Sự kiện này được đưa tin là "leo thang" thù địch giữa 2 quốc gia. Một số dân làng kể rằng vụ vi phạm ngừng bắn mới nhất là "tệ hại nhất" mà họ từng trải qua kể từ năm 2003.
"Mọi người ở đây đều khiếp sợ. Chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi thường xuyên" - ông Mohammad Yaqoob - 50 tuổi, hiện sống trong trại cứu tế do chính quyền địa phương lập ra trong một ngôi trường ở Uri - nói.
Những người sơ tán đang phải tá túc trong một thị trấn có 3 mặt giáp biên giới. Đây là nơi hứng chịu đạn pháo nặng nề nhất, ảnh hưởng đến hơn 7.000 người. Phụ nữ và trẻ em rời đi trên những chiếc xe cứu thương do nhà chức trách bố trí. Họ kể rằng toàn bộ làng mạc đều không còn một bóng người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu thường dân bị thương hoặc tử vong do đạn pháo.
Một số dân làng đến nơi tị nạn với 2 bàn tay trắng, chỉ có duy nhất bộ quần áo đang mặc trên người. Họ canh cánh lo cho nhà cửa, vật nuôi và của cải buộc phải bỏ lại.
"Chúng tôi đang sống trong các điều kiện và nỗi đau khổ như thời chiến. Hai bên đều phải nghĩ đến những người dân sống dọc theo "đường kiểm soát" (LoC) và đồng ý ngừng bắn" - Lal Din, cư dân Uri, bày tỏ.
Theo đài BBC, LoC trải dài 776 km, uốn lượn qua các ngọn núi ở Jammu, bang phía Bắc Ấn Độ và Kashmir. Đây được xem là đường biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan.
Hai quốc gia Nam Á này đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir trong khi chỉ nắm quyền kiểm soát một phần nào đó. Hậu quả là cuộc tranh chấp kể trên đã gây ra 2 cuộc chiến tranh và xung đột giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Đài BBC cho biết các vụ đấu pháo thường xuyên xảy ra dọc theo LoC cho tới khi hai bên đồng ý ngừng bắn vào năm 2003. Thế nhưng, kể từ năm 2013, số vụ vi phạm ngừng bắn lại gia tăng mạnh.
Quân đội Ấn Độ tố cáo Pakistan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn 860 lần trong năm 2017, riêng trong tháng 12 đã xảy ra 147 vụ. Trong khi đó, Pakistan khẳng định binh sĩ Ấn Độ vi phạm ngừng bắn hơn 1.900 lần trong năm 2017, còn trong tháng 1-2018 đã có ít nhất 75 vụ.
Có khoảng 200.000 binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đối mặt nhau dọc theo đường biên giới này - với súng trường, súng máy, súng cối và pháo binh trong tư thế sẵn sàng. Đây là biên giới được quân sự hóa bậc nhất và tập trung đông quân nhất thế giới.