Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào?

TẤN MINH |

Tuy nhiên, những câu hỏi về chất lượng có lẽ sẽ gây ra không ít bất lợi cho chiếc smartphone màn hình gập FlexPai giá 1.300 USD của Royole.

Là một startup khá ít tiếng tăm đến từ Trung Quốc, Royole lại thu hút được rất nhiều sự chú ý. Nhà sản xuất màn hình uốn dẻo trụ sở tại Thâm Quyến này đã khiến cả ngành công nghiệp di động sửng sốt vào mùa thu năm ngoái khi đánh bại của hai gã khổng lồ công nghệ là Samsung Electronics và Huawei Technologies để tung ra chiếc điện thoại màn hình gập thương mại đầu tiên trên thế giới.

Tại MWC 2019 (Hội nghị di động) diễn ra tại Barcelona mới đây, Samsung và Huawei đã khua chiêng gõ trống rầm rộ với hai mẫu điện thoại màn hình gập giá trên 2.000 USD của họ. Nhưng họ không làm được điều mà Royole đã làm: cho mọi người cơ hội được chạm và dùng thử cải tiến đáng kể bậc nhất của ngành công nghiệp di động trong nhiều năm trở lại đây. 

Samsung Galaxy Fold và Huawei Mate X, dù đẹp hơn và đắt hơn đáng kể so với mức giá 1.300 USD của Royole FlexPai, lại được đặt trong những chiếc lồng kính, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào? - Ảnh 1.

Smartphone màn hình gập Royole FlexPai

Royole không phải là một gã khổng lồ công nghệ. Mới thành lập được 7 năm, hãng này thậm chí chưa từng sản xuất ra chiếc smartphone nào trước đây. Nhưng cuối năm ngoái, Royole đã bắt đầu sản xuất đại trà chiếc FlexPai tại Thâm Quyến.

Thành tựu đó, cùng với sở trường về màn hình và cảm biến uốn cong được của Royole, đã khiến nhiều công ty quốc tế lớn để ý. Vào tháng 12, hãng đã ký kết một thoả thuận với Airbus, đại gia hàng không của châu Âu, để cùng phát triển màn hình và cảm biến uốn dẻo cho các loại buồng lái máy bay thế hệ mới.

Trên website của mình, Royole tuyên bố nhiều thứ mà họ đạt được đầu tiên trên thế giới: cảm biến uốn dẻo và màn hình AMOLED uốn dẻo đầy đủ màu sắc mỏng nhất thế giới (2014); rạp phim di động 3D gập được đầu tiên trên thế giới, với headphone thu gọn được gắn trên một thiết bị đeo 3D (2015); bảng điều khiển xe hơi uốn cong dựa trên các thiết bị điện tử uốn dẻo đầu tiên trên thế giới (2016). 

Hãng cũng nắm giữ hơn 2.500 bằng sáng chế và có một nhà máy sản xuất màn hình uốn dẻo rộng 102.000 mét vuông ở Thâm Quyến, cùng các văn phòng đặt tại California và Hongkong.

Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào? - Ảnh 2.

Tổng quan về Royole:

- Giá trị: 5 tỷ USD trong vòng gọi vốn E mới nhất.

- Cổ phần của các nhà sáng lập: Bill Liu 41%, Wei Peng 5.2%, Yu Xiaojun 4.7%.

- Nhân công: hơn 2.300 người, trong đó 70% làm việc trong bộ phận R&D ở Thâm Quyến, Hongkong và Thung lũng Silicon.

- Khách hàng doanh nghiệp: hơn 200 công ty tính đến tháng 1/2019.

Tất cả mọi thứ nêu trên bắt đầu từ khi đồng sáng lập và CEO Bill Liu còn là một sinh viên đại học Stanford.

Vào năm 2006, chàng sinh viên 23 tuổi gốc Giang Tây này đến Stanford để theo đuổi bằng tiến sỹ, sau khi nhận chứng chỉ kỹ sư điện tại Đại học Thanh Hoa - một trong những đại học uy tín hàng đầu Trung Quốc. Ngay sau khi đến Stanford, Liu đã bắt đầu hoạch định những thứ sẽ làm sau khi hoàn tất khoá học.

Ý tưởng phát minh ra một màn hình có thể uốn dẻo như một tờ giấy bỗng xuất hiện trong đầu anh. "Tôi nghĩ điều đó sẽ cực kỳ thú vị, và những màn hình uốn dẻo có thể sẽ cách mạng hoá cách chúng ta tương tác với thế giới" - anh hồi tưởng lại.

