14A là cỗ máy rất đáng gờm trong không chiến và đã bắn hạ hơn 160 tiêm kích của Không quân Iraq. Vào thời điểm hiện nay, Không quân Iran đã tiến hành hiện đại hoá F-14A. Ngoài ra, chúng đã được trang bị dòng tên lửa Fakour 90 tuyệt vời.
Tiêm kích EF-2000 Eurofighter Typhoon Tranche 2 của Không quân Saudi Arabia đứng cuối cùng trong Top 5. Chúng được bàn giao trong giai đoạn 2009-2014. Nó nhẹ và rẻ hơn so với F-15 Eagle.
So với phiên bản Eurofighter Typhoon Tranche 3 đời mới, nó thua kém khá nhiều về các tính năng. Cách đây không lâu Kuwait đã đặt mua Tranche 3. Còn Tranche 2 của Saudi Arabia không sở hữu radar AESA và tên lửa Meteor, điều khiến cho khả năng chiến đấu tầm xa của chúng chỉ ở mức trung bình.