Sóng ngầm G7: Ngay cả khi không có ông Trump, Mỹ và đồng minh vẫn cứ căng thẳng

Linh Anh |

Hội nghị Thượng đỉnh của 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa lần đầu tiên diễn ra sau 2 năm. Tuy nhiên, sự chia rẽ vẫn bao trùm cho dù ông Donald Trump, người tạo ra nhiều sóng gió với các mối quan hệ đồng minh, không còn là Tổng thống Mỹ.

Mỹ chưa trở lại hoàn toàn, châu Âu không thống nhất và Brexit dang dở là những vấn đề nổi cộm khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức lại sau 2 năm vắng bóng. Chính những mâu thuẫn đó đã khiến G7 trở nên bất đồng dù với nỗ lực của nước chủ nhà, thông cáo chung vẫn được ban hành.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh G7 đầu tiên trong 2 năm qua. Nó sẽ đóng vai trò như là "đèn xanh" cho các sự kiện quốc tế thời hậu đại dịch. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo G7 gặp nhau kể từ khi ông Donald Trump rời Nhà Trắng. Sở dĩ, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ được nhắc tên bởi những chính sách của ông đã làm tổn hại rất nhiều cho mối quan hệ của G7, một liên minh tồn tại nhiều năm qua.

Đây cũng là Hội nghị Thượng đỉnh G7 cuối cùng của Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã đóng vai trò như một bức tường thành của châu Âu trong 16 năm qua. Hội nghị cũng là cơn ác mộng về hậu cần khi cuộc gặp của các nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả, Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson vẫn kiên trì và thậm chí còn có được một thông cáo chung, điều đôi khi không xảy ra trong thời điểm ông Donald Trump vẫn là Tổng thống Mỹ. Dẫu vậy, nỗ lực của nước chủ nhà cũng không đủ để xóa đi sự khác biệt giữa các đồng mình, vốn đều là cường quốc.

Dù bề mặt có thể khá bằng phẳng nhưng trong lòng G7 luôn có sóng ngầm mâu thuẫn, từ vấn đề Trung Quốc cho tới biến đổi khí hậu. Brexit là chủ đề chứng kiến lời qua tiếng lại giữa ông Johnson và các nhà lãnh đạo EU. Thậm chí, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn thổi bùng lên không khí căng thẳng tại hội nghị, bất kể nỗ lực của bà Merkel.

Bà đầm thép của nước Đức cũng nói rằng khi nước Mỹ có tổng thống mới, điều đó không đồng nghĩa rằng "thế giới đã không còn vấn đề". Trong khi đó, đối đầu với Trung Quốc là chủ đề khó với Thủ tướng Mario Draghi của Italy.

Ông Joe Biden tới G7 với nỗ lực xây dựng lại liên minh và cho thấy sự trở lại của nước Mỹ. Tuy nhiên, người châu Âu cũng tuyên bố sẽ thẳng thắn nói về những điều mà họ không thể chấp nhận. Một trong những điều đầu tiên bà Merkel nhắc tới là việc Mỹ và Anh không cho phép xuất khẩu vắc xin Covid-19 tới châu Âu trong thời điểm dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất. Điều này khiến việc tiêm chủng ở châu Âu diễn ra chậm chạp.

Dù là ông Trump hay ông Biden, Mỹ cũng chỉ là một thành viên bình thường của G7. Sẽ không có "phép màu" nào để Mỹ được quyền ra quyết định là buộc các nước khác phải tuân theo như trong quá khứ. Ngay cả khi sẽ thôi đảm trách chức Thủ tướng Đức vào tháng 9, bà Merkel cũng vẫn nói về sự bình đẳng hơn cho các quốc gia khi quyết định những vấn đề quan trọng.

Về Trung Quốc, sự khác biệt tuy là rất nhỏ nhưng lại hết sức rõ ràng. Thông cáo chung của Hội nghị mở đường cho một cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 nhưng cũng nói rằng không có bằng chứng cho thấy đại dịch là hậu quả của một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở vũ Hán. Một số lãnh đạo châu Âu công khai tuyên bố họ không tin vào giả thuyết đó, ngay cả khi ủng hộ tiến hành điều tra.

Khi đề cập tới vấn đề thiết thực hơn là phải làm gì để chống lại sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như việc nước này ngày càng cứng rắn hơn khi đối đầu với chỉ trích, các nhà lãnh đạo G7 cũng phải rất nỗ lực để đạt được sự thống nhất.

Theo một quan chức G7, người châu Âu, đặc biệt là Italy và Đức, cảm thấy việc thúc đẩy chống Trung Quốc bắt nguồn từ người Mỹ và nó cũng không phản ánh chính xác nội dung cuộc trò chuyện của họ với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong bản thông cáo chung, G7 không nói về Trung Quốc mạnh mẽ như những gì người Mỹ muốn.

Ở thời điểm hiện tại, có thể nói rằng kinh tế châu Âu mắc kẹt giữa 2 siêu cường. Một số nghiên cứu cho rằng nền kinh tế lớn số 2 thế giới có thể soán ngôi Mỹ sớm hơn do đại dịch Covid-19 hoành hành. Điều đó có thể giải thích phần nào cho sự thận trọng khi đưa ra một thông điệp chống Trung Quốc quá mạnh mẽ.

Tổng thống Pháp Macron là một trong những lãnh đạo cố tìm điểm hài hòa. Ông Macron tỏ ra nồng nhiệt với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trên mạng xã hội, tràn ngập hình ảnh đó. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cũng nói rằng Paris muốn tìm cách hợp tác với Trung Quốc và G7 không nên biến thành một câu lạc bộ chống Trung Quốc ngay cả khi ông gọi Bắc Kinh là "đối thủ kinh tế".

Phản ứng chính thức về các hoạt động của G7, Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói rằng: "Các nội dung chẳng thể làm tổn hại gì tới Bắc Kinh. Những ngày mà một nhóm nhỏ các nước quyết định số phận toàn cầu đã qua từ lâu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại