Từng thay đổi các điều khoản hồi năm 2017, cựu Thủ tướng Ranil Wickremeinghe cho hay sẽ rất khó để trả các khoản vay đã nhận để xây dựng dự án.
Ông Wickremeinghe trước đó đồng ý cho Công ty xây dựng cảng China Merchants Port Holdings của Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm đổi lại khoản tiền lên đến 1,1 tỉ USD. Ông Wickremeinghe nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018 rằng điều đó giúp giảm bớt một phần gánh nặng nợ Trung Quốc trong việc xây dựng cảng.
Nỗ lực thực hiện lại giao dịch sẽ giúp chính phủ mới của Sri Lanka có thể thay đổi hợp đồng bị xem là gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
Sri Lanka muốn dừng hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm. Ảnh: Bloomberg
Ông Ajith Nivard Cabraal, cựu thống đốc ngân hàng trung ương và cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, cho hay: "Chúng tôi muốn họ ngừng thuê cảng. Sẽ thật hay nếu mọi thứ quay trở lại ban đầu. Chúng tôi sẽ trả lại khoản vay theo đúng hạn như cách mà chúng tôi đã đồng ý ban đầu mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào".
Tuy nhiên, bà Smruti Pattanaik, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phòng vệ và phân tích ở New Delhi - Ấn Độ, đánh giá: "Đây là thỏa thuận có liên quan vấn đề chủ quyền và không có khả năng nó bị hủy bỏ hoặc thay thế theo một cách đáng kể nào. Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản nếu điều đó quan trọng đối với chính quyền ông Rajapaksa".
Phản ứng trước động thái của chính quyền Sri Lanka, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Sự hợp tác giữa Trung Quốc - Sri Lanka, bao gồm dự án cảng Hambantota, được thực hiện trên cơ sở bình đẳng và tham vấn. Trung Quốc mong muốn hợp tác với Sri Lanka để giúp Hambantota trở thành một trung tâm vận chuyển mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương".
Nhận định về đề nghị của Sri Lanka, ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi, cho hay: "Sri Lanka sẽ phải đưa ra một hợp đồng tương tự, nếu không muốn nói là hấp dẫn hơn về mặt tài chính để Bắc Kinh đồng ý hủy bỏ hợp đồng thuê cảng Hambantota".
Trong khi đó, ông Cabraal nhấn mạnh: "Các thỏa thuận song phương một khi đã ký kết đều là những thỏa thuận nghiêm túc. Nhưng song song đó, chúng ta phải quan tâm đến lợi ích quốc gia. Nếu một chính phủ hủy bỏ hợp đồng, chính phủ mới cần phải tìm cách và phương tiện để thực hiện điều đó một cách thân thiện".
Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Sri Lanka đã trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, khiến Ấn Độ lo ngại đối thủ địa chính trị này sử dụng cảng gần bờ biển phía Nam cho các mục đích chiến lược hoặc quân sự trong tương lai.
Về phần mình, Trung Quốc đến nay vẫn bác bỏ những lo ngại về việc nước này có bất kỳ mục tiêu quân sự nào đối với khoản đầu tư vào cảng Hambantota, nằm trên các tuyến vận chuyển chính giữa châu Á và châu Âu. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng hợp đồng này mang lại lợi ích cho hai bên và sẽ hỗ trợ nền kinh tế Sri Lanka.