Hoạt động trong mảng F&B – một trong ba lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, Starbucks Việt Nam trong lần trò chuyện cuối năm không phủ nhận việc bỏ xa chỉ tiêu 2021.
Dù vậy, từ tháng 10, ngay sau khi Việt Nam dần nới lỏng giãn cách để bước vào bình thường mới, Starbucks đã và đang chạy nước rút. Trong đó, tính đến nay thương hiệu đã mở mới thêm được 6 cửa hàng và ghi nhận tình hình hoạt động rất tốt.
Nhìn lại năm 2021, việc Starbucks đóng cửa hàng góc đắc địa nhất nhì Sài Gòn – tại khách sạn REX ngay đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, Tp.HCM) - gây chú ý, thậm chí là nhiều tiếc nuối trong lòng các tín đồ cà phê. Lúc bấy giờ, nhiều quan điểm cho rằng việc thu hẹp và đóng cửa là điều dễ hiểu, bởi gánh nặng chi phí mặt bằng.
Song, thực tế không hoàn toàn là vậy.
"Đóng cửa hàng là một phần trong vòng tròn kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, và Starbucks cũng vậy. Nói về cửa hàng tại REX, tại đây có trí rất đẹp, khách hàng tới lui nhiều nhưng có nhiều cái vướng mắc. Ví dụ là khu vực này đang phải sửa cống nước, rồi đến sửa đường cho tuyến Metro… từ đó dẫn đến nhiều hạn chế.
Cho nên, Starbucks REX chúng tôi đóng cửa vì sau nhiều năm hoạt động không đạt được kỳ vọng ban đầu, không ai biết được vừa mở ra là gặp phải việc đào đường 2 năm trời nên không cho KQKD như mong muốn", bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam – cho biết.
Tương tự cửa hàng đặt tại VivoCity (quận 7, Tp.HCM). Sau 5 năm hoạt động cửa hàng, Starbucks thấy được rằng đối tượng khách hàng khác hẳn so với định vị ban đầu của Công ty, do đó Starbucks đã phải đổi giao diện.
"Vì đây là trung tâm thương mại, sẽ có nhiều gia đình dắt trẻ em đến vui chơi, ăn uống các dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Do đó, Starbucks đã đổi hình ảnh sang màu sắc tươi sáng hơn, thay thế cho màu đen tối giản như trước. Đó cũng là cách chúng tôi làm mới hình ảnh liên tục", đại diện hãng nói thêm.
Bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam.
Nói về tình hình kinh doanh năm 2021, bà tâm sự Starbucks gần như không làm gì trong 9 tuần. Nếu so với năm 2020, thì năm rồi chỉ đóng cửa có 2 tuần nên KQKD theo đó không thể bằng dù năm nay có nhiều cửa hàng hơn.
Nhưng, đại dịch vừa qua Starbucks Việt Nam vẫn đạt được những thành tích ngoài mong đợi, qua đó cũng thấy hãng đã có sự chuẩn bị tốt hơn sau đợt dịch bùng phát năm 2020. Đơn cử, ngay trong đợt cao điểm dịch bệnh là tháng 7-8, gần như Tp.HCM và các tỉnh phía Nam phải lockdown hoàn toàn, thậm chí việc đi lại mua bán cực kỳ khó khăn do những quy định về giấy phép… Starbucks vẫn bán bánh trung thu online.
Ghi nhận bởi hãng, nhu cầu của khách hàng lúc bấy giờ cực kỳ lớn, ngoài dự đoán và Starbucks thực tế không đủ sản phẩm để bán cho người tiêu dùng. Chưa kể, một thách thức khác là khi xong đơn thì không thể vận chuyển được do những quy định. Tuy nhiên, cuối cùng Công ty vẫn vượt qua, thậm chí nhận được phản ứng rất tốt từ khách hàng.
"Bạn không thể thấy được sự vui mừng khi khách hàng nhận được hộp bánh trung thu trong giai đoạn đó. Nên, giá trị những ngày đó Starbucks không được tính về số, mà tính trên những cái không nghĩ làm được nhưng vẫn thực hiện trong năm 2021", đại diện hãng nói thêm.
Ngoài ra, năm nay Starbucks cũng phát triển mảng Delivery. Trong đó, tháng 4/2021 hãng có cửa hàng chính thức trên sàn TMĐT Lazada, và đến tháng 9 thì phát triển sang cả ShopeeFood (Now cũ).
Trong xu hướng tiêu dùng mới, Starbucks với các bên thứ ba đã có chiến lược đi lâu dài. Riêng năm nay, dù mới triển khai nhưng nhờ "thiên thời địa lợi", đơn hàng tự nhiên đến và rất khả quan, dù Công ty vẫn chưa hành động gì quá nhiều.
Hiện, hãng đang đẩy mạnh kế hoạch mở mới cho những tháng cuối năm, song song ra mắt các dòng sản phẩm cho các dịp lễ (Tết, Tình yêu 14/2…). Tính từ đầu năm, Starbucks đã mở được 3 cửa hàng tại Nha Trang.
Đến tháng 10/2021, Starbucks mở thêm 2 cửa hàng tại Hà Nội (đây toàn là các vị trí chưa có nhiều dịch vụ F&B nên Starbucks theo đại diện nhận được sự quan tâm và chào đón của khách hàng sở tại). Tại Tp.HCM, Starbucks có mở thêm cửa hàng tại quận 1, quận 2, Bình Tân và sắp tới là Bình Dương – được ví như một thành phố mới.
Lên chiến lược cho năm 2022, Starbucks nhìn nhận Covid-19 dù gây nhiều tổn thất, nhưng cũng là cơ hội mở ra nhiều hình thức kinh doanh mới: Nhất là Delivery Business khi khách hàng ngại tiếp xúc chỉ thanh toán online (qua các ví điện tử, cổng thanh toán liên kết…). Song song Covid-19 cũng là chất xúc tác khiến các doanh nghiệp đều phải làm mới chính mình.
Riêng Starbucks, chiến thuật năm 2022 vẫn là phải đáp ứng và thích ứng với thị trường. "Chúng tôi có mở những cửa hàng nhỏ hơn, phục vụ khách hàng chỉ mua đi chứ không ngồi lại. Nhưng, định hình của Starbucks vẫn là không gian nơi khách hàng đến trải nghiệm, thưởng thức cùng gia đình và bạn bè. Nguyên tắc đó sẽ không đổi", Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Tính đến hiện tại, Starbucks Việt Nam đang vận hành 77 cửa hàng.