Trong 3 năm tiếp theo của chương trình nghiên cứu Tiến sỹ, Liu đã dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm của trường đại học, cố giải bài toán đau đầu của chính mình. "Tôi tập trung vào ý tưởng đó đến nỗi nghĩ về nó suốt ngày và đêm" - Liu nói.

Khi cuối cùng cũng tìm ra một giải pháp khả thi vào năm 2012, Liu rời bỏ công việc nghiên cứu tại IBM ở New York và quay về Trung Quốc cùng hai người bạn học Stanford là Wei Peng và Yu Xiaojun - để cùng nhau khởi sự Royole.

"Bởi chẳng hề có ví dụ nào để học hỏi, chúng tôi phải làm mọi thứ từ số 0" - Liu nói - "Chúng tôi thử và thất bại. Thử lại và tiếp tục thất bại... Màn hình chúng tôi làm ra chứa đến hơn 20 triệu bóng bán dẫn và gần 100 vật liệu nano. Chúng tôi phải làm mọi thứ chính xác để nó có thể hoạt động. Nếu nói việc thử nghiệm là cực kỳ mệt mỏi thì có lẽ vẫn còn nói giảm nói tránh".

Trong những ngày đầu tiên đó, Liu phải dùng khoản tiền tiết kiệm của mình để tài trợ cho công việc. Nhưng những cam kết anh đưa ra đã thu hút được các nhà đầu tư. Dù vẫn còn nhiều hoài nghi về công nghệ này - một số nhà phân tích dự báo màn hình uốn dẻo sẽ chỉ được thương mại hoá vào năm... 2040. 

Hai nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc quyết định chấp nhận rủi ro. "Chúng tôi tin rằng Liu và nhóm của anh ấy sẽ làm được. Anh ấy có một lý lịch quá ấn tượng" - Li Wei, đối tác sáng lập của Shenzen Green Pine Capital Partners, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Royole, cho biết vào năm 2015.

Niềm tin của họ đã được đền đáp. Vào năm 2014, Royole tung ra sản phẩm đầu tiên, một màn hình uốn dẻo đầy đủ màu sắc, mỏng như lớp vỏ củ hành. Màn hình này sau đó được sử dụng bởi các nhà quảng cáo để tích hợp lên quần áo, như những chiếc áo thun phát sáng hay mũ rộng vành cho các chiến dịch quảng cáo. 

Các sản phẩm khác bao gồm một bàn phím máy tính cuộn được, có thể thu gọn lại như một cây bút, hay một chiếc sofa thông minh không hề có nút bấm vật lý nào nhưng có thể điều chỉnh chỉ với một chạm vào phần kê tay.

Tại CES hồi đầu năm nay diễn ra ở Las Vegas, khách ghé thăm đã cực kỳ phấn khích trước các sản phẩm của Royole.

Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào? - Ảnh 3.

Biểu đồ thị phần các nhà sản xuất màn hình AMOLED Trung Quốc và Hàn Quốc

"Thứ này khá dễ sử dụng" - Yejong Chang nói khi đang chụp hình với gậy selfie gắn cảm biến uốn dẻo của Royole. Cô nàng mê selfie đến từ Seoul cho biết gậy selfie truyền thống chỉ cho phép cô nhấn nút chụp mà thôi, còn sản phẩm của Royole cho phép cô sử dụng nhiều chức năng khác như zoom in và zoom out chỉ bằng cách di chuyển các ngón tay. "Tôi chưa từng thấy thứ gì như thế này trước đây".

Trước khi tung ra smartphone màn hình uốn dẻo vào tháng 10, Royole chủ yếu chỉ được biết đến trong giới kinh doanh thay vì người tiêu dùng. 

Liu cho biết startup của anh đã cung ứng các màn hình uốn dẻo tuỳ biến cho hơn 200 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm nhà sản xuất hàng hoá thể thao Hongkong Li Ning Company và nhà sản xuất thiết bị thông minh Trung Quốc Toppers. 

Quan hệ đối tác với Airbus là một bước tiến đáng kể, dù cho hai công ty chưa đưa ra lịch trình cụ thể nào cho việc sản xuất các màn hình trong buồng lái máy bay cả.

Royole từ chối tiết lộ doanh thu thường niên, nhưng Liu nói rằng một nửa doanh số đến từ các thị trường nước ngoài. Anh tránh né câu hỏi liệu có phải công ty của anh đang chịu thua lỗ hay không.

