Báo cáo của Bank of America Merrill Lynch chỉ ra: nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Bởi lẽ, các nhà sản xuất ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc lắp ráp hoặc tạm nhập tái xuất để khai thác các cơ hội từ chiến tranh thương mại.
"Cán cân thương mại Việt Nam đã không được cải thiện kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Xuất khẩu sang Mỹ có tăng, nhưng chưa bù đắp được nhập khẩu từ Trung Quốc", báo cáo cho biết.
Số liệu sơ bộ do Tổng cục Thống kê công bố trong 4 tháng đầu năm cho thấy xuất khẩu đã đạt 20,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 21 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại khoảng 600 triệu USD. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ thặng dư thương mại 3,2 tỷ USD trong tháng 4. Tuy nhiên, thâm hụt với Trung Quốc đã mở rộng tới 3,7 tỷ USD.
Tính từ giữa tháng 4 năm 2018 đến tháng 4 năm 2019, xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại và dệt may là những mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu máy tính, hàng điện tử và máy móc trong cùng thời kỳ, báo cáo của BofA, do Sanjay Mookim thực hiện.
"Trước tiên, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc, bởi vì khó có thể xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng trong sáu tháng, và những gì Việt Nam có thể làm bây giờ phần lớn là lắp ráp cuối cùng", ông nói "quá trình này tạo ra rất ít giá trị gia tăng".
Vậy nên, nếu nói về hưởng lợi chiến tranh thương mại, thì là về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc đã tăng 4,6 lần lên 1,56 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, khi các công ty Trung Quốc mở rộng hoặc thiết lập chuỗi sản xuất mới tại Việt Nam để tránh thuế quan bổ sung do chính quyền Tổng thống Trump áp dụng.
Báo cáo của BofA lưu ý rằng ngoài các ngành máy móc và cơ khí của Việt Nam, Mexico, Malaysia và Canada cũng có lợi tương tự trong trường hợp Mỹ chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Báo cáo cũng chỉ ra rằng để thay thế hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, các quốc gia khác phải nỗ lực tạo ra lợi thế sản xuất, bên cạnh việc cung cấp lao động giá rẻ.
Trung Quốc đã từng tạo ra tăng trưởng xuất khẩu thần tốc với lợi thế chủ yếu là chi phí lao động. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đã phải rất nỗ lực trong việc khuyến khích thành lập và thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, báo cáo cho biết.
Các điều kiện khác liên quan đến đất đai, lao động, vốn, ưu đãi thuế cũng cần phải được hoàn thiện thì mới có thể thực sự tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.