Các nhà nghiên cứu đã phát hiện bằng chứng về trận sóng thần này sau khi phân tích lõi từ hơn 100 địa điểm trên toàn thế giới. Nhóm đã tạo ra các mô hình kỹ thuật số của những con sóng, sau vụ va chạm của tiểu hành tinh ở Bán đảo Yucatán (Mexico).
Tác giả chính của nghiên cứu Molly Range, Thạc sĩ tại Khoa Trái đất và Khoa học Môi trường, Trường Đại học Michigan (Mỹ), cho biết: “Trận sóng thần này đủ mạnh để làm xáo trộn và xói mòn trầm tích trong các lưu vực đại dương ở nửa Trái đất”.
Dựa trên những phát hiện trước đó, nhóm đã lập mô hình một tiểu hành tinh có chiều ngang 8,7 dặm (14 km) và đang phóng tốc độ 27.000 dặm/giờ (43.500 km/h), gấp 35 lần tốc độ âm thanh khi va vào Trái đất.
Các nhà nghiên cứu cho biết, có nhiều tác động nguy hiểm của tiểu hành tinh, như gây ra những đám cháy dữ dội, dẫn đến mưa axit và kéo dài thời gian lạnh trên toàn cầu. Để tìm hiểu thêm về trận sóng thần, Range và các đồng nghiệp đã phân tích địa chất Trái đất.
Họ phân tích thành công 120 trầm tích biển được hình thành ngay trước hoặc sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, đánh dấu sự kết thúc của kỷ Phấn trắng. Kết quả cho thấy sự phù hợp với dự đoán về mô hình chiều cao và di chuyển của sóng.
Khi tiểu hành tinh va chạm với Trái đất, nó đã tạo ra một miệng núi lửa rộng 62 dặm (100 km) và làm bay lên bầu khí quyển một đám mây bụi dày đặc. Chỉ 2,5 phút sau khi vụ va chạm xảy ra, làn sóng cao 2,8 dặm (4,5 km) được tạo ra.
Vào thời điểm 10 phút, một đợt sóng thần cao 0,93 dặm (1,5 km) cách nơi xảy ra va chạm khoảng 137 dặm (220 km) đã quét qua vịnh theo mọi hướng. Một giờ sau cú va chạm, sóng thần đã rời Vịnh Mexico và lao vào Bắc Đại Tây Dương. Bốn giờ sau vụ va chạm, sóng thần đã đi qua Đường biển Trung Mỹ và tiến đến Thái Bình Dương.
Một ngày sau vụ va chạm của tiểu hành tinh, các con sóng đã đi qua hầu hết Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, tiến vào Ấn Độ Dương từ cả hai phía. Sóng chạm đến hầu hết các đường bờ biển trên thế giới 48 giờ sau vụ tấn công.
Sau tác động, sóng thần chủ yếu tỏa ra phía Đông và Đông Bắc, đổ ra Bắc Đại Tây Dương, cũng như về phía Tây Nam qua đường biển Trung Mỹ đổ vào Nam Thái Bình Dương. Nước di chuyển nhanh đến mức có thể vượt quá 0,4 dặm/giờ (0,6 km/h). Tốc độ này có thể làm xói mòn lớp trầm tích của đáy biển.