"Sinh lời không phải ưu tiên của chúng tôi tại thời điểm này", Liu nói. "Là một startup giai đoạn đầu, nếu bạn quan tâm quá nhiều về việc sinh lời, bạn sẽ không thực hiện đủ những cải tiến cần thiết, vì cải tiến đòi hỏi đầu tư lớn. Chúng tôi tin rằng một khi có những sản phẩm tiên tiến bậc nhất, lợi nhuận sẽ theo sau".

Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào? - Ảnh 4.

Quầy hàng của Royole tại MWC Barcelona là nơi duy nhất khách hàng có thể thực sự chạm tay vào một chiếc smartphone màn hình gập

Thực sự thì công ty này không có khả năng sản xuất đại trà màn hình uốn dẻo của mình cho đến tận 7 tháng trước, khi nhà máy tại Thâm Quyến đi vào hoạt động từ tháng 6.

Các nhà đầu tư không có vẻ gì là thất vọng. Royole được chống lưng bởi các tập đoàn đầu tư mạo hiểm hạng A như Knight Capital và IDG Capital, cũng như trùm dịch vụ tài chính Trung QUốc Xie Zhikun. Công ty này được định giá 5 tỷ USD trong vòng gọi vốn E mới nhất hồi tháng 8 năm ngoái.

Dữ liệu từ cổng thông tin Crunchbase cho thấy Royole đã nhận tổng cộng 1,1 tỷ USD đầu tư kể từ khi mới thành lập. Liu cho biết ở Barcelona tuần qua rằng anh đang xem xét thực hiện một vòng gọi vốn mới.

Liu hiện sở hữu gần 41% công ty, trong khi hai nhà đồng sáng lập là Wei và Yu giữ lần lượt 5.2% và 4.7%.

Royole ngày nay đã đi một quãng đường rất dài từ chỗ chỉ có duy nhất một văn phòng nhỏ ở Thâm Quyến (văn phòng này thậm chí còn chẳng có biển tên trước cửa). Công ty hiện có một nhà máy sản xuất có kích thước bằng 56 sân bóng đá với hơn 2.300 nhân viên. 

Gần 70% số nhân viên này là các nhà khoa học và kỹ sư làm việc tại 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Thâm Quyến, Hongkong và Thung lũng Silicon.

Với khả năng sản xuất 50 triệu thiết bị mỗi năm, nhà máy mới của Royole ở Thâm Quyến hiện cung ứng màn hình uốn dẻo cho smartphone màn hình gập của chính họ và các khách hàng công nghiệp khác. 

Dù mọi sản phẩm đều được sản xuất ở Trung Quốc, Liu cho biết công việc kinh doanh của họ tại Mỹ cho đến nay chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bởi các sản phẩm này không nằm trong danh mục trừng phạt thuế.

Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào? - Ảnh 5.

Quá trình phát triển của Royole

- 2012: các kỹ sư tốt nghiệp Stanford là Bill Liu, Wei Peng, Yu Xiaojun thành lập Royole tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

- 2014: hãng giới thiệu sản phẩm đầu tiên, một màn hình AMOLED uốn dẻo đầy đủ màu sắc, dày chỉ 0,01mm với các cảm biến uốn dẻo.

- 2015: nhà máy Thâm Quyến bắt đầu sản xuất cảm biến uốn dẻo, ngoài ra hãng còn giới thiệu rạp hát di động 3D gập được đầu tiên của mình.

- 2016: giới thiệu bảng điều khiển xe hơi uốn cong đầu tiên, dựa trên các thiết bị điện tử uốn dẻo.

- 2017: giới thiệu RoWrite, bảng viết thông minh tích hợp cảm biến uốn dẻo đầu tiên của hãng.

- 2018 - tháng 6: nhà máy Thâm Quyến bắt đầu sản xuất hàng loạt màn hình uốn dẻo, công suất 50 triệu thiết bị mỗi năm; tháng 10: giới thiệu smartphone màn hình uốn dẻo đầu tiên trên thế giới tại Bắc Kinh.

Liu từ chối tiết lộ đã bán được bao nhiêu chiếc FlexPai kể từ khi nó xuất hiện trên thị trường vào tháng 11 năm ngoái, nhưng cho biết doanh số "đang rất tốt".

Anh đặc biệt tự hào khi Royole được so sánh với Apple. "Ai đó nói với tôi rằng FlexPai làm họ nhớ đến chiếc iPhone đầu tiên, hay sự ra mắt của hệ điều hành Android. Tôi như bay lên cung trăng khi họ gọi nó là 'chiếc smartphone được tái phát minh'".

Smartphone màn hình gập Royole FlexPai

Nhưng Royole FlexPai ngay lúc này đang phải đối đầu với những đối thủ cực mạnh đến từ Samsung và Huawei, và sẽ còn nhiều đối thủ khác trong thời gian tới. Ngay cả hãng sản xuất TV Trung Quốc là TCL cũng sắp tham chiến với kế hoạch tung ra một chiếc smartphone có thể gập lại thành smartwatch.

Các nhà quan sát thị trường nhận định FlexPai sẽ gặp nhiều khó khăn để tồn tại trước các đối thủ như vậy. Nhưng họ còn nói rằng có lẽ Royole không hề có dự định làm điều đó.

Nhu cầu thị trường đối với các màn hình uốn dẻo đang ngày một tăng cao trong bối cảnh các hãng sản xuất xe hơi, smartphone và nhiều lĩnh vực khác đang ráo riết sản xuất nhiều thiết kế hiệu quả và thú vị hơn. Thị trường màn hình uốn dẻo toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng gấp đôi vào năm 2021, so với con số gần 14 tỷ USD vào năm ngoái - theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit.

"Cơ hội tốt nhất của Royole không phải là trở thành hãng smartphone dẫn đầu, mà là bán công nghệ và cải tiến của họ cho các nhãn hiệu khác" - Benjamin Stanton, một nhà phân tích gạo cội tại viện nghiên cứu toàn cầu Canalys nói - "Do đó, những cuộc gặp gỡ quan trọng bậc nhất sẽ diễn ra trong phòng họp đằng sau quầy hàng của họ, chứ không phải ngay tại quầy".

Màn hình của Royole tại MWC đã thu hút nhiều lãnh đạo từ Huawei và ZTE, vốn đều có tham vọng lớn đối với thế hệ tiếp theo của công nghệ di động. Và cả hai đều không sản xuất màn hình uốn dẻo.

Startup Trung Quốc này đã qua mặt điện thoại màn hình gập của Samsung và Huawei như thế nào? - Ảnh 7.

Huawei Mate X (trái) và Samsung Galaxy Fold (phải), hai chiếc smartphone màn hình gập giá trên 2.000 USD

Nhưng một số nhà phân tích vẫn thận trọng. Công ty sẽ phải chiến đấu chống lại sự thống trị của Samsung, vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất hàng loạt màn hình OLED chất lượng cao. Royole còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt đến từ BOE Technology Group - công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, đang cung ứng màn hình uốn dẻo cho Huawei.

"Tôi sẽ không đặt Royole vào cùng phân khúc với Samsung. Tôi tin tương lai của công nghệ màn hình uốn dẻo sẽ vẫn nằm trong tay của những hãng sản xuất màn hình truyền thống bởi họ thực sự biết rõ ngành công nghiệp này" - Eric Chiou, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường WitsView (Đài Loan) nói - "Luôn có những quan ngại về việc sản phẩm họ cung cấp sẽ ổn định ra sao và ở mức chất lượng như thế nào".

Tháng trước, Royole đã đưa ra một lời tuyên bố nhằm bảo vệ cho công nghệ của mình, nói rằng công ty đã nhận được những đơn đặt hàng trị giá 4 tỷ Nhân dân tệ (590 triệu USD) cho các màn hình uốn dẻo của hãng trong Quý 4/2018.

Nhà sáng lập của kỳ lân Trung Quốc cho biết anh "không lo âu" trước tình hình cạnh tranh hiện tại hay những câu hỏi liên quan đến động cơ của anh khi tung ra FlexPai.

"Chúng tôi đã phát triển màn hình uốn dẻo trong nhiều năm, và chúng tôi rất vui khi thấy nhiều công ty nhận ra công nghệ này là một hướng đi mà tất cả chúng ta đều muốn theo đuổi như thế hệ đổi mới tiếp theo" - Liu nói.

Tuy thế nhưng ông chủ của Royole không thể cưỡng lại việc dèm pha các đối thủ của mình - những hãng sở hữu những chiếc điện thoại màn hình uốn dẻo nằm trong lồng kính như trêu ngươi người tiêu dùng: "Tôi tự hào khi nói rằng chúng tôi là công ty duy nhất bán ra những sản phẩm mà người tiêu dùng có thể chạm, vọc, và cảm nhận".

Tham khảo: Nikkei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại