Su-30MK2 có đủ sức "bắt chết" tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc như Su-30MKI?

Nam Đồng |

Theo DRW, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc khi huấn luyện trên cao nguyên Tây Tạng đã bị radar của Su-30MKI phát hiện và theo dõi. Liệu Su-30MK2 có làm được như vậy?

Defense Research Wing (DRW) cho biết sự kiện trên này xảy ra vào tháng Một năm nay, khi máy bay chiến đấu Trung Quốc tập luyện không chiến gần biên giới Ấn Độ. Các phi công Ấn Độ đã theo dõi cuộc diễn tập từ không phận của mình, họ nói rằng radar trên tiêm kích Su-30MKI có thể phát hiện ra máy bay tàng hình.

"Máy bay mới của Trung Quốc không tàng hình, do đó Không quân Ấn Độ (IAF) có thể đối phó trước những thách thức. Radar của Su-30MKI đã có thể nhìn thấy chúng, vì vậy sự xuất hiện của J-20 sẽ không ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong khu vực", DRW dẫn phát biểu từ đại diện của IAF.

Nếu những gì Không quân Ấn Độ tuyên bố là chính xác, thì đây sẽ là một phát hiện gây chấn động, chứng minh chiến đấu cơ thế hệ 4 cũng đủ khả năng đối đầu một cách sòng phẳng trước tiêm kích tàng hình tối tân thuộc thế hệ 5.

Su-30MK2 có đủ sức bắt chết tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc như Su-30MKI? - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ thế hệ 5 Chengdu J-20 của Không quân Trung Quốc

Vấn đề đang được quan tâm lúc này có lẽ là trong các phiên bản Su-30 được Nga xuất khẩu ra nước ngoài thì biến thể phổ biến nhất Su-30MK2 có làm được điều tương tự Su-30MKI, tức là radar của nó nhận biết được sự xuất hiện của chiếc J-20 trong khu vực giao chiến? Để có cái nhìn chính xác nhất thì đầu tiên cần xác định rõ tính năng của hai chiếc chiến đấu cơ này.

Su-30MKI của Ấn Độ là phiên bản thiên về tiêm kích phòng không, "trái tim" của nó chính là radar mảng pha quét thụ động N011M BARS-M có tầm trinh sát tối đa 400 km, theo dõi được 15 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 4 mục tiêu cùng lúc.

Su-30MK2 có đủ sức bắt chết tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc như Su-30MKI? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Venezuela.

Trong khi đó, theo số liệu công bố bởi Sukhoi (Nga), Su-30MK2 thiên về cường kích đánh biển, được trang bị radar N001 VEP có phạm vi theo dõi mục tiêu trên không khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km. Radar của Su-30MK2 có thể bám bắt 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.

Mặc dù Nga chưa công bố rõ ràng tầm phát hiện của hai radar trên đối với từng loại mục tiêu có diện tích phản xạ cụ thể, nhưng dễ dàng nhận thấy tính năng của N011M cao cấp hơn N001 VEP khá nhiều.

Khi xét cùng một đối tượng như J-20, nếu điều kiện giao chiến tương tự thì Su-30MKI chắc chắn sẽ nhìn thấy trước Su-30MK2. Chiếc Su-30MK2 nhiều khả năng vẫn nhận biết được J-20, tuy nhiên không rõ cự ly này có đủ để nó kịp đưa ra biện pháp đối phó tương tự như điều Su-30MKI đã làm được hay không?

Su-30MK2 có đủ sức bắt chết tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc như Su-30MKI? - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Uganda.

Ngoài theo dõi bằng radar, Su-30MK2 còn một phương pháp nữa để "vạch mặt" tiêm kích tàng hình J-20 đó là sử dụng hệ thống trinh sát quang điện tử OLS-30. Tuy rằng các máy bay thế hệ 5 có khả năng che giấu tín hiệu hồng ngoại nhưng chỉ có thể giảm thiểu chứ không triệt tiêu được hoàn toàn.

Trong các cuộc tập trận với đồng minh NATO, tiêm kích F-22 và máy bay ném bom B-2 đã nhiều lần bị camera hồng ngoại của chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon hay Rafale "tóm sống".

Đối với chiếc tiêm kích J-20 của Trung Quốc mang tiếng là có khả năng tàng hình, nhưng hiện tại nó vẫn chưa được lắp động cơ "chuẩn thế hệ 5", điều đó đồng nghĩa với việc hoàn toàn có khả năng bị lộ diện trước khí tài trinh sát quang học OLS-30 lắp trên Su-30MK2.

Tiêm kích thế hệ 5 Chengdu J-20 bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại