Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) mới công bố doanh thu tổng của tập đoàn năm 2016 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, vượt qua cả Saigon Co.op - sở hữu chuỗi Co.op Mart - để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Doanh thu này đến từ chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, tương ứng là 27.995 tỷ và 11.671 tỷ. Tập đoàn này đặt mục tiêu cho Điện máy Xanh đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm nay, đề sánh với mức tỷ đô của Thế Giới Di Động.
Mặc dù tăng trưởng 50% nhưng chuỗi Thế Giới Di Động đang tăng trưởng chậm lại so với Điện máy Xanh.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG, hôm 13/1 cho biết năm 2017 sẽ ngưng mở thêm cửa hàng Thế Giới Di Động hoặc chỉ mở khoảng 100 cửa hàng vì cho rằng hơn 1.000 cửa hàng hiện nay đã đủ phủ rộng. Công việc sắp tới của chuỗi này sẽ tập trung vào chất lượng dịch vụ bán hàng.
Với việc chiếm khoảng 35-40% thị phần bán lẻ điện thoại, có thể thấy chuỗi Thế Giới Di Động sẽ không còn tăng trưởng thần kỳ trong những năm tới nữa, đồng nghĩa với mức doanh thu sẽ khó vượt xa mức doanh thu hiện tại.
Để tiếp tục tăng trưởng, MWG cần phải mở rộng ngành nghề. Sau Điện máy Xanh, MWG tung Bách hóa Xanh và dự định trở thành chuỗi “có số má trên thị trường vào năm 2020”, tức lọt vào top 3 – như lời ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch HĐQT MWG) – chia sẻ trong hôm 13/1.
Tiếp theo Bách hóa Xanh, MWG vừa đẻ ra một sản phẩm mới, trang thương mại điện tử Vuivui.com – chính thức ra mắt hôm 13/1 sau thời gian chạy thử nghiệm.
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết Vuivui là một công ty khởi nghiệp của MWG. Từ mức doanh thu không đáng kể hiện nay, Vuivui sẽ vượt Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trong 5-7 năm nữa, có lúc ông cho biết thời điểm vượt có thể trong 3-5 năm tới. Ông không nói rõ Vuivui sẽ vượt chuỗi Thế Giới Di Động hoặc Điện máy Xanh, hay vượt cả tổng doanh thu hai chuỗi đó.
Một phần giao diện trang Vuivui.com.
Như vậy, từ một công ty khởi nghiệp chưa được người tiêu dùng biết tới, có thể trong vòng 5 năm nữa, Vuivui sẽ vượt doanh thu của “ngôi sao” Thế Giới Di Động – với hơn 1.000 cửa hàng phủ khắp Việt Nam hiện nay.
Trong khi thị trường điện máy, điện thoại khá chuyên biệt và tốc độ tăng trưởng không còn cao như trước, thị trường bán lẻ nói chung lại có quy mô lớn hơn và thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng nhanh.
Trong các năm vừa qua, mức tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 20%/năm. Dự báo đến năm 2020, quy mô ngành này tại Việt Nam đạt 10 tỷ USD – chiếm 5% tỷ trọng ngành bán lẻ cả nước.
Giả sử Vuivui chiếm khoảng 20% thị phần của ngành thì trong 3 năm tới có doanh thu 2 tỷ USD, vượt qua cả Thế Giới Di Động cộng Điện máy Xanh hiện nay. Điều này dù khó khăn nhưng không phải không thể trở thành hiện thực, khi hai thương hiệu Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh do MWG vận hành đều nắm vị trí số 1 ở các lĩnh vực mình hoạt động.
Tuy vậy, nếu Thế Giới Di Động khi ra đời cách đây hơn chục năm gặp thiên thời – chỉ đấu với các doanh nhân truyền thống trong nước – thì hiện nay Vuivui gặp nhiều khó khăn hơn.
Sản phẩm khởi nghiệp này sinh ra trong bối cảnh ngành bán hàng qua mạng cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt tên tuổi lớn đã ra đi, chỉ còn trụ lại những doanh nghiệp lớn có sự giúp sức của dòng vốn nước ngoài. Nổi bật trong số đó có Lazada (hậu thuẫn bởi ông trùm thương mại điện tử Alibaba), hay Tiki (có sự hỗ trợ của VNG), hoặc Adayroi (của Vingroup), Sendo (của FPT).
Vuivui hoạt động theo mô hình B2C, giống với Tiki; khác với các mô hình marketplace của Lazada, Sendo…
Để tạo sự khác biệt, ông Tài cho biết uy tín và tốc độ là điểm mạnh của Vuivui. Theo đó, hàng hóa trên Vuivui đều 80% do Thế Giới Di Động bán, phần còn lại là các mặt hàng quy mô nhỏ sẽ được ký kết với các doanh nghiệp cung ứng để phủ rộng ngành nghề.
Khi người dùng phát hiện hàng giả, công ty sẽ đền bù cho khách hàng nhưng đồng thời phạt doanh nghiệp cung ứng gấp rất nhiều lần. Chẳng hạn khách hàng khi mua đôi giày hơn triệu đồng phát hiện hàng giả, Vuivui sẽ đền toàn bộ tiền nhưng doanh nghiệp cung ứng có thể bị phạt đến cả trăm triệu đồng – điều này nhằm xây dựng chuỗi cung ứng uy tín. Ông Tài cho biết mỗi mặt hàng trên Vuivui chỉ do một đơn vị cung ứng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này chia các mốc thời gian như 11 giờ trưa, 4 giờ chiều, 8 giờ tối để giao hàng. Chẳng hạn với nhiều món hàng, khi đặt mua thời điểm 11 giờ thì trước 4 giờ giao. Quá thời hạn cam kết khách hàng sẽ được bồi thường bằng phiếu mua hàng.
Ông Phạm Văn Trọng – Giám Đốc dự án thương mại điện tử Vuivui.com – cho rằng thị trường bán hàng qua mạng hiện rất phức tạp.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử “cắt máu mình” để giảm giá, chạy các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng, “làm hư” khách hàng, khiến người mua hàng mặc định nghĩ mua hàng online sẽ rẻ. Tuy nhiên Vuivui sẽ không làm vậy, sẽ đặt mục tiêu bán hàng chất lượng và tốc độ giao hàng lên trên.
MWG đặt mục tiêu trở thành trang thương mại điện tử số 1 Việt Nam trước năm 2020, và chiếm 10% doanh thu MWG trong 3 năm nữa.