Sri Lanka bắt đầu bầu tổng thống mới, sóng gió liệu đã qua?

Thu Hoài |

Quốc hội Sri Lanka hôm nay (16/7) nhóm họp, bắt đầu quy trình bầu chọn tổng thống mới, 2 ngày sau khi ông Gotabaya Rajapaksa gửi đơn từ chức.

Người biểu tình tập trung bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 13/7. Ảnh: Reuters

Người biểu tình tập trung bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 13/7. Ảnh: Reuters

Từ một quốc gia chưa từng bị đói, Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội chưa từng có kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Khoảng trống quyền lực mà Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để lại đã nhanh chóng được bù đắp với việc Thủ tướng Wickremesinghe được chỉ định là tổng thống lâm thời và đã tuyên thệ nhậm chức ngay ngày hôm qua (15/7). Ông Wickremesinghe sẽ tạm thời lãnh đạo đất nước cho đến khi Quốc hội bầu ra được người kế nhiệm ông Gotabaya Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay, dự kiến kết thúc vào năm 2024. Nhà lãnh đạo Sri Lanka đã ngay lập tức thông báo thành lập một ủy ban đặc biệt để duy trì Nhà nước pháp quyền và hòa bình, đồng thời cam kết hỗ trợ tiến trình bầu chọn tổng thống mới.

“Dù trong thời gian ngắn, song tôi sẽ nỗ lực nhằm tạo nền tảng cho tổng thống mới, người sẽ được bầu vào tuần tới để tiến hành sửa đổi hiến pháp thứ 19 của đất nước một cách nhanh chóng. Tôi sẽ thực hiện ngay lập tức các bước cần thiết để thiết lập pháp quyền và hòa bình của đất nước. Chúng tôi sẽ tạo ra môi trường tốt nhất để các nghị sĩ bày tỏ quan điểm của mình một cách độc lập”, ông Wickremesinghe nói.

Ông Wickremesinghe trở thành tổng thống lâm thời của Sri Lankasau khi ông Rajapaksa rời khỏi đất nước để đến Maldives và sau đó là Singapore. Tuy nhiên, bản thân nhà lãnh đạo này và hiện cũng là ứng cử viên duy nhất của đảng cầm quyền cũng đang phải đối mặt với những lời kêu gọi và sức ép từ chức. Theo Hiến pháp Sri Lanka, tổng thống mới sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới và sau đó đưa ra Quốc hội để thông qua. Dự kiến các đề cử ứng cử viên Tổng thống sẽ được công bố vào ngày 19/07 tới và các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu vào ngày 20/07.

Là đất nước nhiệt đới chưa từng thiếu lương thực, nhưng Sri Lanka hiện đã trở thành một quốc gia vỡ nợ. Kinh tế suy thoái dẫn đến bất ổn chính trị kéo dài nhiều năm đã thách thức khả năng chịu đựng của người dân. Quốc gia Nam Á không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu, lương thực, thuốc men, các mặt hàng thiết yếu. Đồng tiền mất giá tới 80%, khan hiếm hàng hóa trầm trọng đẩy lạm phát lên cao tới 54,6% vào tháng 6 vừa qua, chất thêm gánh nặng lên vai người dân. Chính vì thế, người dân Sri Lanka hi vọng, đất nước sẽ nhanh chóng bầu ra được Tổng thống mới để giúp giải cứu nền kinh tế:

“Nếu có thể tìm ra người phù hợp nhất thì mọi chuyện sẽ ổn. Còn nếu họ chỉ muốn có quyền lực thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đất nước sẽ không bao giờ tiến lên được”.

“Những gì chúng tôi muốn nói với Tổng thống mới là hãy hành động để giải cứu nền kinh tế của đất nước”.

Sri Lanka đang phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về một gói cứu trợ kinh tế song không phải với tư cách là một quốc gia đang phát triển, mà là một quốc gia vỡ nợ. Theo các nhà phân tích, Sri Lanka đang bước vào một thời kỳ bất định và bất kỳ ai trở thành tổng thống mới cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn những thách thức, mà trước mắt là tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kép, hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc, tái cơ cấu các khoản nợ để nhận được các khoản cứu trợ mới của cộng đồng quốc tế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại